Chị Minh vừa lướt mạng vừa hỏi: Chuẩn bị vào học rồi, mình đang tính mua cho con gái cái điện thoại để tiện liên hệ mà chưa biết chọn loại cục gạch hay điện thoại thông minh đây?
- Nhà tôi hôm qua cũng phải sắm cho cậu ấm một chiếc hơn 3 triệu rồi. Đưa nó vào hàng điện thoại định bụng mua cái cục gạch thôi dùng cho nó bền, chỉ cần nghe, gọi, nhắn tin là được, nhưng nó bảo lớp đã thành lập nhóm trên Facebook giờ mẹ mua điện thoại cục gạch nó sẽ không tham gia tương tác với bạn bè, thầy cô được. Thế là tôi lại phải mua smartphone đấy - chị Lâm góp chuyện.
- Đúng rồi, hầu như lớp nào bây giờ chả thành lập nhóm trên mạng xã hội. Cũng tiện thật, có thể trao đổi bài vở, các thông tin về hoạt động của trường, lớp trên nhóm. Lớp chị mình chủ nhiệm ấy, những thông tin như tháng này con nào đạt thành tích gì đáng được khen, con nào phạm lỗi gì... đều được cập nhật trên nhóm. Các phụ huynh cũng nắm thông tin kịp thời để động viên hoặc uốn nắn con.
- Ừ, nhóm lớp con tớ cũng thế, mỗi khi có bài khó các con có thể đưa lên nhóm để hỏi cô, hỏi các bạn, trao đổi sôi nổi lắm, tìm ra nhiều cách giải hay. Thỉnh thoảng có con làm mất tờ đề, chỉ cần ới trên nhóm là có người chụp đưa lên cho. So với thời chúng mình đi học bây giờ tiện lợi biết bao nhiêu.
- Tôi thì lại nghĩ cho học sinh dùng điện thoại là lợi bất cập hại. Trẻ em ngày nay rất thông minh, lại trong độ tuổi tò mò, thích khám phá. Nếu không có sự kiểm soát của người lớn sẽ rất nguy hại. Nhiều học sinh chỉ mải mê chát chít, rất mất thời gian. Có khi trong giờ học cũng tranh thủ lướt Facebook, Zalo... Thế thì làm sao mà tập trung nghe giảng được - anh Tùng lên tiếng.
- Tôi cũng ủng hộ quan điểm của anh Tùng. Cho học sinh mang điện thoại thông minh đến trường không chỉ làm chúng mất tập trung mà có thể còn tiếp tay cho gian lận thi cử. Trong giờ kiểm tra, học sinh có thể sử dụng điện thoại làm phao cứu sinh để tìm kiếm cách giải trên mạng hay cầu cứu các bạn cùng lớp, cùng trường giúp đỡ. Gần đây còn có trường hợp học sinh chụp ảnh, quay clip cảnh các bạn đánh nhau, lột quần áo đưa lên mạng rất phản cảm.
- Chắc trước các giờ kiểm tra thầy cô phải yêu cầu học sinh nộp hết điện thoại chứ?
- Các thầy cô, nhất là giáo viên bộ môn làm sao mà biết hết trong lớp bạn nào có điện thoại, bạn nào không được. Tốt nhất là phải cấm không cho học sinh mang điện thoại đến lớp.
- Điều lệ trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học rồi đấy. Thực tế đa số các trường cấm nhưng học sinh vẫn dùng. Tốt nhất là nếu phát hiện ra thì tịch thu.
- Báo chí đã nêu năm 2017, một học sinh tại Ninh Bình vì hoảng sợ khi bị cô giáo tịch thu điện thoại di động, mời phụ huynh tới làm việc nên đã nhảy lầu dẫn đến gãy cả hai chân đấy. Cấm hay tịch thu cũng khó lắm.
- Tôi nghĩ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì cũng chả cấm được và không nên cấm. Xây dựng cho các cháu ý thức sử dụng điện thoại đúng mục đích. Nhà trường và gia đình phải quản lý chặt chẽ, vào lớp thì phải tắt máy đi. Bố mẹ, giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp giám sát thì sẽ không có vấn đề gì - ý kiến sau cùng của chị Minh được mọi người đồng tình.
KIM THANH