Trẻ quấy khóc đêm khiến cho phụ nữ căng thẳng nhiều hơn, đây là yếu tố thúc đẩy nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám và gọi tới tư vấn thời gian gần đây có dấu hiệu tăng lên.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân H.T (28 tuổi, ở Hà Nội), sinh con lần thứ 2 được 2 tháng và bị trầm cảm sau sinh. Một mình đến bệnh viện tìm sự hỗ trợ tâm lý của bác sĩ vì lo sợ bản thân mình không kiểm soát được hành vi và có thể làm hại đến con, bệnh nhân tỏ ra lo sợ sẽ lại ghét đứa con thứ 2 này như con đầu.
“Sau khi sinh con đầu lòng, tôi ròng rã thức đêm vì con khóc. Trong đầu, tôi lúc nào cũng văng vẳng tiếng khóc của con và không muốn nghe tiếng khóc ấy. Trong một lần cho con bú, tôi bỗng có ý định muốn kết thúc cuộc sống của con. Tôi dùng chính bầu vú của mình để làm ngạt con”, chị H.T lo sợ chia sẻ với bác sĩ khi đến khám.
May mắn hành vi của chị H.T chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng điều đáng lo ngại là khi bác sĩ thông báo tình trạng rất nặng của bệnh nhân với người nhà thì chồng bệnh nhân một mực không tin vợ mình bị trầm cảm và không tin chị có ý định sát hại con. Người chồng vẫn khẳng định vợ mình hoàn toàn bình thường, nhất quyết không cho vợ nằm viện.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: “Đó là một trong những ca bệnh điển hình mà chúng tôi ghi nhận gần đây. Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như: Người đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác…). Đáng chú ý, trầm cảm sau sinh có tỷ lệ tái phát cao từ 25 - 68%. Đặc biệt, có tới 20% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần phải can thiệp chuyên môn, nếu không có thể dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc, đau lòng”.
Theo thống kê của bệnh viện, năm 2021 số ca có dấu hiệu trầm cảm sau sinh tăng lên khoảng 20% so với những năm trước.
Các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản trong nước cho thấy, có đến 33% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Bệnh có thể khởi phát bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1 năm đầu sau sinh. Đáng nói, 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trầm cảm sau sinh như: Thay đổi nội tiết, thay đổi hooc môn, thay đổi về tâm lí, xã hội… Tuy nhiên, có đến 122 nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tình trạng con quấy khóc đêm có liên hệ mật thiết với tình trạng trầm cảm của người mẹ.
Theo đó, trẻ quấy khóc đêm khiến cho phụ nữ căng thẳng nhiều hơn, là yếu tố thúc đẩy việc trầm cảm sau sinh bởi sau sinh, cơ thể người mẹ đã phải đối mặt với việc nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh đột ngột, khiến các bà mẹ nhạy cảm, dễ buồn phiền nhưng lại không được nghỉ ngơi. Thêm vào đó, là những áp lực khi chăm sóc con và việc không được chia sẻ việc chăm sóc trẻ khiến bà mẹ không được ngủ đủ, mệt mỏi kéo dài dẫn tới cơ thể suy nhược, rối loạn tâm trạng, trầm cảm.
Cũng theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, trầm cảm sau sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của cả mẹ và con, thậm chí người mẹ có thể tự hại bản thân hoặc hại con mình. Mẹ bị trầm cảm có khả năng cho bé ngừng bú sớm. Do đó trẻ dễ bị mắc các bệnh về tiêu chảy, truyền nhiễm. Việc trẻ quấy khóc đêm kéo dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ thấp còi, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch và trí tuệ.
Theo các chuyên gia, giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với trẻ em vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tinh thần và thể chất. Trẻ sơ sinh dành tới 70% thời gian để ngủ và cần ngủ tổng cộng 10 đến 21 giờ mỗi ngày. Trong giấc ngủ sâu, nồng độ hormone tăng trưởng tăng gấp 10 lần so với mức thông thường. Đồng thời giấc ngủ của trẻ sẽ củng cố bộ nhớ về vận động và củng cố bộ nhớ về thị giác, cũng như tăng sự dẻo của khớp thần kinh, nhờ vậy, giấc ngủ sâu sẽ giúp trẻ phát triển trí não, củng cố trí nhớ.
Nếu giấc ngủ của trẻ không đủ cả về thời lượng và chất lượng, trẻ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ chậm phát triển chiều cao, làm giảm khả năng ghi nhớ, tập trung và ảnh hưởng đến chỉ số IQ, hệ miễn dịch, tinh thần của trẻ nhỏ.
Điều đáng nói là trẻ có thể khóc vì nhiều lý do (chưa quen với môi trường ngoài bụng mẹ, do có những cơn co thắt nhu động ruột, do bất an về tinh thần…) nhưng nhiều mẹ cứ khi thấy bé khóc là cho bú, không cần biết trẻ khóc vì lý do gì. Nên khi mẹ ép trẻ bú sẽ không giải quyết được nhu cầu của trẻ khiến trẻ càng khóc lớn và mẹ càng mệt mỏi, mất ngủ, stress hơn.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc ưu tiên khắc phục vấn đề con quấy khóc đêm cũng là một biện pháp hạn chế tình trạng trầm cảm sau sinh cho bà mẹ. Bên cạnh những nguyên nhân bên ngoài có thể tự khắc phục được như mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ phòng để bé không bị lạnh quá hoặc nóng quá, kiểm tra và thay bỉm cho bé, không để bé bú no quá hoặc đói quá, quần áo mặc cho bé nên mềm mịn, không gây kích ứng khó chịu cho bé, mẹ nên tập trung giải quyết hai nguyên nhân bên trong khiến con quấy khóc đêm là căng thẳng về tinh thần và căng thẳng về tiêu hoá.
Mẹ cũng nên cho bé nghe nhạc thư giãn, massage cho bé hoặc có thể dùng một số loại thảo dược thuần thực vật an toàn và lành tính giúp bé ngủ ngon như: Lá tía tô đất, hoa đoạn lá bạc, hoa lạc tiên tây giúp cho trẻ an dịu tiêu hoá và tinh thần, giúp bé đi vào giấc ngủ nhanh, tăng thời gian ngủ sâu giấc hơn. Nếu thấy trẻ quấy khóc nhiều và kèm theo các biểu hiện bất thường như tím tái, khó thở…, gia đình nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ, kiểm tra sức khỏe cho trẻ.
Về phía người mẹ, các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên, cần ngủ đủ giấc và dành thời gian chăm sóc bản thân, cần có những bài tập phù hợp giúp lấy lại được vóc dáng, sự tự tin. Sau sinh, phụ nữ cũng cần bước ra bên ngoài, hít thở không khí, tương tác với thế giới xung quanh để không bị tù túng trong 4 bức tường. Bên cạnh đó, gia đình cần chia sẻ, chăm sóc em bé cùng bà mẹ. Nếu thấy người mẹ có dấu hiệu trầm cảm (mệt mỏi, buồn phiền, chán ăn, mất ngủ) thì cần được khám sớm tại các chuyên khoa tâm lý hoặc sức khỏe tâm thần.
Theo báo Tin tức