Bên cạnh biện pháp phổ biến là chôn lấp tự nhiên, đốt chất thải nhựa để phát điện thì một số nước sử dụng biện pháp nhiệt phân.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời, quá trình phân hủy túi nilon có thể mất từ 500-1.000 năm. Theo thống kê của tổ chức môi trường thế giới, hằng năm toàn cầu sử dụng khoảng 80 triệu tấn nhựa PE, trong đó chủ yếu sử dụng để sản xuất các loại bao bì phục vụ các nhu cầu hằng ngày của con người. Rác thải từ túi nilon là một vấn nạn rất nghiêm trọng không những ở Việt Nam mà cả trên phạm vi toàn cầu. Dưới đây là một số giải pháp tiên tiến xử lý loại rác thải này tại nhiều nước trên thế giới:
Bên cạnh biện pháp phổ biến là chôn lấp tự nhiên, đốt chất thải nhựa để phát điện thì một số nước sử dụng biện pháp nhiệt phân. Trung Quốc đã phát minh một kỹ thuật phân hủy nhựa với chất xúc tác là hợp chất hữu cơ-kim loại tiêu tốn ít nhiệt để tạo ra một loại nhiên liệu diesel.
Một số quốc gia đã tái chế rác thải nhựa thành vật liệu mới: Công ty Tenjin của Nhật Bản biến đổi rác thải nhựa PE thành nguyên liệu sản xuất vải và màng mỏng. Công ty này đang vận hành thương mại cơ sở có công suất xử lý khoảng 62.000 tấn/năm. Tại Anh, một số doanh nghiệp đã cho ra sản phẩm khăn tắm được làm từ nhựa tái chế, có khả năng thấm hút tốt và khô rất nhanh. Các nhà nghiên cứu của Anh và Mỹ đã khám phá ra cấu trúc của một enzym tự nhiên làm tác nhân phân huỷ nhựa PE, PP… mở ra cơ hội tái chế hàng triệu tấn nhựa, hiện đã và đang tồn tại hàng trăm năm trong môi trường. Một công ty ở Áo cũng đã phát triển công nghệ sử dụng enzym để tái chế nhựa PET thành nhựa chất lượng cao.
Sử dụng túi nilon làm vật liệu xây dựng: Ở Anh, đã có kỹ sư đã tái chế nhựa thành chất liệu ký hiệu là MR6 để làm đường, có chất lượng tốt hơn 60% và tuổi thọ kéo dài hơn 10 lần so với những tuyến đường nhựa thông thường. Ở Việt Nam, nhiều đề tài thuộc các trường đại học và viện nghiên cứu cũng đã tạo ra các vật liệu đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng xử lý nhựa thành hạt vật liệu để đưa vào cấp phối bê tông; gạch xây tường. Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu chế tạo các chất phụ gia phối trộn vào nguyên liệu dùng để sản xuất các loại túi nhựa nhằm giảm thời gian phân hủy của PE. Đây là phương pháp mang tính bền vững, rút ngắn đáng kể thời gian phân hủy rác thải nhựa từ hàng trăm năm xuống còn vài chục tháng.
Ngoài ra, nhiều nhà khoa học đã và đang nghiên cứu để biến rác nhựa thành dạng viên như sỏi để thay sỏi, đá dăm làm phối liệu bê tông. Theo nghiên cứu ban đầu, công nghệ tạo “sỏi nhân tạo” là công nghệ rất đơn giản, không tốn nhiều năng lượng, có thể tiến hành ở mọi quy mô sản xuất: siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không tốn nhiều diện tích dùng cho sản xuất và giá thành không quá cao. "Sỏi nhân tạo" từ nilon có thể thay thế được một phần cát, sỏi đang ngày càng khan hiếm, do nhu cầu xây dựng ngày càng cao. Nếu dùng “sỏi nhân tạo” để chôn chèn các hầm lò đã khai thác quặng thì các loại rác thải nhựa sẽ không phát sinh và không tác động đến môi trường…
MINH HỒNG(tổng hợp)