Một số lưu ý khi tái đàn vật nuôi

29/03/2022 22:50

Để việc tái đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao bà con chăn nuôi cần lưu ý:


Người chăn nuôi cần vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi trước khi tái đàn


1. Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi

Khi xuất bán xong sản phẩm chăn nuôi của lứa trước, cần dọn sạch các chất thải trong chuồng nuôi, sau đó rửa sạch nền, tường cổng nuôi, để khô rồi phun thuốc sát trùng.

Đối với chất thải được xử lý bằng các biện pháp thích hợp:

+ Với chất thải rắn như chất độn chuồng bằng trấu, rơm rạ, lá cây,… chủ hộ thu gom lại xử lý bằng cách đốt, ủ nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh.

+ Với phân và nước tiểu của gia súc, gia cầm được xử lý qua bể biogas hoặc ủ nhiệt sinh học.

Để trống chuồng trước khi nhập đàn vật nuôi mới, thời gian trống chuồng ít nhất là 2 tuần (đối với nuôi gia súc, gia cầm nuôi lấy thịt), 4 tuần (đối với vật nuôi sinh sản). Trong khoảng thời gian để trống chuồng cần tu sửa lại hệ thống chuồng nuôi, hệ thống chụp sưởi, hệ thống cấp nước, hàng rào, tường bao quanh khu vực chăn nuôi cũng như cổng ra vào, hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi. Vệ sinh máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi sau đó phơi khô khi trời có nắng rồi phun thuốc sát trùng.

Chuồng nuôi đã được tu sửa xong cần quét nước vôi từ tường xuống dưới nền, khi nước vôi khô chủ hộ phun hóa chất sát trùng bên trong, bên ngoài chuồng nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi bằng một số thuốc khử trùng như: Bencocid, Iodine,…

2. Lựa chọn và nhập con giống

Con giống tái đàn phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y cấp, con giống phải khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, không mua giống ở vùng có dịch và vùng không an toàn dịch bệnh.

Con giống nhập về phải nuôi cách ly theo dõi ít nhất 2 tuần và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định của thú y.

3. Chuẩn bị thức ăn, nước uống, vật tư, thuốc thú y

Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng vật nuôi.
Phải dự phòng thuốc thú y, thuốc trợ sức, trợ lực để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi khi mới mua về và trong quá trình chăn nuôi.

Khi khôi phục, tái đàn gia súc, gia cầm cần thận trọng, tránh tư tưởng nóng vội, không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó. Bên cạnh đó, xác định phòng dịch là công tác quan trọng bà con cần khép kín quy trình phòng bệnh bằng vaccine.

PV (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số lưu ý khi tái đàn vật nuôi