Qua mấy nghìn năm trồng lúa, nông dân nước ta đã thấu hiểu về cây lúa đủ để tạo nên một nền văn minh lúa nước có sức sống lâu bền và ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Kế thừa những hiểu biết ấy, các nhà khoa học trong nhiều năm qua đã được mời đi giúp nhân dân nhiều nước canh tác lúa. Thời kỳ bao cấp, có một nhà khoa học đã xuất bản một cuốn sách dày trên dưới một nghìn trang lấy tên là "Cây Lúa". Đó là Giáo sư Bùi Huy Đáp. Cuốn sách ấy đã được tái bản nhiều lần.
Khác với giới khoa học hàn lâm, dân gian tổng kết đời sống cây lúa chỉ trong 1 trang thôi. Chẳng hạn khi ủ mạ có các giai đoạn nông dân gọi là sưng mép, nứt nanh, xanh đầu... Hay làm mạ có các giai đoạn gọi là bén đất, mũi chông, bánh tẻ...
Sang giai đoạn cây lúa, nông dân cần biết chi tiết hơn để tiện theo dõi và có các biện pháp chăm sóc thích hợp. Thời kỳ này cứ 1-2 ngày là một giai đoạn có cách gọi tên khác nhau như con gái, đứng cái, trứng nhạn, cứt gián...
Để tổng kết được các giai đoạn này cho con cháu thừa kế kinh nghiệm, cần đến sự cộng tác của nhiều người. Vì thế, vài chục sinh viên của 2 tỉnh có kinh nghiệm thâm canh lúa là Hải Dương và Hưng Yên đã được giao điều tra ở các "lão nông tri điền" khắp các xã trong 2 tỉnh. Mỗi người điều tra về ít là 5-7, nhiều là 10-15 giai đoạn phát triển của cây lúa. Sau đó tổng hợp lại, lược bỏ các tên gọi trùng lặp và tích hợp các tên gọi khác biệt để sắp xếp chúng theo thứ tự phát triển tự nhiên của cây lúa. Để chắc chắn, trật tự sắp xếp này lại được gửi về để các lão nông giàu kinh nghiệm, kiến thức nhất điều chỉnh, xét duyệt lần cuối. Công trình hoàn hảo rồi đáng lẽ công khai cuối thế kỷ trước nhưng do sơ suất, bản thảo bị thất lạc. May mà gần đây đã tìm thấy tập hồ sơ gốc đó.
Dựa theo kết quả điều tra công phu ấy, cây lúa có tới 56 giai đoạn có tên gọi riêng theo trật tự phát triển tự nhiên như sau:
1- Thời kỳ ủ giống: có 9 giai đoạn với các tên: xuống nước→sưng mép→nứt nanh→xanh đầu→nẩy mầm→vừa mấm→đâm rễ→xanh đầu→xuống mạ.
2- Thời kỳ làm mạ: có 10 giai đoạn với các tên: bén đất→ngồi (hay mũi chông)→1 lá→2 lá→3 lá→4-5 lá→mạ non→mạ bánh tẻ→mạ đủ tuổi→mạ già.
3- Thời kỳ cây lúa: có 37 giai đoạn gồm: bén rễ→ăn màu→lên màu→hồ xanh→nõn tỏi→đẻ nhánh→kín đất→con gái→đứng cái→trứng nhạn→cứt gián→cấn đồng (vào đòng→làm đòng)→đòng già→thập thò→trổ bông→cắm cờ→phơi màu→ngậm màu→trổ hết→vào sữa→đông sữa→vào hạt→vào mẩy→đẫy hạt→chắc hạt (cứng hạt)→chắc xanh→vàng quả→uốn câu→xuôi quả→đỏ đuôi (chín đầu bông)→gục mặt→treo đèn→chín→chín rộ→chín hết→nỏ rơm→gặt.
Mặc dù kết quả trên như một công trình khoa học, đã điều tra kỹ qua tiếp cận với các lão nông nhưng vẫn có thể còn thiếu 1-2 giai đoạn đáng có và trật tự sắp xếp có thể còn có sai sót.
Rất mong các lão nông, các nhà khoa học tham gia bổ sung để có được một kết quả hoàn chỉnh giúp các nhà nông trẻ kế thừa và phát triển.
NGUYỄN VĂN KHANG