Một năm nhiều gam màu tối của ngành giáo dục Việt Nam

29/12/2018 13:13

Năm 2018 thực sự là quãng thời gian đầy sóng gió của ngành giáo dục và đào tạo với hàng loạt những vụ việc được coi là chưa từng có trong lịch sử.

Thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia

Những “kỷ lục buồn”

Ngay hồi tháng Một, ngành giáo dục khiến cả nước choáng váng khi công bố danh sách xét đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 lên đến 1.226 hồ sơ, tăng gần 60% so với năm 2016, và là một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.

Sự tăng số lượng đột biến người được xét đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư đã khiến dư luận đặt nghi vấn về việc liệu có tình trạng chạy vét trước khi tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư mới sẽ được ban hành với yêu cầu cao hơn hay không? 
Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tra làm rõ.

Kết quả rà soát có 41 hồ sơ chưa đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Giữa năm 2018, cả nước lại dậy sóng khi gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia bị phanh phui. Vụ gian lận với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử khi diễn ra tại đồng loạt tại nhiều tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, với sự tiếp tay và trực tiếp thực hiện bởi chính cán bộ của các sở giáo dục và đào tạo, những người có nhiệm vụ chính trong công tác tổ chức thi, chấm thi. Theo đó, những cán bộ này đã lợi dụng kẽ hở của quy trình tổ chức thi để sửa chữa bài thi nhằm nâng khống điểm của thí sinh. Có bài thi được nâng lên đến 29,95 điểm, đưa một thí sinh từ trượt tốt nghiệp vì điểm liệt lên vị trí thủ khoa.

Thủ đoạn gian lận tinh vi, xảo quyệt đến mức tới tận thời điểm này, cơ quan điều tra vẫn chưa thể công bố được danh sách các thí sinh đã gian lận điểm thi, chưa khôi phục được điểm gốc thật sự của thí sinh.

Trong tháng 12, ngành giáo dục tiếp tục ghi nhận thêm một kỷ lục đau buồn khác gây chấn động dư luận khi vụ việc Hiệu trưởng Đinh Bằng My của Trường Trung học phổ thông nội trú Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) có hành vi xâm hại tình dục với hàng chục học sinh nam trong nhiều năm được đưa ra ánh sáng. 

Càng đau buồn hơn khi các em học sinh cho biết có giáo viên trong trường biết và 'tiếp tay' cho Hiệu trưởng thực hiện hành vi đồi bại.

Trong suốt 2018 còn liên tiếp xảy ra các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh với nhiều cấp độ, trong đó có những hành vi bạo lực học sinh khiến chính các chuyên gia trong ngành cũng phải choáng váng thốt lên là “chưa từng có trong lịch sử,” “dã man.” Tiêu biểu có thể kể trường hợp giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, giáo viên ở Quảng Bình tát và bắt học học sinh cả lớp tát bạn đến 231 cái, giáo viên ở Long An bắt hàng chục học sinh quỳ trong suốt 45 phút, giáo viên ở Hà Nội bị tố tát học sinh gãy răng…

Cơ quan an ninh đưa bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm về nhà riêng để kiểm tra, khám xét

Lãnh đạo nên ‘mắt thấy, tai nghe’

Giữa một năm đầy bê bối của ngành giáo dục với rất nhiều vụ việc xảy ra ở nhiều nơi, nhưng người dân không thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất hiện ở những điểm nóng.

Khi cả nước đang sôi sục với gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các cán bộ vụ, cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các địa phương trên để phối hợp điều tra. Những thuộc cấp của ông đã túc trực, làm việc không kể ngày đêm nhằm đưa vụ việc ra ánh sáng. 

Ở Hà Nội, trả lời trên sóng VTV1 (Đài truyền hình Việt Nam), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định “quy trình tổ chức thi đang ngày càng hoàn thiện.” Ông cũng cho rằng trách nhiệm để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng này là ở các địa phương, do các cán bộ làm công tác thi đã vi phạm quy chế. Chỉ khi dư luận lên tiếng về việc Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này với tư cách tư lệnh ngành và kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, ông đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Khi vụ việc hiệu trưởng lạm dụng tình dục hàng chục học sinh nam ở Trường Trung học phổ thông Thanh Sơn, Phú Thọ bị phanh phui khiến cả nước bàng hoàng, phụ huynh hoang mang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có chuyến công du thị sát… Trường Phổ thông dân tộc nội trú Yên Bái. Từ Yên Bái, ông phát biểu cho rằng vụ việc ở Thanh Sơn là “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và là “bài học xương máu trong giáo dục giới tính cho học sinh.”

Giữa khi tình trạng giáo viên bạo hành học sinh diễn ra liên tục trong suốt cả năm 2018, từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn, từ khu vực nông thôn đến thành phố, từ Bắc chí Nam, bạo hành không chỉ với một mà tập thể học sinh, ảnh hưởng đến không chỉ tinh thần mà cả thể chất của học sinh… Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục của Bộ đã liên tiếp ra hàng chục văn bản gửi tới các sở giáo dục và đào tạo nơi xảy ra vụ việc, với nội dung yêu cầu “xác minh thông tin,” “xử lý nghiêm,” “quán triệt toàn ngành” và “báo cáo về Bộ.”

Ở Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự “Hội thảo Áp lực của giáo viên, nguyên nhân và giải pháp” do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, như một giải pháp giảm bạo lực học đường. Bộ trưởng đưa ra nhiều chỉ đạo được đánh giá là mạnh mẽ để giảm áp lực cho giáo viên như rà soát cắt giảm sổ sách nhiêu khê, kiên quyết nói không với thi giáo viên giỏi không thực chất… 

Theo một chuyên gia giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những quan điểm mạnh mẽ như đưa ra khỏi ngành giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, giải tỏa áp lực cho giáo viên; chỉ đạo cấp dưới rốt ráo trong điều tra tiêu cực gian lận thi cử… Song, người đứng đầu ngành cũng nên đến những điểm nóng, ít nhất để động viên chia sẻ với học sinh...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một năm nhiều gam màu tối của ngành giáo dục Việt Nam