Ngày 26.1.1968, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2 tỉnh Hải Dương - Hưng Yên sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Hải Dương sau sáp nhập nhanh chóng hoạt động nền nếp, ổn định. Trong ảnh: Giờ dạy thực hành cho học sinh THPT
Đơn vị hành chính của tỉnh đến đầu năm 1996 gồm 2 thị xã: Hải Dương, Hưng Yên và 10 huyện được sáp nhập từ nhiều huyện khác. Địa bàn rộng nhưng đó là thời kỳ bộ máy tổ chức, cán bộ được sắp xếp tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Người ít, việc chạy
Trong suốt quá trình hợp nhất, quãng thời gian đổi mới sau năm 1986 là thời kỳ để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, cán bộ của tỉnh. Ông Ngô Sìn, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh giai đoạn 1988-2002 còn nhớ: Ngày 15.1.1986, Tỉnh ủy Hải Hưng ra Nghị quyết sắp xếp tổ chức lại bộ máy và biên chế cán bộ gồm 3 phần, trong đó có phần về giảm bớt các tổ chức đầu mối, bỏ hẳn các tổ chức trung gian không cần thiết và những tổ chức trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, giảm nhẹ bộ máy hành chính, gián tiếp.
Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, bộ máy các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được cơ cấu, sắp xếp lại gọn nhẹ. Lúc đó, mặc dù bao quát địa bàn rộng nhưng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chỉ có hơn 20 cán bộ với 1 Trưởng ban, 1 Phó Trưởng ban. Đầu mối bên trong chỉ có phòng hành chính, tổ công tác chính quyền địa phương, tổ công tác xây dựng bộ máy và công chức. Mỗi tổ có 1 tổ trưởng, 1 tổ phó nhưng không có chế độ phụ cấp. Cho đến lúc tách tỉnh, cả ban chỉ có 1 xe ô tô công.
Ông Sìn cho biết không thể so sánh với điều kiện hiện nay về phương tiện, điều kiện vật chất nhưng đó là thời kỳ cán bộ, công chức luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. Nhiều cán bộ, chuyên viên dù không được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ nhưng luôn nỗ lực học hỏi, không quản khó khăn, vất vả, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông Sìn, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đều được sắp xếp gọn nhẹ, ít người, phân công hợp lý.
Nguyên là Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Thanh giai đoạn 1991 - 2000, bà Phạm Thị Sử cũng cho rằng tinh gọn là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ. Bà dẫn chứng thời kỳ hợp nhất hai huyện Thanh Hà và Nam Sách thành huyện Nam Thanh, phụ trách tới 48 xã với gần 100 đầu mối tổ chức cơ sở đảng nhưng chỉ với 10 cán bộ, Ban Tổ chức Huyện ủy luôn hoàn thành công việc.
Sự gọn nhẹ trong thời kỳ hợp nhất còn thể hiện rõ ở sự sắp xếp các đơn vị ngành giáo dục và đào tạo, y tế. Trong những năm đầu đổi mới, các ngành giáo dục và y tế phải giảm 20% biên chế. Riêng ngành giáo dục phải giảm khoảng 1.000 biên chế. Sở Giáo dục đã cùng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh cân nhắc kỹ và quyết định giảm chủ yếu ở khâu quản lý, hành chính. Ban Giám hiệu các trường đều giảm ít nhất 1 biên chế; trường nhỏ chỉ có 1hiệu trưởng, không có phó hiệu trưởng; cơ quan sở giảm 5 người. Do số học sinh tăng giảm thất thường qua các năm nên ngành giáo dục đã áp dụng nhiều biện pháp sắp xếp bộ máy như sáp nhập trường, luân chuyển giáo viên giữa các cấp; giải quyết nghỉ chế độ cho giáo viên dôi dư...
Sức sống mới
Sau khi tách tỉnh, nhất là trong những năm gần đây, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh có dấu hiệu phình to nhưng chưa phát huy tối đa hiệu quả thực thi công vụ. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, nhằm chấn chỉnh lại bộ máy, Tỉnh ủy đã xây dựng các Đề án 01 và 03 về “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020” và “Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021”. Các đề án trên đã đi trước một bước, có nội dung song trùng, phù hợp với các Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Cụ thể hóa các đề án, nghị quyết, trong 3 năm 2016-2018, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản 3.954 chỉ tiêu biên chế, trong đó có hơn 2.000 chỉ tiêu biên chế thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên. Đến tháng 6.2018, toàn tỉnh đã giảm 35 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập. UBND tỉnh đã quyết định thành lập tại mỗi huyện, thị xã, thành phố 1 Trung tâm Y tế đa chức năng trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện; 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Bước đầu, tỉnh đã giảm khoảng 40% số cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, khu dân cư; trên 40% số thôn, khu dân cư đã bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu dân cư. Hải Dương cũng hoàn thành việc Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. Thanh Miện là huyện đầu tiên thực hiện Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Một số địa phương đang chuẩn bị hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện; thực hiện Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ cấp huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra cấp huyện…
Toàn tỉnh khắc phục việc thừa số lượng phó cấp phòng; tạm dừng bổ nhiệm cán bộ cấp phòng; thực hiện luân chuyển và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Các sở, ngành, cơ quan, địa phương tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ...
Quyết tâm tinh gọn bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, thôn, khu dân cư được tỉnh cụ thể hóa bằng mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 tiếp tục giảm trên 80 đầu mối đơn vị sự nghiệp; chuyển đổi nhiều đơn vị sang loại hình doanh nghiệp; sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã...
Nhìn lại một thời bộ máy của tỉnh tinh gọn, hiệu quả, có thể thấy quyết tâm tinh gọn bộ máy lần này đang tạo động lực mới thúc đẩy Hải Dương phát triển.
LINH AN