Với hơn 1.000 ha vải sớm, sản lượng đạt 29.000 tấn và giá bán cao, ổn định, vụ vải thiều sớm năm nay ở Thanh Hà được đánh giá là thắng lợi nhất trong 10 năm qua.
Sản xuất, tiêu thụ thuận lợi, năm nay nông dân Thanh Hà thu khoảng 1.000 tỷ đồng từ vải sớm
Vụ vải thiều sớm năm nay ở Thanh Hà được đánh giá là thắng lợi nhất trong 10 năm trở lại đây. Người dân vui mừng, phấn khởi vì năng suất vải cao, giá bán cũng cao ổn định trong cả vụ.
Năng suất vượt trội, giá bán cao
Vải thiều sớm ở Thanh Hà luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Đó cũng là một trong những động lực lớn để người dân quan tâm đầu tư nhiều hơn vào sản xuất vải. Hiện nay, toàn bộ diện tích vải sớm đã được áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất. Nhiều diện tích vải bảo đảm tốt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản...
Vải sớm trồng chủ yếu ở khu Hà Đông, cho thu hoạch từ ngày 6.5-13.6. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, với hơn 1.000 ha vải sớm, sản lượng năm nay đạt 29.000 tấn, cao hơn năm trước khoảng 4.000 tấn. Ông Hoàng Văn Cơ ở thôn Nhân Hiền (xã Thanh Quang) vui mừng vì đây là năm gia đình ông được mùa nhất từ trước đến nay. Năm nay gia đình ông thu khoảng 14 tấn vải sớm, bán được khoảng 450 triệu đồng. Theo ông Cơ, lúc đầu thời tiết mưa rét kéo dài, ai cũng nghĩ "xôi hỏng bỏng không", nhưng với kinh nghiệm trồng vải nhiều năm, người dân đã có những biện pháp phòng trừ sâu bệnh, chống chịu với những giai đoạn thời tiết khắc nghiệt để giữ quả vải. Cuối cùng, vải sớm lại cho năng suất hơn mong đợi.
Điều bất ngờ nhất là giá vải sớm năm nay cao và giữ ổn định từ đầu vụ đến cuối vụ. Trà vải sớm nhất là u trứng trắng cho thu hoạch đầu tiên có lúc lên đến gần 200.000 đồng/kg. Sau đó, trà vải này bán với giá ổn định 80.000 đồng/kg. Cùng nằm trong trà vải sớm có u hồng, u gai, tàu lai đều từ 35.000-45.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với năm trước. Với giá bán cao, ở khu Hà Đông có nhiều hộ thu từ 300-500 triệu đồng từ vải sớm.
Nguyên nhân giá vải cao do chất lượng quả vải thiều sớm ở đây được đánh giá đứng đầu so với vải sớm các nơi khác. Quả vải mẫu mã đẹp, ngọt, thơm. Ngoài ra, thời điểm đậu quả không đều, vải chín rải rác, không tập trung vào một thời điểm nên không có tình trạng "bán tháo". Năm nay, nông dân thu hoạch vải sớm kéo dài hơn 1 tháng, tăng hơn 1 tuần so với năm trước. Thời điểm vải thiều sớm ở đây cho thu hoạch không cùng thời gian với những nơi khác nên thương lái dễ mua, dễ bán.
Nông dân Thanh Hà vui mừng vì vải sớm được mùa, được giá
Tiêu thụ thuận lợi
Nhiều người dự đoán đầu vụ vải sớm sẽ khó tiêu thụ do Trung Quốc chưa thông quan. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trải qua 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng vải Thanh Hà đã chủ động kết nối tiêu thụ qua nhiều kênh.
Cuối tháng 5, UBND tỉnh đã tổ chức lễ mở vườn hái vải xuất khẩu, hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022, Tuần lễ xúc tiến thương mại và du lịch Hải Dương năm 2022... đã góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước tiêu thụ vải thiều Thanh Hà.
Với khoảng 29.000 tấn vải, huyện Thanh Hà ước đạt doanh thu từ vải sớm khoảng 1.000 tỷ đồng, cao hơn năm trước khoảng 300 triệu đồng. Trong đó, khoảng 50% sản lượng vải sớm xuất khẩu thuận lợi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Trung Quốc... Nét mới là năm nay vải sớm được tiêu thụ nhiều tại thị trường miền Nam (chiếm khoảng 50%) và các chuỗi siêu thị trên toàn quốc. Vải thiều Thanh Hà còn được chọn là đặc sản để các cơ quan, đơn vị, tổ chức mua làm quà biếu...
Mặc dù thương lái Trung Quốc năm nay không về Thanh Hà dài ngày nhưng họ đặt nhiều điểm cân tại đây hơn mọi năm và thuê người cân. Đến hết mùa vải sớm, toàn huyện có khoảng 300 điểm cân lớn nhỏ. Bình quân mỗi ngày nông dân Thanh Hà thu hoạch khoảng 1.000 tấn vải. Không chỉ có các chủ điểm cân vải với những xe chở container lớn mà thương lái trong và ngoài tỉnh cũng tấp nập đưa xe tải nhỏ về thu mua.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết với vải sớm, người dân không lo đầu ra. Đây là năm đại thắng của loại vải này. Có được kết quả này do người dân đã chủ động hơn trong các khâu sản xuất và tiêu thụ. Nhiều năm trước, nông dân còn thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào chủ điểm cân nên nhiều khi bị ép giá. Vải sớm có giá trị kinh tế cao ở khu Hà Đông nên huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân chăm sóc vải sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hơn trong những năm tới.
Sau thu hoạch vải sớm, huyện có thêm nhiều bài học kinh nghiệm để định hướng người dân trong quá trình thu hoạch vải thiều chính vụ. Huyện tiếp tục kết nối các doanh nghiệp đưa vải thiều chính vụ tiêu thụ thuận lợi trên các sàn thương mại điện tử. Vải thiều chính vụ Thanh Hà chín cùng lúc với vải thiều Bắc Giang, tuy sản lượng không nhiều nhưng cũng cần có sự quan tâm của các sở, ngành trong việc xúc tiến, tiêu thụ.
MINH NGUYÊN