Giá trứng, thịt, rau... được nhiều nhà cung cấp, nông dân bán ra ở mức thấp, thậm chí rất thấp. Nhiều người dân cho rằng không ít nhà bán lẻ đang lợi dụng kiếm lời.
Nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu vẫn còn neo ở giá cao. Ảnh: Q.ĐỊNH
Giá chênh lệch lớn
Nhiều hộ chăn nuôi phía Nam cho biết giá lợn hơi bán ra tại chuồng hiện từ 48.000 - 52.000 đồng/kg tùy loại, thậm chí lợn nái chỉ còn 22.000 đồng/kg - giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với hơn 2 tháng trước đó. Giá gà công nghiệp xuất chuồng ở các tỉnh phía Nam vẫn ở mức khá thấp với 15.000 - 17.000 đồng/kg.
Tuy vậy, theo ghi nhận, tại nhiều siêu thị, giá thịt gà công nghiệp bán ra từ 60.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại (gấp 4-5 lần giá gà xuất chuồng).
Theo chị Thuận (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), nhiều tuần qua, giá thịt gà chị mua từ các siêu thị ở mức 75.000 - 80.000 đồng/kg đùi. Thịt đùi lợn 145.000 đồng/kg, ba rọi lợn 190.000 đồng/kg... Mức giá trên hầu như không giảm so với khoảng 2 tháng trước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Phụng - chủ vựa Kim Huệ (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) - cho biết do đầu ra gặp khó nên giá thủy hải sản tại địa phương hiện giảm khoảng 50%, như cá đồng giảm còn 20.000 đồng/kg, cá bớp 90.000 đồng/kg...
Tuy vậy, giá bán lẻ tại nhiều trang mạng, siêu thị vẫn neo cao. Cụ thể, trên các chợ mạng như "Tôi là dân Bình Thạnh", "Rao vặt Sài Gòn"... cá bớp giá 200.000 - 300.000 đồng/kg, cá ba sa 120.000 đồng/kg...
Với trứng, ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) - cho biết đang thua lỗ do "gồng" để giữ giá trứng bán ra 28.000 đồng/chục trứng gà và 33.000 đồng/chục trứng vịt (giá đến tay khách hàng). Thậm chí, Công ty Ba Huân (TP Hồ Chí Minh) đang bán từ 23.000 - 25.000 đồng/chục trứng gà (không vỉ đựng). Tuy vậy, không ít chợ mạng, tạp hóa đang bán lẻ với mức 36.000 - 45.000 đồng/chục trứng tùy loại.
Với rau củ Đà Lạt, ông Lưu Lập Đức - Giám đốc Công ty Agri Đức Tiến (Lâm Đồng) - cho biết su su, bắp cải, cà tím, củ dền, cà chua... được nhiều nông dân bán ra ở mức thấp với 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tuy vậy, giá bán lẻ tại nhiều hội nhóm chợ mạng, siêu thị vẫn neo cao như các loại rau ăn củ Lâm Đồng ở mức 25.000 - 40.000 đồng/kg.
Khâu bán lẻ đang lãi đậm?
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chi phí chuyên chở và giết mổ tăng. Bình thường xe chở 50 con lợn từ Đồng Nai về TP Hồ Chí Minh tốn khoảng 2,5 triệu đồng và giờ tăng cao lắm khoảng 5 triệu đồng, giá giết mổ gấp đôi bình thường lên 200.000 đồng/con, chi phí xét nghiệm tài xế...
"Tính tổng chi phí chuyên chở, giết mổ tăng cao lắm khoảng 300.000 đồng/con lợn so với bình thường. Tuy nhiên, khoản chi phí này chiếm rất ít trong cấu thành giá đầu vào, ngược lại, khoản chiếm nhiều nhất là mua lợn hơi thì giá lợn đang khá rẻ. Nhiều người bán lẻ đang lãi đậm" - ông Đoán nhận định.
Ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP - cũng cho rằng nếu giết mổ với số lượng lớn, thực tế chi phí chuyên chở, giết mổ lợn của đơn vị chỉ tăng khoảng 5-10%. Nếu số lượng ít hơn thì có thể tăng 20-25%.
Đối với mặt hàng rau, ông Lưu Lập Đức cho rằng giá cước vận chuyển từ Lâm Đồng về TP Hồ Chí Minh đang tăng gấp đôi bình thường nhưng tính theo ký chỉ tăng khoảng 3.000 đồng. Ông Đức nhấn mạnh khoản phí này chỉ chiếm 5-10% trong tổng giá đầu vào nên không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ.
Đơn vị bán lẻ lên tiếng
Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan (TP Hồ Chí Minh) - lại khẳng định giá lợn mảnh đơn vị mua vào không giảm nhiều. Ngoài ra, doanh nghiệp đang gánh chịu nhiều chi phí phát sinh như lao động thực hiện "3 tại chỗ", xét nghiệm COVID-19, phụ phẩm như đầu, lòng lợn hầu như không bán được...
"Không chỉ vận chuyển, giết mổ, doanh nghiệp chịu nhiều chi phí duy trì hệ thống, tất cả chi phí doanh nghiệp phải cộng dồn vào giá bán. Tuy không điều chỉnh giá bán nhưng đơn vị tăng khuyến mãi" - ông An thông tin.
Đồng quan điểm đó, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ cho rằng hầu hết siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm hiện nay không lãi nhiều, thậm chí thua lỗ vì các chi phí phát sinh để duy trì hệ thống đang tăng gấp đôi so với bình thường. "Nếu có lợi nhuận nhiều thì chỉ có lực lượng bán "dã chiến" ở quy mô nhỏ trên các trang mạng nhờ chi phí ít" - vị này nhận định.
Trao đổi với phóng viên ngày 22.9, đại diện Saigon Co.op cho biết phần lớn thịt lợn bán ra tại đơn vị là do các doanh nghiệp thuê gian hàng tự bán, quyết định giá. Tuy vậy, siêu thị cũng làm việc với doanh nghiệp để bảo đảm mức giá bình ổn.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty San Hà (TP Hồ Chí Minh) - cho biết giá bán lẻ thịt gà không được giảm nhiều do nguồn cung gà của đơn vị là từ các trại chăn nuôi có liên kết với giá bán ổn định theo hợp đồng.
Giữ giá bình ổn bằng... hạn chế nhận đơn online
Đối với giao hàng qua shipper, đại diện siêu thị Bách Hóa Xanh cho biết do mức phí quá cao nên đơn vị không thể gồng gánh, trường hợp chấp nhận mức phí này thì giá bán đến tay người tiêu dùng tăng thêm. Do đó, để bình ổn giá bán cho người dân, đơn vị phải nhận đơn online ở mức khiêm tốn và giao cho nhân viên giao trong nội quận, huyện.
Tương tự, đại diện siêu thị Vinmart/Vinmart+ cho biết do nhân lực bị giảm 50% nên khâu giao hàng hầu hết thông qua shipper. Tuy vậy, mức phí cao nên nhiều khách hàng không hài lòng. Do đó, để duy trì giá bình ổn đơn vị hạn chế nhận đơn.
Giá bán combo cũng tăng
Theo khảo sát, giá nhiều loại combo nông sản bán ra trong chương trình "combo nông sản" do Tổ 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động tăng 20-30% so với trước đó. Như combo rau củ 100.000 đồng/10kg không còn, thay vào đó là combo từ 150.000 đồng trở lên.
Trao đổi với phóng viên ngày 22.9, đại diện Tổ 970 xác nhận giá bán combo đã tăng. Theo vị này, tổ khuyến cáo chứ không khống chế mức giá, nên khi giá đầu vào tăng và bị hao hụt lớn, các đơn vị chủ động tăng giá bán. Đại diện Tổ 970 cho biết hiện tổ liên kết với 1.500 đầu mối cung cấp thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh với chủng loại bán tăng mạnh 2.269 sản phẩm.
Theo Tuổi trẻ