Một thời núi thuốc

30/09/2012 17:13

Dược Sơn là một ngọn núi thuộc khu di tích Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo (Chí Linh).



Dược Sơn hiện vẫn còn khoảng 360 loài cây thuốc. Ảnh: Mai Anh


Trên đỉnh núi có đền thờ thần Nam Tào, vị thần sinh coi sóc sự sống ở phương Nam. Sử chép, sau cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo về đóng đại bản doanh tại Vạn Kiếp.

Theo truyền thuyết, một đêm Hưng Đạo Đại Vương nằm mơ thấy có một ông già đầu quấn khăn nâu, mình mặc áo dài đen, tay xách túi cói vào tìm gặp. Ông lão vái ngài rồi nói: "Tôi là Dược Linh, biết Đức Ông cần thuốc chữa cho ba quân, tướng sĩ nên đem biếu". Hưng Đạo Đại Vương cảm tạ nhận túi. Mở túi ra, chỉ thấy có mấy cây thuốc giống, ngẩng lên không thấy ông lão đâu nữa. Mấy hôm sau trên đường từ Xưởng Thuyền về phủ đệ, Hưng Đạo Đại Vương thấy bên đường có những cây con như cây thuốc mà thần Dược Linh đã ban. Hưng Đạo Đại Vương bèn sai Phạm Ngũ Lão đem trồng ở Dược Sơn rồi hái lá làm thuốc đắp vết thương cho quân sĩ, quả nhiên vết thương lành hẳn. Từ đó núi được gọi là Dược Sơn. Hiện ở núi Dược Sơn vẫn còn địa danh Đàm Hoa Vân Dược tương truyền là nhà khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho quân sĩ xưa. Trước đó chưa thấy bất cứ tài liệu ghi chép nào về một vườn thuốc nên có thể khẳng định, Dược Sơn chính là vườn thuốc quốc gia đầu tiên ở Việt Nam.

Dược Sơn thành vườn thuốc quý, phong cảnh đẹp, đời sau gọi là Dược Lĩnh cổ viên. Thời Lê, Dược Lĩnh cổ viên đã được xếp vào một trong Chí Linh bát cổ (tám cảnh đẹp của đất Chí Linh).

Dược Sơn là nhánh phía nam của dãy núi Rồng nằm trên một vùng bình địa bao la và tiến thẳng ra sông Thương. Quanh chân núi cư dân quần tụ sinh sống từ nhiều đời lập nên ngôi làng cổ có tên Dược Sơn. Hằng năm vào dịp lễ hội, dân làng Dược Sơn lại cùng Vạn Yên tổ chức lễ rước bộ từ đền Nam Tào, Bắc Đẩu về đền Kiếp Bạc.

Ngày nay, trên Dược Sơn không còn nhiều dấu tích, không còn nhiều cây thuốc nhưng thế đất, sườn đồi vẫn toát lên một "Dược Lĩnh cổ viên". Thôn Dược Sơn đã có tới 200 hộ. Trong thôn còn hai người làm nghề thuốc là ông Đinh Văn Lịch và ông Đinh Văn Mậu. Ngoài ra nhiều người già ở đây cũng có kinh nghiệm về bào chế một số loại thuốc đơn giản chữa các chứng cảm nhiệt, cảm hàn, mất ngủ, ăn không tiêu...

Ông Đinh Văn Lịch mở một quán nhỏ trước cửa đền Nam Tào bày bán các loại thuốc nam do ông bào chế. Thuốc của ông chủ yếu chữa các loại bệnh thông thường như: phong tê thấp thần kinh tọa, sâu răng, thuốc bóp, rượu thuốc, thuốc ngứa, thuốc đi ngoài… Ông Lịch cho biết, ngày trước, cây thuốc ở Dược Sơn nhiều lắm, có thể gặp ở khắp nơi. Ngày nay, các vùng đồi bị dân khai khẩn nên nhiều cây thuốc quý như ba kích, mật gấu, duyên ương không còn. Các cây hàng đơn vẫn còn khá phổ biến như đơn tướng quân, đơn kim, đơn gân chữa các bệnh viêm sưng chân tay, đau dây thần kinh… Lấy cho chúng tôi xem một vốc hạt khô màu đen như hạt tiêu, ông Lịch cho biết: “Loại quả này có tác dụng chữa dịch tả, vết thương rất hiệu nghiệm mà chỉ gia đình tôi biết do ông ngoại tôi truyền lại. Ngày trước, mỗi khi ra trận, mỗi binh sĩ nhà Trần sẽ được phát 30 quả này mang theo người phòng bị". Tuy nhiên, theo ông Lịch, bây giờ rất khó tìm được người để truyền lại nghề thuốc. Bao nhiêu năm làm nghề, ông đã rút ra nhiều kinh nghiệm hay, tìm được nhiều cây thuốc và bào chế được nhiều bài thuốc quý nhưng đến nay chưa biết truyền cho ai. "Có lẽ tôi sẽ viết sách để sau này con cháu ai có tâm huyết thì tiếp nối", ông Lịch ngậm ngùi.

Theo đề tài điều tra, khảo sát, nghiên cứu, khôi phục và phát triển vườn thuốc Dược Sơn của Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Hải Dương, Viện Dược liệu Trung ương,  Viện Y học dân tộc Trung ương và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương năm 1997-1998, vườn Dược Sơn gồm 2 quả đồi áp sát nhau, cách Kiếp Bạc 500 m về phía tây nam. Đất đồi núi Dược Sơn là đất pha cát sỏi, cuội đỏ, đá vàng, có tầng đất dầy nên tổng dinh dưỡng cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Dược Sơn trước đây là núi thuốc với hàng trăm loại khác nhau, có lượng thuốc đủ chữa cho binh lính và dân địa phương. Hiện Dược Sơn có 158 loài cây thuốc có thể sử dụng để chữa một số bệnh thông thường, như: 15 loài chữa bong gân, gẫy xương, vết thương phần mềm (đáng chú ý có cây dược linh, mỏ quạ), 51 loài dùng chữa bệnh đau dạ dày, tiêu chảy, nhuận tràng, lỵ, táo bón, chậm tiêu (đáng chú ý là các cây bầu giác, sự cẩu, hàm ếch, cỏ Lào), 26 loài cây chữa bệnh thần kinh, cơ, xương, khớp.

Vùng núi thuốc huyền thoại xưa giờ chỉ còn lại có vậy, song sự nổi tiếng và giá trị của nó đã đi vào sử sách. Hy vọng một ngày kia Dược Lĩnh cổ viên sẽ được quan tâm phục dựng và những cây thuốc nam sẽ lại nảy nở trên ngọn Dược Sơn. 

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một thời núi thuốc