Công việc vất vả, áp lực và có cả sự nguy hiểm nhưng những nhân viên tuần tra giao thông luôn gắn bó, trách nhiệm, góp phần bảo đảm cho tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng an toàn, ít xảy ra sự cố.
Tổ tuần tra giao thông số 2 đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu dọn một lượng lớn thức ăn chăn nuôi bị đổ ra mặt đường
Trên đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nườm nượp xe con, xe tải, xe chở container lao đi như xé gió, chỉ đứng ở rìa đường thôi đã khiến tôi cảm thấy sợ. Vậy mà có một lực lượng vẫn ngày đêm âm thầm bám từng mét mặt đường để bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự. Họ là nhân viên tuần tra giao thông hay còn được gọi với cái tên gần gũi là tuần đường.
Nhặt từ chiếc túi nilon...
Như đã hẹn, chiều 25.10 tôi có mặt tại Trạm thu phí đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (nút giao với quốc lộ 38 đoạn huyện Gia Lộc). Đón tôi là anh Nguyễn Cao Cường, Tổ trưởng Tổ tuần tra số 2 cùng hai nam nhân viên. Các anh mặc đồng phục gọn gàng, bên ngoài khoác áo phản quang để dễ nhận diện. Hôm nay tôi cùng họ đi tuần đường.
Sau vài phút ngắn ngủi làm quen, để bảo đảm thời gian làm nhiệm vụ, anh Cường tiến lại khu vực bốt kiểm soát vé, nhấc chiếc điện thoại phía trong rồi nói: “Báo cáo trung tâm, Tổ số 2 bắt đầu đi tuần”. Sau khi nhận lệnh, chiếc xe bán tải chuyên dụng chở theo 4 người chúng tôi nhập vào làn đường ô tô cao tốc theo hướng Hải Phòng-Hà Nội. Anh Cường bảo, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài gần 106 km, có 3 tổ làm nhiệm vụ tuần tra giao thông. Tổ tuần tra số 2 phụ trách đoạn dài nhất từ km21 đến km74, chủ yếu qua địa phận tỉnh Hải Dương với tổng chiều dài khoảng 55 km. Tổ có 7 thành viên, chia thành hai ca làm nhiệm vụ 24/24 giờ. Như vậy mỗi ca làm nhiệm vụ sẽ phải đi tổng chiều dài hai chiều khoảng 110 km.
Anh Nguyễn Cao Cường, Tổ trưởng Tổ tuần tra số 2 (bên phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra gầm một cầu vượt đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên
Tôi nhìn qua tấm gương ở ghế sau thấy thùng xe chở đủ loại dụng cụ. Có hàng chục thứ được các anh chuẩn bị kỹ càng trước khi vào ca, từ chóp nhựa phản quang, biển báo mũi tên, biển đi chậm, biển đường hẹp, bộ đàm, gậy dẫn hướng đến bình cứu hỏa, chổi, xẻng, đèn pin, dây thừng… Chắc hẳn đây đều là những thứ cần thiết đối với công việc tuần đường.
Rời trạm thu phí khoảng 5 km, chúng tôi phát hiện phía trước có một chiếc bao tải buộc túm đầu nhưng không rõ bên trong đựng gì và một đôi dép nằm ở giữa đường. Anh Nguyễn Ngọc Hóa, một nhân viên trong tổ tuần tra lái xe tấp vào lề đường. Anh Cường mở cửa xe, cầm gậy dẫn hướng đứng cảnh báo các phương tiện từ phía sau. Anh Lưu Quang Hiếu, nhân viên còn lại trong tổ quan sát một hồi rồi nhanh như một con sóc chạy lại nhấc bổng chiếc bao và đôi dép bỏ vào thùng xe. Chỉ vài giây sau, một chiếc xe ô tô 5 chỗ lao tới đúng vị trí anh Hiếu vừa nhặt chiếc bao tải với tốc độ rất nhanh. Chứng kiến cảnh này khiến tôi toát mồ hôi. “Anh không sợ à?”, tôi hỏi anh Hiếu. “Những ngày đầu vào nghề thì có nhưng được tập huấn thường xuyên, lại có 5 năm kinh nghiệm với nghề này rồi nên tôi cùng đồng nghiệp cũng quen. Cái chính là mình phải đọc được tình huống và hành động dứt khoát bởi trên đường cao tốc xe ô tô toàn di chuyển với tốc độ từ 100-120 km”, anh Hiếu đáp.
Anh Cường kể thứ vừa nhặt được chưa là gì so với những khúc gỗ, cuộn tôn, lốp xe, bàn ghế, thanh sắt… từng rơi ra đường và được các anh xử lý trong quá trình làm nhiệm vụ. “Trên đường cao tốc, chỉ một vật nhỏ rơi vãi cũng có thể khiến ô tô bị lật gây ra tai nạn kinh hoàng nếu lái xe không chú ý quan sát, bị giật mình dẫn tới mất lái. Thế nên nhiệm vụ của chúng tôi là phải dọn sạch chúng trong thời gian sớm nhất, kể cả một chiếc túi nilon cũng không bỏ sót”, anh Cường chia sẻ.
Từng sự cố nhỏ nhất liên quan đến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đều được thành viên các tổ tuần đường chụp lại và báo cáo ngay để xử lý kịp thời nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện di chuyển trên đường
Với những vật dụng lớn rơi vãi trên đường, chưa thể di chuyển ngay, các nhân viên tuần đường sẽ lái xe chuyên dụng (phía trên có đèn cảnh báo, còi hú) vào thẳng làn đường phía trước vị trí vật rơi vãi, triển khai “đóng làn”, dựng biển chuyển hướng, chóp nhựa phản quang để cảnh báo. Họ sẽ đứng ở khu vực này làm nhiệm vụ điều tiết giao thông và chờ lực lượng khác đến tiếp ứng. Đó là ban ngày, còn vào ban đêm sẽ có thêm đèn cảnh báo để các phương tiện thấy rõ từ xa.
Cuộc tuần đường của chúng tôi tiếp tục. Các thành viên trong tổ ai cũng tập trung quan sát để xem mặt đường có bị nứt, lún, biển báo giao thông, tôn hộ lan ở rìa đường có bị méo mó hay không... Một chiếc biển VMS (biển tuyên truyền giao thông điện tử) bị mất điện, họ lập tức chụp lại bằng điện thoại rồi gửi về báo cáo cấp trên qua nhóm Zalo để kịp thời khắc phục.
Tới cầu vượt quốc lộ 39 thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, các thành viên trong tổ xuống xe tỉ mỉ kiểm tra trạm biến áp, hệ thống cáp điện, cột điện, đèn phản quang, khe co giãn mặt cầu… Các anh không ngần ngại dẫm lên những bụi cây xấu hổ đầy gai góc, cỏ dại mọc ngang bụng phía dưới gầm cầu để mò mẫm kiểm tra. Một vết nứt dăm trên trụ cầu cũng được các thành viên chụp lại bằng điện thoại để báo cáo. Quần áo họ lấm lem, mồ hôi vã ra giữa tiết trời se lạnh.
Rời cầu vượt quốc lộ 39 chẳng được bao xa, tổ tuần đường lại bắt gặp một lượng lớn thức ăn chăn nuôi rơi vãi tại làn đường các phương tiện được dừng đỗ. Thế là các thành viên lại chia nhau từng việc, người đứng cảnh báo, người cầm xẻng, người vác chổi quét dọn, thu gom. “Việc nhiều vậy, các anh thấy mệt lắm không?”, tôi hỏi. Anh Hóa đáp: “Ăn thua gì. Chúng tôi còn phải đi tuần ban đêm dọc hai bên đường gom bằng xe máy để kiểm tra hàng rào B40, cống dân sinh, biển báo, vi phạm hành lang giao thông, cây cối… xem có bị đổ gẫy để còn báo cáo xử lý kịp thời”.
Anh Cường kể vất vả nhất là khi trời mưa to, gió lớn vì khi ấy các sự cố xảy ra nhiều. Công việc lúc đó mới căng thẳng, nhân viên tuần đường phải tuần tra liên tục và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất cấp trên giao. Chưa kể khi xảy ra tai nạn giao thông, các thành viên phải có mặt sớm để ghi nhận, báo cáo, đứng mấy tiếng đồng hồ trên đường dưới cái nắng rát bỏng để tham gia điều tiết giao thông. “Nhiều lần vừa bưng bát cơm lên rồi lại bỏ xuống vì công việc đột xuất phải lên đường ngay. Công việc khiến khuôn mặt anh em chúng tôi ai cũng sạm đen vì nắng gió”, anh Cường kể.
Tuyến đường an toàn nhất Việt Nam
Gần cuối buổi tuần tra hôm ấy, chúng tôi bắt gặp một xe ô tô 16 chỗ dừng đỗ ở làn khẩn cấp nhưng cửa xe khóa, không có ai bên trong. “Có lẽ xe bị hỏng, chủ xe đã vào làng tìm thợ trợ giúp. Chúng ta cứ dựng mấy chóp nhựa phía sau xe này để các phương tiện khác chú ý là được”, anh Cường nói với các thành viên trong tổ.
Di chuyển thêm mấy km tiếp theo, tổ kiểm tra lại tiếp tục gặp một người đàn ông đi xe con cũng dừng đỗ xe ở làn khẩn cấp, đứng một mình. Các thành viên trong tổ tiếp cận hỏi thăm tình hình xem người đàn ông này có cần sự trợ giúp gì không, đồng thời hướng dẫn dừng đỗ xe an toàn. “Họ rất trách nhiệm. Tiếp xúc và trò chuyện với họ một lúc đã giúp tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm di chuyển an toàn trên đường ô tô cao tốc”, người đàn ông này chia sẻ.
Trên đường trở lại Trạm thu phí đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nghe các thành viên Tổ tuần đường số 2 kể chuyện mới biết công việc của họ gắn với rất nhiều việc, vất vả có, nguy hiểm có nhưng tựu chung đều là vì sự an toàn của người đi đường. Đó là chuyện về những buổi đi tuyên truyền an toàn giao thông, bảo vệ tài sản đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho học sinh những địa phương mà tuyến đường đi qua. Hay những lần dày công theo dõi giúp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ một số đối tượng cắt trộm dây cáp điện, hệ thống nắp hố ga ở rãnh thoát nước, xúc trộm đất trong hành lang an toàn giao thông đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng… Đặc biệt đến nay, ít nhất hai lần anh Cường và các đồng nghiệp đã nhặt và trả lại ví tiền cho người đi đường đánh rơi.
Chúng tôi kết thúc ca tuần đường khi trời đã nhá nhem tối. Chia tay tôi, anh Cường khẳng định tuần đường là công việc vất vả, áp lực và có cả sự nguy hiểm nhưng luôn muốn gắn bó. Nhiều năm theo nghề, anh và các đồng nghiệp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm sự an toàn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần đưa đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trở thành một trong những tuyến đường cao tốc an toàn, xảy ra ít sự cố nhất Việt Nam.
TIẾN MẠNH