Hơn 10 năm nay, chị Dương Hoài Thủy, 52 tuổi, ở khu 6, thị trấn Thanh Hà cùng 2 con gái và người chị gái mắc bệnh tâm thần phải đi ở nhờ trong trang trại chăn nuôi bỏ trống của hàng xóm.
3 mẹ con chị Thủy phải ở nhờ trong trang trại nuôi lợn bỏ không của hàng xóm
Chỗ ở chính của 3 mẹ con chị Thủy vốn là chuồng nuôi hươu. Hai đứa trẻ có 2 phòng học được tận dụng từ chuồng nuôi lợn cũ. Căn phòng của 3 mẹ con chị không có đồ vật gì giá trị. Cửa được chế từ chiếc bạt nilon mà chị Thủy xin được từ chủ công trình xây dựng. Những hôm mưa, nước hắt vào tận giường phải chuyển xuống phòng học của các con ở. Nơi gọi là phòng học của các con chị Thủy cũng rất chật hẹp, vẫn còn mùi hôi của gia súc.
Sau 3 năm cưới nhau, chồng bỏ đi, một mình chị Thủy nuôi hai con và chị gái. Gia đình nội ngoại hai bên cũng không hỗ trợ được gì. Những năm trước khi còn sức khỏe, chị Thủy làm thuê ở khắp nơi, từ phụ vữa tới cắt cỏ, dọn vệ sinh… Cuối năm ngoái, trong một lần đi phụ vữa cho công trình xây dựng tại khu Hà Đông (Thanh Hà), chị bị gạch từ tầng 2 rơi vào đầu. Chị được mọi người đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Lần vào viện ấy tiêu tốn hơn 100 triệu đồng. May mắn chị được bà con hàng xóm và các "Mạnh Thường Quân” giúp đỡ 40 triệu đồng, số còn lại chị vay mượn và đang trả nợ dần. Từ ngày bị tai nạn, chị chỉ làm được những công việc nhẹ như nhổ cỏ, dọn nhà, có người nhờ chị kèm dạy học cho con… Tranh thủ những ngày các con không phải học, 3 mẹ con cùng đi làm thuê. Thu Hà học lớp 6, Thảo Nguyên học lớp 3 theo mẹ đi làm thêm nhiều năm nay và thạo việc không kém mẹ.
Với 3 mẹ con chị Thủy, những ngày dài ăn rau, ăn chuối xanh thay cơm vì không có gạo đã thành quen. Bữa cơm ngon nhất với hai đứa trẻ là có thêm món trứng bác, rán hoặc luộc. Những ngày phải nghỉ học ở trường vì dịch Covid-19, hai đứa trẻ sang hàng xóm học trực tuyến nhờ vì nhà không có mạng. Điện thoại thông minh, máy tính cũng không có.
Người phụ nữ bất hạnh còn nuôi thêm chị gái tâm thần không ổn định hơn 20 năm nay. Những lúc khỏe, chị gái có thể làm việc nọ việc kia, nhưng khi lên cơn, không ít lần chị cầm dao đòi chém 3 mẹ con chị Thủy. Tiền thuốc cho chị gái cũng một mình chị Thủy lo toan.
Chị Phạm Thị Phi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Thanh Hà cho biết hoàn cảnh của chị Thủy thuộc diện đặc biệt khó khăn ở địa phương. Mong ước của chị Thủy cũng như Hội Chữ thập đỏ thị trấn Thanh Hà là các “Mạnh Thường Quân” giúp đỡ 3 mẹ con chị có một căn nhà nhỏ để ở, không phải ở nhờ. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Dương Hoài Thủy, khu 6, thị trấn Thanh Hà; số điện thoại: 0396.446.281.
HẢI HÒA