Một đời xoa dịu nỗi đau chiến tranh

27/07/2018 10:38

​Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong căn nhà của những thương binh, bệnh binh nặng, vết thương vẫn còn ngay trên thân thể họ. Hằng ngày, những người phụ nữ vẫn không ngừng xoa dịu nỗi đau cho chồng.

Bà Trần Thị Luy là chỗ dựa vững chắc cho gia đình và chăm sóc người chồng bệnh tật 

“Con thuyền vượt bão táp”

Hải Dương hiện có gần 600 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hoá học mất sức từ 81% sức khỏe trở lên hoặc bị khuyết tật nặng. Ngoài ra, còn rất nhiều người thuộc nhóm đối tượng trên tuy tỷ lệ mất sức, tỷ lệ thương tật thấp hơn nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn về sức khỏe. Do đó, những người phụ nữ đến với họ phải dành cả đời làm vợ để chăm lo cho chồng.

Năm 1973, trong một lần đánh địch ở núi Bà Đen (Tây Ninh), ông Nguyễn Đình Tảo (sinh năm 1950) bị thương nặng ở đầu. Sau nhiều ngày mê man, khi tỉnh dậy, thấy đang nằm trong bệnh xá, ông Tảo mới biết mình còn sống. Để cứu được ông, các bác sĩ đã phải tiến hành không biết bao nhiêu ca mổ. Trong những lần hiếm hoi được trở về nhà ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) vào những năm 1975-1976, ông đã quen và có tình cảm với bà Trần Thị Luy, người con gái cùng quê. Tháng 10.1976, ông bà cưới nhau dù trong sâu thẳm trái tim người phụ nữ, bà Luy hiểu hơn ai hết lấy ông bà sẽ phải đối mặt với những vất vả nhường nào. 

Những thời gian sau ấy là chuỗi ngày “bát cơm chan cùng nước mắt” của bà Luy. Chồng đau ốm triền miên, một mình bà gồng gánh việc gia đình. Ba đứa con nhỏ lần lượt chào đời. Những đêm con nhỏ quấy khóc giữa lúc chồng đau thấu tim bởi vết thương tái phát. Bà đành dằn con nằm xuống đi hái lá đắp cho chồng. Ngày ấy, bà Luy làm công nhân thuỷ lợi, thu nhập tính bằng thóc chẳng đáng là bao. Trợ cấp thương binh nặng của ông Tảo cũng không được nhiều. Gánh nặng mưu sinh đặt cả lên vai bà. Để nuôi các con khôn lớn bà đành phải vay trước, trả sau. Làm ngày làm đêm, có lúc tưởng như kiệt sức nhưng bà Luy vẫn quyết vượt qua.

Năm 1969, cô gái Hồ Thị Tâm quê ở Nghệ An bén duyên với chàng trai Nguyễn Văn Thành quê ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn) tại chiến trường khi cả hai đang cùng trong quân ngũ. Sau ngày đất nước hòa bình, bà Tâm về quê chồng công tác và sinh sống. Năm 1981, ông Thành giải ngũ vì lý do sức khỏe. Những tưởng sau ấy sẽ là tháng ngày đoàn tụ hạnh phúc của gia đình ông bà nhưng sức khỏe của ông Thành ngày một yếu đi vì nhiều căn bệnh. Sau nhiều lần chữa chạy, đến năm 1989, ông Thành ngã quỵ vì bị tai biến mạch máu não. Lúc ấy, bệnh viện trả ông về với lời động viên bà bình tâm lo hậu sự cho chồng.

Giữa lúc người thân buông xuôi thì bà không đầu hàng. Bà vay mượn khắp nơi để thuê bác sĩ về nhà chăm sóc cho chồng. Từng học qua lớp đào tạo ngành y ở chiến trường nên bà cũng biết cách chăm ông hơn. Hằng ngày, bà xoa bóp chân tay, trò chuyện cùng ông để ông nhanh hồi phục. Gần nửa năm sau, ông Thành mới tỉnh lại và có thể nhận biết. Nhưng ông đã thành người bại liệt và được xác nhận là bệnh binh mất 61% sức khỏe. “Lúc ông ấy tỉnh lại tôi vui lắm, dẫu biết rằng gánh nặng chăm chồng sẽ theo tôi không biết đến bao giờ. Cuộc sống của cả gia đình phải thắt lưng buộc bụng. Ban ngày tôi đi làm, tối về tranh thủ nấu cám nuôi lợn, nuôi ngan lấy tiền lo cái ăn, cái mặc cho các con”, bà Tâm chia sẻ.

Hạnh phúc muộn màng

Sau bao nỗi gian truân, hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình họ. 

Giờ đây ông Thành có thể đi lại bằng đôi nạng và tự vệ sinh cá nhân. Ông bảo, nhờ một tay bà chăm sóc nên sức khỏe của ông mới tốt lên như bây giờ. Quả thật, nếu không có sự quyết tâm và những hy sinh của bà thì không biết ông có vượt qua được thời khắc sinh tử do bệnh tật hay không. Công lao ấy phần lớn thuộc về bà, càng làm cho ông trân quý thêm tấm lòng của người vợ thảo.

Mấy năm gần đây, sức khỏe của ông Tảo cũng khá lên rất nhiều. Ông đi lại nhanh nhẹn và có thể làm những việc nhẹ nhàng giúp vợ. Hơn 40 năm lấy chồng đến tận bây giờ bà Luy mới có giây phút thảnh thơi. Ông Tảo trìu mến nói về người vợ tào khang của mình: “Tôi khỏe mạnh như ngày hôm nay có phần không nhỏ nhờ sự chăm lo của bà ấy. Bà ấy cứ tự mày mò những thứ thuốc dân dã để giúp tôi giảm đau đớn trong những lần vết thương tái phát, nuôi dạy các con thành đạt, là nguồn động viên tinh thần to lớn để tôi mạnh mẽ sống và vượt qua mọi đau đớn”.

Sự chăm lo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng đã tiếp sức thiết thực giúp cuộc sống của những gia đình thương binh, bệnh binh nặng. Hiện những thương binh, bệnh binh nặng mức ¼ đang hưởng các loại trợ cấp, phụ cấp ở mức khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên được điều trị, điều dưỡng miễn phí và nhận quà tặng vào các dịp lễ, Tết.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một đời xoa dịu nỗi đau chiến tranh