Những ngày này, người dân Kinh Môn đang vào vụ thu hoạch sắn dây. Được ví như “củ vàng” bởi cùng với một số loại cây đặc sản khác như nếp cái hoa vàng, chuối, hành, tỏi… sắn dây đang góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Đưa chúng tôi đi trên khu ruộng sắn dây rộng mênh mông đã cắt dây sạch sẽ, ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quận cho biết, cắt dây để tiện cho việc thu hoạch củ của bà con.
Theo ông Minh, trước đây, người dân phải dùng cuốc, xẻng đào củ theo cách thủ công, vừa nặng nhọc lại không hiệu quả. “Giờ đây, máy móc thay thế sức người, chỉ với chiếc máy xúc, 1 ngày có thể thu hoạch tới vài chục tấn củ”, ông Minh nói.
Vỗ tay vào mô đất phủ gốc sắn đầy vết nứt, ông "bật mí" cho chúng tôi cách nhận biết gốc sắn dây nhiều củ: “Các mô đất phát ra âm thanh bộp, bộp, tiếng vang đều như trống, nghe có độ rung như thế này sẽ rất sai củ”.
Đúng như lời ông Minh, sau những động tác mạnh, dứt khoát của chiếc gầu máy xúc, từng lớp củ sắn dây mập mạp lộ ra, tạo cảm giác phấn khích cho người thu hoạch. Có những củ to bằng bắp chân người lớn, dài, nặng trên 20 kg. Sắn dây sau khi thu hoạch được tập kết ở đầu bờ. Thương lái từ nhiều nơi đổ về thu mua. Ông Nguyễn Hữu Tiến ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận là chủ của một khu ruộng đang thu hoạch. Nhà ông có 5 sào với 60 gốc sắn dây. Ông cho biết sắn dây năm nay củ to, mẫu mã đẹp, vỏ nhẵn, ít sơ và tỷ lệ bột cao. “Khóm nào của gia đình tôi cũng đạt trên 1 tạ củ”, ông Tiến nói.
Thế nhưng đây chưa phải là những khóm sắn dây to nhất. Tại Lễ hội thu hoạch hành, tỏi năm 2024 do thị xã Kinh Môn tổ chức tháng 1 vừa qua, ông Hoàng Văn Sơn ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hoà trưng bày khóm sắn dây nặng 275 kg của gia đình để nhân dân và du khách cùng chiêm ngưỡng. Gần đây nhất, trong quá trình thu hoạch, gia đình ông Nguyễn Đức Tuyền ở khu dân cư Huề Trì 1, phường An Phụ dỡ được khóm sắn dây nặng 360 kg. Theo một số người dân, ở xã Lê Ninh, có hộ cũng từng thu hoạch được nhiều khóm sắn dây nặng 360 kg. Đây là kỷ lục sắn dây có trọng lượng khủng ở Kinh Môn.
Thượng Quận được coi là vựa sắn dây lớn nhất của thị xã Kinh Môn với diện tích trên 80 ha, sản lượng đạt 2.240 tấn/năm.
Xã Thượng Quận có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đặc biệt là khu bãi soi màu mỡ do sông Kinh Môn bồi đắp, phù hợp với cây sắn dây. Người dân xã Thượng Quận có truyền thống và kỹ thuật canh tác sắn dây cao. Ông Nguyễn Bá Lụa ở xã Thượng Quận cho biết: “Cây sắn dây xuất hiện tại đây từ bao giờ không ai nhớ chính xác. Thời cha ông chúng tôi, cây này được trồng một cách tự nhiên giáp bờ rào, dây leo lên bụi tre hay cây xoan. Củ lúc đó rất bé và ít”. Khoảng 30-40 năm trở lại đây, người dân Thượng Quận không ngừng cải tiến kỹ thuật trồng sắn dây, cho năng suất ngày một cao.
Cây sắn dây được xuống giống từ tháng 5 năm trước đến tháng 2 năm sau sẽ cho thu hoạch. Theo ông Lụa và nhiều người dân xã Thượng Quận, để sắn dây ra củ to, nhiều củ, chất lượng củ tốt phải đáp ứng được 3 yếu tố: đất lạ, phù sa màu mỡ, có độ tơi xốp, giữ nước tốt; diện tích giàn leo rộng, thoáng; lượng nước cung cấp cho cây đủ. Do vậy, người dân thường thay đất mới hoặc trồng sắn dây xen canh với các loại cây khác để cải tạo đất, thường xuyên bổ sung các loại phân bò, gà, lợn; chất mùn tạo độ ẩm cho đất. “Chúng tôi thường tận dụng diện tích mặt ao, rìa sông để làm giàn cho sắn dây leo. Những chỗ này vừa thoáng vừa cung cấp đủ nước, củ sẽ to và chất lượng”, ông Nguyễn Hữu Tiến ở xã Thượng Quận nói.
Trong kỹ thuật xuống giống, người dân cũng có nhiều cách làm. “Ban đầu dây giống được khoanh tròn như chiếc rế bắc nồi. Sau đó chúng tôi cắm cành chạc ba rồi đến kỹ thuật chiết cành. Phương pháp chiết cành hiện cho năng suất tốt, cành nhiều, cây khỏe”, ông Lụa cho biết.
“Có thời điểm, bán 1 gốc sắn dây chúng tôi mua được 1 chỉ vàng. Thầy u tôi từng bán 3 gốc sắn, gom thêm tiền mua được một con nghé”, ông Lụa nói. Cây sắn dây đã góp phần mang lại giá trị kinh tế cao, thay đổi đời sống của người dân nơi đây. Năm 2023, giá trị từ cây sắn dây của xã Thượng Quận đạt trên 32 tỷ đồng, chiếm 11,27% trong tổng thu ngành nông nghiệp của xã. Hiện Thượng Quận có khoảng 500 hộ trồng sắn dây, tập trung ở thôn Bãi Mạc, Quế Lĩnh. Với giá bán củ tươi ngay tại ruộng 14.000-15.000 đồng/kg, nhiều gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng/vụ. Để hỗ trợ người dân trồng sắn dây, thời gian qua, Hội Nông dân xã Thượng Quận đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc sắn dây, cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho người dân. “Xã Thượng Quận đang tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể và tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản địa phương, trong đó có sắn dây”, ông Bùi Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Quận cho biết.
Trước đây, sắn dây Kinh Môn chủ yếu bán ở dạng củ tươi, giá trị kinh tế thấp. Hiện nay, sắn dây đã được chế biến thành tinh bột với công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế lớn.
Bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Thành Nhàn, một cơ sở sản xuất bột sắn dây uy tín ở thị xã Kinh Môn cho biết, hợp tác xã vừa đầu tư hệ thống sấy lạnh công nghệ Nhật Bản trị giá gần 1 tỷ đồng. “Muốn sản phẩm ngày một tốt hơn, bắt buộc phải đầu tư và không ngừng tìm tòi, sáng tạo”, bà Nhàn nói. Có 15 năm kinh nghiệm sản xuất, chế biến bột sắn dây nhưng chưa bao giờ bà Nhàn dừng lại ở quy trình sẵn có.
Không chỉ đầu tư chiều sâu cho chất lượng sản phẩm, hợp tác xã của gia đình bà Nhàn còn chú trọng cải tiến cả nhãn mác, bao bì. Sản phẩm có mã QR để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. Để tiếp cận thị trường tốt hơn, sản phẩm bột sắn dây Thành Nhàn đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee… từ nhiều năm nay.
Với sản lượng 50 tấn bột/năm, sản phẩm bột sắn dây Thành Nhàn không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất đi thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Theo bà Nhàn, cứ 5 kg củ tươi sẽ cho ra 1 kg bột sắn dây khô. Với giá bán tại xưởng từ 150.000-180.000 đồng/kg bột, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi 500-600 triệu đồng/vụ sắn dây. Cơ sở còn tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.
Thị xã Kinh Môn có khoảng 40 cơ sở chế biến tinh bột sắn dây. Trong đó, nhiều cơ sở chế biến công nghệ hiện đại, có thương hiệu. Ngoài bột sắn dây Thành Nhàn đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023, bột sắn dây Phương Khiêm cũng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Năm 2018, sắn dây Kinh Môn được tôn vinh Thương hiệu nông nghiệp vàng nông nghiệp Việt Nam.
Củ sắn dây không chỉ được sử dụng như một món ăn dân dã khi luộc, cắt miếng, mà còn chế biến thành bột sắn. Từ bột sắn dây lại tiếp tục chế biến thành nước uống giải khát hay nhiều món ăn bổ dưỡng, thanh mát, tốt cho sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, thị xã hiện có 262 ha sắn dây, phân bố chủ yếu ở Thượng Quận, An Phụ, Lạc Long, Hiệp Hòa… Sản lượng củ tươi đạt trên 8.000 tấn/năm. Việc chế biến tinh bột sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện lượng sắn dây được chế biến mới đạt 1/10 sản lượng củ tươi (cho ra khoảng 160 tấn bột khô). Số còn lại được xuất bán đi các tỉnh, thành phố như Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nội... Như vậy “dư địa” của mảng sản xuất, chế biến tinh bột sắn dây ở Kinh Môn vẫn còn rất lớn.
Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm và khuyến khích các địa phương có tiềm năng, duy trì và phát triển diện tích cây sắn dây. “Thời gian tới, thị xã tiếp tục tạo điều kiện và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững cây sắn dây nói riêng, các nông sản đặc trưng của Kinh Môn nói chung”, ông Điền khẳng định.
Vừa qua, đoàn công tác Nhật Bản đã lấy mẫu hoa sắn dây tại một số địa phương trên địa bàn thị xã, nghiên cứu làm trà. Nếu đủ tiêu chuẩn, đây cũng là điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội mới cho cây sắn dây.
Nội dung: LÊ HƯƠNG
Trình bày, ảnh: TUẤN ANH