"Vụn" là tập thơ thứ 8 của nhà thơ Hà Cừ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, do Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2023.
Hơn 40 năm cầm bút, dù bận mải với công việc báo chí nhưng anh vẫn chuyên cần gắn bó với thơ. Có thể nói càng về sau, thơ Hà Cừ càng đằm cảm xúc. Nhà thơ như có ý thức đi tìm cái ý nghĩa của cuộc đời trong những điều tưởng như bình thường nhỏ nhặt. Vì thế, tập thơ này anh đặt tên là "Vụn" đó chăng?
Anh là người viết nhiều về mùa thu, một nét duyên riêng "nhè nhẹ, dịu dàng, bâng quơ man mác như mùa thu đang mơn man tới" (Nguyễn Trọng Tạo). Ấy là mùa thu khi anh đang đối diện trực cảm cùng nhiều mùa thu trong hoài niệm: "Thổi não lòng ta tự dạo ấy/ Một trời thu nắng trắng mây bay" (Những mùa thu đi qua). Là cái duyên thầm, cái tạng của con người Hà Cừ trong việc nhìn đời, nhìn người: Bao giờ cũng ẩn chứa những ý vị sâu sắc với cách nói nhẹ nhàng cùng cảm nhận tinh tế.
Mùa thu với anh mang lại nhiều cung bậc cảm xúc: Bông cúc trắng là mùa thu, là tình yêu khi chủ thể như hòa tan vào cõi ấy: "Bông cúc trắng mùa thu em chợt đến/ Anh xóa mình lẫn trong thực và mơ". Là mùa thu tràn ngập hiện hữu với quả bưởi chín vàng, là cây lá nhuộm màu chín đỏ ấy mà nhà thơ lại bâng khuâng với những gì đã ra đi không thể trở lại: "Vẫn giật mình trước bao điều và mãi mãi/ Chẳng bao giờ trở lại với mùa thu". Cái chất thơ luôn man mác có khi nhỏ bé đơn sơ mà gợi cho người đọc những suy nghĩ giàu liên tưởng. Anh nhìn đêm: "Đêm cứ tối và đèn cứ sáng/ Cây lá âm thầm gánh cả trắng và đen". Rồi hạt bụi: "Người đi bụi phố bụi phường/ Bao nhiêu hạt bụi tự thương lấy mình".
Còn nhiều những đề tài nhỏ nằm trong những bài thơ ngắn hai câu, bốn câu được tác giả đặt xen với những bài thơ dài. Bản thân thơ dài cũng được in tách ra nhiều trang như để dễ đọc, dễ cảm nhận. Có những bài ẩn chứa vấn đề lớn nhưng dường như được tác giả cố ý "đập vỡ" ra, làm nhỏ đi, gọn lại, tạo những rung cảm ở chiều kích khác. Cùng sự phong phú của tập thơ, sự đa thanh đa nghĩa của từng bài đã khiến cho từng đơn vị thơ mang nội hàm tư tưởng kín đáo mà đầy sức nặng.
Tập thơ chứa đựng nhiều không gian nghệ thuật, từ câu chuyện giản dị mộc mạc trong nhà: Bác Phìn của chúng cháu, Ngày mới… đến bước ra sân trông cây nhớ đến một người bạn: "Hoa vườn hoa nắng đung đưa/ Ta xin tạ lỗi vì thưa thớt về" (Hoa). Cứ như thế tâm hồn nhà thơ luôn căng như sợi dây đàn để trước mỗi ba động của cuộc đời, của ngoại cảnh lại lập tức ngân rung bằng ngôn ngữ thi ca.
Tập thơ có nhiều bài phảng phất chất ghi chép tức thời của cảm xúc, một kiểu nhật ký tâm hồn và vì thế, hình ảnh cuộc sống được diễn tả một cách tươi mới sống động. Hay chăng, đây cũng là một hướng đi mới của sáng tạo nghệ thuật? Phải ở một tâm hồn luôn giàu yêu thương, bởi cái thương ấy anh rất dễ đồng hóa tự nhiên. Đó đây cỏ cây hoa trái cũng là nhân vật để nhà thơ đồng cảm ký thác: "Em như quả chín đầu cành/ Xôn xao sóng lá đất lành dậy hương" (Chiều Thuận Vi).
Và thật quý, cái đổi mới nghệ thuật của Hà Cừ không nằm ở việc đi tìm cái bóng bẩy của hình thức ngôn từ mà nghệ thuật hướng ra nhiều chiều cuộc sống ở những trải nghiệm "Câu thơ như muốn rút vào những cốt lõi việc đời… thơ như trực tiếp cho người ta kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xử thế" (Vũ Quần Phương). Trước sự thay đổi biến động ở làng quê, nhà thơ trăn trở hay cùng những cảnh báo: "Xóm làng nửa tỉnh nửa mê/ Đồng tiền quay đảo đất lề… còn đâu/ Mẹ tôi đôi mắt rầu rầu/ Nhìn qua hàng xóm làm giàu mà lo" (Mong). Và còn nhiều bài mang sức nặng của suy tư: Tìm, Quyền lực, Bao giờ, Những khẩu súng thần công trước cửa bảo tàng, Quên… Với những bài kể trên có bài mang tính chính luận, có bài chỉ là nêu vấn đề để suy ngẫm và có những điều khiến ta phải day dứt nhói lòng: Cảm thán.
Trở lại tên tập thơ "Vụn", hóa ra là một chủ ý nghệ thuật. Cùng với cách bố trí các bài thơ trong tập, nhà thơ như muốn người đọc dễ tiếp cận hơn với tập thơ của mình. Đọc "Vụn" mà không phải vụn. Những âm ba sắc màu của tâm hồn phản ánh sự phong phú đa chiều của cuộc sống tạo nên thật ấn tượng khi ta đọc qua từng trang sách vui buồn cùng tác giả.
THANH NGUYÊN