Chớm thu cũng là lúc mùa thị chín, hương thơm len lỏi khắp vườn.
Chớm thu, khi những cơn gió mát lành bắt đầu len lỏi qua từng kẽ lá cũng là lúc những quả thị vàng óng chín rộ trên cành. Mùi thơm ngọt ngào của thị thoang thoảng khắp vườn, gợi nhớ về những ngày tháng tuổi thơ. Bà ngoại tôi vẫn thường ngồi bên bậc cửa, bàn tay thoăn thoắt đan túi đựng thị và kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện "Tấm Cám" thật hay.
Nhà bà hồi ấy là gian nhà ngói ba gian, hai chái, có phên liếp chống cửa sổ. Trước cửa là vườn cây, ao cá, quanh bờ ao trồng vối, dây tơ hồng chăng kín lối. Ngoài ra còn có rặng tre, mấy cây dừa, cầu ao lát đá xanh to rộng. Cổng vào có hai cây bồ kết và hai cây ổi đào, quả thơm ngon... Những đêm trăng sáng, mấy bà cháu vừa trải chiếu đầu hè, ngắm trăng, ăn ngô bung, nghe bà kể biết bao truyện cổ nào là "Tấm Cám", "Cây khế", "Phạm Công - Cúc Hoa, "Phạm Tải - Ngọc Hoa", truyện "Ngày xưa có anh Trương Chi/Người thì thậm xấu hát thì thậm hay..." và bà còn biết lẩy Kiều nữa.
Trong những câu chuyện ấy, hình ảnh cô Tấm chui ra từ quả thị theo lời kể của bà luôn làm chị em tôi mê mẩn. Cô Tấm dịu dàng, xinh đẹp, chăm chỉ, nết na, biết đấu tranh với cái xấu, cái ác, sau bao nhiêu gian truân, cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc. Quả thị không chỉ là biểu tượng của sự bình dị, gần gũi mà còn tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo, là nơi ẩn chứa những điều kỳ diệu. Nơi cô Tấm đã biến hóa thành người thật, sống lại trong ngôi nhà tranh đơn sơ của bà lão bán hàng nước... Hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm trí tôi, như một phần không thể thiếu của tuổi thơ.
Mỗi mùa thị đến, bà thường hái những quả đã ngả vàng, chín mọng đặt lên chiếc đĩa sứ men xanh để thắp hương gia tiên. Bà bảo: "Quả chín đầu mùa bao giờ cũng phải dành cúng gia tiên trước. Làm như vậy thì ông bà mới phù hộ độ trì cho mùa sau cây trĩu quả".
Bà thường dạy chúng tôi đan những chiếc túi nhỏ từ sợi len hay sợi gai để đựng những quả thị chín vàng. Bọn trẻ con chúng tôi đeo giỏ thị trước ngực tung tăng khoe với lũ bạn khắp xóm. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi lại cẩn thận treo túi thị lên góc màn, rồi thầm mong sẽ được gặp cô Tấm. Bà còn dạy chúng tôi hát bài đồng dao “Thị ơi thị rụng bị bà/Bà để bà ngửi chứ bà không ăn,” như một cách gọi hồn cô Tấm về trong giấc mơ ngày bé.
Những lời ru của bà, những câu ca dao, tục ngữ và cả những câu chuyện cổ tích mà bà kể cho chúng tôi bên gốc thị ngày nào luôn chứa đựng tình yêu thương vô bờ. Bà dạy chúng tôi về lòng hiếu thảo, sự lương thiện, chăm chỉ. Và cứ như thế, tình yêu dành cho quả thị, cho những giá trị nhân văn từ câu chuyện "Tấm Cám" đã ngấm vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn, trong tuổi thơ mỗi chúng tôi.
Giờ đây, chúng tôi đã khôn lớn, trưởng thành. Cứ độ rằm tháng bảy, những quả thị xanh chuyển vàng rực như những tia nắng cuối hạ đầu thu, mang mùi hương ngọt ngào lại gợi nhớ về bà, về những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ bên bà. Đó không chỉ là hương vị của mùa thu mà còn là hương vị của tình yêu thương và những giá trị nhân văn bà đã trao cho chúng tôi qua từng lời ru, từng câu chuyện.
Đứng giữa khu vườn thơm ngát trong mùa thị chín, tôi mơ màng như nghe văng vẳng đâu đây lời bà: "Thị ơi, thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn"...
NGUYỄN LAN ANH