Trong 1 năm đầy biến động, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, ngành ngân hàng tỉnh nhà đã kết thúc một năm với những kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
|
Đến 31-12-2010, tổng số dư huy động tiền gửi tiết kiệm từ khu vực dân cư ước đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cuối năm 2009
|
Năm 2010 là một năm có nhiều biến động thất thường đối với hoạt động ngân hàng: tỷ giá ngoại tệ tăng cao, lãi suất tăng... Những biến động đó đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt các chính sách của Nhà nước, ngành ngân hàng tỉnh nhà đã kết thúc một năm với những kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Bà Vũ Thị Thập, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Năm 2010, hoạt động ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm, các ngân hàng đều thiếu vốn, nguyên nhân do nền kinh tế chưa thực sự phục hồi; giá cả nhiều mặt hàng chủ đạo tăng cao. Người tiêu dùng có xu hướng không gửi tiết kiệm mà chuyển sang đầu tư vàng, bất động sản... khiến nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong huy động vốn. Đến giữa quý II và đầu quý III, hoạt động ngân hàng tiếp tục phải đối mặt với những biến động thất thường về tỷ giá và lãi suất. Riêng trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã phải hai lần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ. Lần thứ nhất vào tháng 2 và lần thứ 2 vào tháng 8. Cũng từ đầu tháng 8, tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do liên tục tăng cao cộng với giá vàng liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới, khiến cho nhiều người dân rút tiền gửi tiết kiệm đi mua vàng, USD tích trữ vì lo ngại đồng tiền Việt Nam mất giá. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng khá ổn định và giảm dần, nhưng đến cuối tháng 10, lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng đều tăng. Từ đầu tháng 11, lãi suất huy động và cho vay tăng khoảng 1,5%/năm. Chỉ trong 4 ngày từ 7 đến 10-12, lãi suất huy động VNĐ tăng lên tới 15 - 16%, thậm chí có đơn vị đã lên tới 18% như Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), đã tác động mạnh tới các tổ chức tín dụng khác, gây xáo trộn trong hoạt động ngân hàng cũng như tạo tâm lý lo ngại cho thị trường. Ngoài ra, năm 2010, Chính phủ thực hiện cắt giảm hỗ trợ lãi suất đối với một số đối tượng khách hàng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Tính đến hết tháng 12, tổng nguồnvốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 61 nghìn tỷđồng, tăng 56,4% so với năm 2009, trong đó tiền gửi dân cư ước đạt 21 nghìn tỷđồng, tăng 40% so với năm 2009. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 42 nghìn tỷ đồng,tăng 43,5%. Đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho hơn50.500 khách hàng với tổng dư nợ hơn 2.300 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi đã hỗ trợkhoảng 80 tỷ đồng. |
Trước hình hình đó, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chủ động đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường, bảo đảm hoạt động của các tổ chức tín dụng. Triển khai kịp thời các văn bản liên quan đến hoạt động ngân hàng do Nhà nước cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành tới các tổ chức tín dụng. Yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động và cho vay, thực hiện tốt các biện pháp kiềm chế lạm phát, chủ động kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bảo đảm các tỷ lệ an toàn vốn, hạn chế cho vay bất động sản, cho vay đầu tư chứng khoán... Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã can thiệp tích cực và hiệu quả để điều tiết cung - cầu ngoại tệ ra thị trường, tăng tính thanh khoản cho thị trường, hỗ trợ ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép nhập khẩu vàng trở lại, đã giúp cho giá vàng và giá USD trên thị trường tự do cũng "hạ nhiệt". Trong những ngày cuối năm 2010, tỷ giá ngoại tệ và lãi suất cả huy động và cho vay tại các tổ chức tín dụng đã trở lại mức hợp lý, giúp ổn định tâm lý cho doanh nghiệp và người dân. Điều này đã giúp các doanh nghiệp tỉnh ta vượt qua được khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Năm 2010 cũng là năm ngành ngân hàng phát triển các sản phẩm, dịch vụ khá rầm rộ. Ngoài các dịch vụ truyền thống, thời gian qua các ngân hàng đã chú trọng phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại như InternetBanking, MobileBanking, thanh toán các dịch vụ điện, nước, điện thoại... Nhờ cập nhật và ứng dụng công nghệ hiện đại, nhiều ngân hàng đã đưa vào thẻ thanh toán nhiều tính năng mới như chuyển tiền, cho vay thấu chi, cho vay tiêu dùng... Đến 31 - 12, toàn tỉnh đã phát hành được gần 400 nghìn thẻ thanh toán, tăng hơn 160 nghìn thẻ so với năm 2009; lắp đặt được 160 máy ATM và 250 điểm POS...
Năm 2011, đặc biệt những tháng đầu năm tình hình kinh tế thế giới sẽ còn có nhiều biến động. Do vậy, hoạt động ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, của tỉnh, ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế - xã hội, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát chặt chẽ tính tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện lãi suất, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tỷ giá, ngoại tệ, vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các biện pháp về bảo đảm an toàn, hiệu quả kinh doanh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp huy động vốn, điều chỉnh cơ cấu và kỳ hạn nguồn vốn huy động phù hợp với cơ cấu và kỳ hạn tín dụng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng dành tỷ lệ vốn thích hợp để mở rộng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt chính sách đối với hộ nghèo, hộ chính sách, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, mở rộng dịch vụ ngân hàng bán lẻ… Năm 2011, ngành ngân hàng tỉnh nhà phấn đấu tổng nguồn vốn huy động tại chỗ tăng 17 - 20%, đầu tư tín dụng tăng 22- 25%, nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.
HÀ VY