Một ngày cùng "Vô lăng vàng" Phan Thanh Triển

21/04/2019 10:43

Lái xe ô tô an toàn, văn minh, thân thiện, thận trọng và bình tĩnh là những đức tính của anh Phan Thanh Triển, lái xe Công ty TNHH Triệu Phố.

Với "Vô lăng vàng" Phan Thanh Triển, dù hành trình dài hay ngắn thì sự tập trung cao độ luôn được đặt lên hàng đầu

Thận trọng và bình tĩnh

Một ngày tháng 4, giống như bao ngày khác, anh Triển thức dậy từ tờ mờ sáng, ra sân chạy vài vòng, vào nhà lót dạ bát cơm vợ nấu rồi tản bộ đến công ty ở cùng thôn Triệu Nội, xã Hùng Sơn (Thanh Miện) để nhận xe.

Đã thành thủ tục không thể thiếu của lái xe chuyên nghiệp, trước khi vào hành trình dù dài hay ngắn, anh Triển đều lom khom một vòng để kiểm tra gầm, lốp. Thêm một lần thử còi, đèn, kiểm tra gương chiếu hậu, đi từ đầu đến cuối xe rồi mới bắt đầu lăn bánh. "Mỗi lần kiểm tra chỉ mất vài phút nhưng rất quan trọng để đề phòng có trẻ em, động vật hay chướng ngại vật dưới gầm. Còn bánh lốp, có thể đêm hôm trước vẫn bình thường nhưng sáng hôm sau đã xẹp. Kiểm tra là việc bắt buộc và không bao giờ thừa để cả chuyến đi được suôn sẻ, an toàn", anh Triển nói.

Năm 2018, anh Triển là 1 trong số 43 lái xe của Việt Nam và là người duy nhất của Hải Dương được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trao Giải thưởng "Vô lăng vàng". Còn Công ty TNHH Triệu Phố cùng 20 doanh nghiệp khác trong cả nước cũng vinh dự đoạt được giải thưởng này. Đây là giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh các lái xe an toàn, văn minh, thân thiện gồm những tiêu chí được tỉnh và Trung ương sàng lọc kỹ càng. Vì thế, cùng với 5 đồng nghiệp giàu kinh nghiệm khác, hôm nay anh Triển được công ty tín nhiệm phân công chở các em học sinh khối 12 Trường THPT Gia Lộc II đi dã ngoại ở Quảng Ninh.

Vừa xuất phát thì mưa sầm sập, mây đen vần vũ, xe như đang đi trong đêm. Với tay bật đèn gầm, anh Triển khẽ liếc mắt sang gương phải, gạt đèn tín hiệu, giảm tốc độ rồi táp vào làn giữa. "Trời mưa to, đường trơn, má phanh giảm ma sát thì nên đi chậm ở các làn ngoài. Làn trong cùng của quốc lộ 5 mỗi khi mưa thường đọng nước, nếu đi nhanh có thể không phát hiện chướng ngại vật hoặc làm nước tạt sang xe đi phía bên kia dải phân cách. Nếu xe bên kia bị nước tạt trùm lên kính mà người lái non, xử lý kém sẽ hoảng hốt, rất nguy hiểm", anh Triển giải thích. "Trời mưa - đường trơn - đi chậm - bật đèn" là bài học thuộc lòng của các lái xe chuyên nghiệp để tránh các sự cố có thể gặp phải trên đường. Trong cơn dông lốc buổi sáng của ngày đầu kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ hôm ấy, nếu vẫn đi ở làn trong cùng thì chiếc xe chở học sinh của anh Triển có thể đã gặp phải sự cố khi một cụm đèn cao áp ở dải phân cách giữa đổ sụp xuống đường tại đoạn huyện Kim Thành.

Mưa ngớt, trời hửng nắng, chiếc ô tô du lịch chầm chậm rẽ vào quốc lộ18 hướng về Uông Bí (Quảng Ninh). Các học sinh yêu cầu nhà xe bật nhạc và bắt đầu hò hát. Chiều lòng khách nhưng anh Triển luôn nhắc Trung - cậu phụ xe trẻ phải kiểm soát, nhắc nhở, không để học sinh đi lại lộn xộn trong khoang. Trước khi sang địa phận tỉnh Quảng Ninh, một phụ nữ đi xe đạp đột ngột từ trong ngõ lao chéo qua đường. Anh Triển khẽ rà phanh, liếc nhanh gương chiếu hậu rồi xoay nhẹ vô lăng sang phải để thoát khỏi tình huống bất ngờ. Bình thản như chưa có việc gì xảy ra, anh quay sang tôi cười:

- Nếu giật mình thì sẽ đạp phanh dúi dụi rồi nhấn còi inh ỏi. Như thế sẽ có 2 tình huống xảy ra. Một là phương tiện phía sau có thể sẽ lao vào xe mình, hai là do tiếng còi to, người đi xe đạp giật mình vòng lại, rất dễ xảy ra va chạm.

Ngồi trên ghế phụ phía đầu xe nhìn xuống mới thấy, để điều khiển được chiếc ô tô 47 chỗ đi lại an toàn trên đường hẳn phải là những người có kinh nghiệm, thể lực bền bỉ và tâm lý vững vàng. Từ quốc lộ 18, chiếc xe do anh Triển lái dẫn đầu đoàn chầm chậm rẽ vào bãi xe của một ngôi chùa lớn để học sinh vãng cảnh. Như một thói quen, các lái xe lại đi một vòng kiểm tra bánh lốp rồi mới tìm chỗ nghỉ chờ khách ra để tiếp tục hành trình. 

Lái xe hàng vạn km an toàn tuyệt đối

Anh Phan Thanh Triển (bên phải) và anh Triệu Duy Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Phố nhận Giải thưởng "Vô lăng vàng" do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trao tặng

Anh Triển năm nay 45 tuổi, có khoảng 15 năm kinh nghiệm lái xe và đã làm cho Công ty TNHH Triệu Phố được 5 năm nay. Từ Tết Nguyên đán đến nay, anh chỉ có một vài ngày nghỉ, còn lại liên tục chở khách đi khắp trong, ngoài tỉnh. Anh Triển kể nếu chuyến dài bù chuyến ngắn, ngày làm bù ngày nghỉ thì mỗi ngày anh lái khoảng 150 km và đến giờ anh đã có khoảng 54.000 km lái xe an toàn tuyệt đối.

Theo anh Triệu Duy Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Phố, Giải thưởng "Vô lăng vàng" là một danh hiệu để các lái xe tự nhìn nhận mình và thực hiện đúng mục đích doanh nghiệp đã đề ra là "Lái xe an toàn - Tính mạng con người là trên hết". "Giải thưởng "Vô lăng vàng" là sự ghi nhận xứng đáng với những kết quả đã đạt được trong quá trình làm việc tại đây. Đó là: đạo đức tốt, lái xe thận trọng, an toàn, bảo quản xe tốt, thân thiện với hành khách. Chúng tôi luôn cần nhiều hơn nữa những lái xe như anh Triển, nhất là trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông diễn biến phức tạp như hiện nay", anh Lưu nói.

Với anh Triển, những chuyến đi dài nửa tháng vào đến TP Hồ Chí Minh, hay hành trình ngược lên những bản làng vùng giáp biên của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu... không phải là chuyện hiếm. Dù đường đồng bằng hay các cung đường đèo dốc của miền Tây Bắc, đã gần như thông thuộc, song anh luôn tâm niệm "Phía trước tay lái là cuộc sống. Phía sau tay lái là gia đình". Phía trước tay lái và trên khoang xe là tính mạng, cuộc sống của mấy chục con người, còn phía sau kia là gia đình, vợ con đang mong ngóng. Vì thế, những chuyến đi dài biền biệt ấy dù đầu óc căng như dây đàn nhưng đều phải duy trì sức khỏe dẻo dai, tâm lý tốt để tránh những rủi ro, bất trắc. Đi xa, đi liên tục nên mọi việc ở nhà, anh đều phải phó thác cho vợ. Cuộc sống mưu sinh vất vả, nhiều lúc mệt mỏi nhưng nghĩ đến vợ con, anh Triển đều phải xốc lại tinh thần để tiếp tục vững vàng tay lái.

Sau gần 2 tiếng, đoàn học sinh trở lại xe để tiếp tục hành trình. Đến Dragon Park Hạ Long, cả tốp lái xe ăn tạm bát cơm ven đường rồi đi tìm chỗ nghỉ ngơi. "Cơm cày, cơm cấy quen rồi. Cánh lái xe chúng tớ vốn thích nghi với hoàn cảnh. Có cơm ăn là tốt, chứ đã có những lần tắc đường phải uống nước cho đỡ đói", anh Triển cười. Nhấp chén trà đặc, anh Triển kể nghề lái xe là phải biết làm bạn với chữ "Nhẫn". Nhiều lúc bị chèn ép trên đường, khách thiếu tôn trọng, khách xuống xe thì cả khoang như "bãi chiến trường"... Tất cả những việc ấy lái xe đều phải mềm mỏng để xử lý cho ổn thỏa. 

Trời đã về chiều, sau khi điểm danh, đoàn xe chuyển bánh, bon bon trên đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa khách về nơi đón để kết thúc một hành trình. Với anh Triển, chuyến đi này chỉ như một cuộc dạo chơi, nhưng để cuộc dạo chơi khoảng 200 km ấy được vẹn tròn, suôn sẻ hẳn người lái xe đã phải xử lý, vượt qua bao tình huống trên đường mà những người ngoại đạo như chúng tôi không hề biết.

Để được xét duyệt trao Giải thưởng "Vô lăng vàng", lái xe phải không gây tai nạn trong năm được xét thưởng; không gây tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên trong 2 năm liền kề trước; chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông; không bị xử lý vi phạm giao thông dưới bất kỳ hình thức nào trong năm được xét thưởng; số km an toàn tối thiểu là 30.000 km. Lái xe phải có nghĩa cử, hành động cao cả trong bảo đảm an toàn giao thông, tham gia cứu nạn giao thông, giúp đỡ hành khách… Là tấm gương điển hình, có uy tín, tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân bảo đảm an toàn giao thông.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Một ngày cùng "Vô lăng vàng" Phan Thanh Triển