Chùa Trâm Khê là di tích cách mạng bí mật trong những năm chống Pháp. Tại đây đã ghi dấu những câu chuyện xúc động của một thời lịch sử hào hùng.
Ông Nguyễn Văn Mặc, 86 tuổi, người làng Trâm Giữa kể lại trận càn của giặc ngày 21-4-1950
Căn cứ bí mậtChùa Trâm Khê thuộc làng Trâm Giữa, xã Thái Hòa (Bình Giang). Quy mô ngôi chùa không lớn, chỉ có 3 gian tiền bái, một gian hậu cung. Đồ tế tự và hệ thống tượng Phật trong chùa đều là đồ mới do nhân dân công đức. Điểm nhấn là khuôn viên rộng, đẹp với cỏ cây hoa lá, chiếc cầu đá cổ dài 5m bắc qua mương vào chùa. Trong chùa có một chiếc giếng quanh năm trong mát, nước ngọt. Truyền rằng lấy nước giếng chùa vo gạo, rửa lá gói bánh chưng Tết, để hết tháng giêng cũng không lại gạo. Ngay cổng vào chùa có một gốc đa cổ thụ hàng chục người ôm. Trong vườn chùa có một gốc quéo, mà theo các cụ đều đã hàng trăm năm tuổi.
Theo cuốn lịch sử chùa Trâm Khê, thì chùa được xây dựng năm nào chưa rõ, lúc đầu có tên là Sùng Lâm Tự, đến giữa thế kỷ XV đổi tên thành Bát Giác Tự. Sở dĩ lấy tên này vì chùa tọa lạc giữa cánh đồng, trên khu đất hình bông sen tám cánh. Vào năm Quang Thuận thứ 10, triều Lê Thánh Tông, chùa được xây dựng lại với khuôn viên rộng 6.000 m2, quanh năm hương khói.
Khi Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật nổ ra rộng khắp trên địa bàn hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Một bộ phận nghĩa quân đã lấy Bát Giác Tự làm bản doanh. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, một số thủ lĩnh tử trận, trong đó có sư thầy Thích Vị Tha, trụ trì chùa Bát Giác. Sau sự việc này, Bát Giác Tự bị giặc Pháp tàn phá tan hoang. Phải nhiều chục năm sau, nhân dân mới tôn tạo lại chùa gần như cũ.
Trong Bát Giác Tự có một hầm bí mật là nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng ẩn náu những năm hoạt động cách mạng. Theo các cụ cao niên, sau khi vượt ngục về Ấp Dọn, xã Thái Dương, trong hai năm 1932-1933, mỗi khi bị giặc truy lùng gắt gao, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thường ẩn núp ở hầm bí mật này. Tại đây, đồng chí nhiều lần triệu tập các cuộc họp, trong đó có cuộc họp ra quyết định trừ khử tên địa chủ đại gian ác Ký Tước, người xã Bình Xuyên. Sư cụ Thích Bảo Tâm trụ trì chùa và ni sư Đàm Thanh Vân cũng được đồng chí Nguyễn Lương Bằng giác ngộ cách mạng, hăng hái tham gia các đoàn thể.
Cách mạng Tháng Tám thành công, hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhà chùa đã ủng hộ cách mạng 2 tấn thóc, 1 cây vàng, các Phật tử ủng hộ hàng chục tấn thóc cùng vàng để mua vũ khí, đúc đạn dược.
Trong các năm kháng chiến, Pháp lập tề đóng đồn bốt khắp nơi, nhiều cơ sở, chính quyền của ta bị phá vỡ. Bát Giác Tự lại trở thành căn cứ cách mạng bí mật. Tại đây, Huyện ủy, Ban Địch vận, Ban Giao liên huyện Mỹ Hào; Đảng ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Tráng Liệt; Ban chỉ huy Đại đội 20, Trung đoàn 42, Ban chỉ huy Đại đội Lê Lợi; Đảng ủy, chính quyền xã Thái Hòa từng đóng căn cứ. Ban ngày cán bộ ta họp bàn, in ấn tài liệu dưới hầm, ban đêm bủa vào lòng địch hoạt động. Việc canh gác, ăn, ở đều do nhà chùa chu cấp. Để minh chứng, ông Phan Văn Khải, 80 tuổi, dẫn chúng tôi vào hậu cung chùa, chỉ xuống nền: "Chiếc hầm bí mật che giấu cán bộ nằm tại vị trí này. Năm 1990, nhân dân xây dựng lại chùa, lúc đào làm nền thì thấy cửa hầm lộ ra. Dưới đó tìm thấy một chiếc hòm gỗ trong có đựng chiếc máy in đã hoen gỉ cùng 3 quả lựu đạn ". Sau khi xây dựng, hầm cùng chiếc hòm được nhân dân lập lại nguyên như cũ. Năm 2010, khi lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cách mạng, ông cùng các bậc cao niên đi xin xác nhận của ông Nguyễn Văn Lung, cán bộ huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) từng hoạt động tại chùa. Ông Lung cho biết, khi ông cùng một số cán bộ rút đi, đã không kịp mang theo chiếc máy chữ nên phải để lại trong hầm bí mật. Sau đợt đó, anh em người thì hy sinh, người thì bị bắt tù đầy nên không có dịp trở lại chùa nữa.
Trận càn lịch sửTrong những năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù bị kìm kẹp giữa hai bốt Nhữ và bốt Hà nhưng những cơ quan đóng trụ sở ở chùa Trâm Khê luôn được nhà chùa và nhân dân bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, năm 1950 đã có một biến cố đau thương xảy ra với Bát Giác Tự và nhân dân thôn Trâm Giữa khi giặc càn vào làng tìm hầm bí mật, bắt cán bộ. Đã có 10 người bị giặc giết khi không chịu khai nơi giấu cán bộ. Hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang, phá vỡ các cơ sở kháng chiến của ta, quân Pháp mở các đợt càn quét lớn vào các huyện Gia Lộc, Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Miện với sự yểm trợ của xe tăng và đại bác từ Kẻ Sặt và Bần Yên Nhân. Đêm 19 rạng ngày 20-4, lực lượng vũ trang của ta xuất phát từ chùa Trâm Khê bất ngờ nổ súng tiến công quân địch ở chùa Trê, tiêu diệt hàng chục lính lê dương, thu nhiều vũ khí. Sáng 20-4, khi có viện binh của địch từ Kẻ Sặt, phủ Vạc và Trương Xá kéo xuống, lại có chỉ điểm, giặc biết được chùa Trâm Khê là nơi tập kết của bộ đội ta nên đêm 20-4, chúng lặng lẽ bao vây chùa, đợi trời sáng sẽ tấn công. Sáng 21-4, đồng chí Phạm Văn Phổ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Thúc Kháng, phái viên Huyện ủy Bình Giang mang công văn của huyện về phổ biến chống càn cho lãnh đạo xã Thái Hòa đang đóng tại chùa Trâm Khê thì phát hiện có giặc liền rút lui. Nhưng đồng chí đã bị giặc phát hiện nổ súng bắn chết tại gốc đa chùa. Nghe tiếng súng, các cán bộ nằm vùng một số theo bờ mương tản vào ruộng lúa rút lui, một số xóa dấu vết rút xuống hầm bí mật.
Mặt trời vừa ló rạng, giặc ồ ạt tấn công vào chùa. Sau một hồi lùng sục không tìm được hầm, chúng bắt sư thầy Đàm Thanh Vân đánh đập tra khảo. Thấy nhà sư nhất quyết không khai, chúng liền trói nhà sư vào cột, chất rơm, rạ châm lửa đốt chùa. Sau khi đốt chùa, chúng ồ ạt kéo vào làng theo hai hướng phá phách, giết chết 3 người. Lực lượng du kích của ta quá mỏng đành phải rút lui. Ông Nguyễn Văn Mặc, 86 tuổi, người làng Trâm Giữa từng chứng kiến sự việc kể lại: "Sau khi lùng sục trong làng, không bắt được cán bộ của ta, chúng bắt trói hơn 10 người dong ra cánh đồng, trong đó có ông nội, bố và chú ruột tôi. Tôi chạy thoát nhưng khi giặc rút khỏi làng, tôi liền trở lại, trèo lên cây mít ở đầu làng theo dõi động tĩnh. Địch dong mọi người đến chuôm Quán Đá, cách chùa hơn 100m, chúng bắt tất cả dừng lại đánh đập, miệng hét "Việt Minh đâu! Việt Minh đâu". Không thấy ai lên tiếng gì, chúng liền dựng dậy, dùng dao cắt cổ hoặc kề súng vào gáy bắn từng người rồi đẩy xuống chuôm. Nhìn những người thân bị giặc sát hại, tôi như đứt từng khúc ruột. Lúc sau thấy chúng vội vã rút quân, có lẽ nhận được lệnh. Lúc đó tôi tụt khỏi ngọn cây, hò hét dân làng chạy ra chuôm cứu mọi người. Trong hơn 10 người thì có 7 người đã bị chúng giết, chỉ còn mấy người sống sót, trong đó có ông Hỷ ở Thanh Miện bị chúng dùng báng súng đánh ngã nằm sấp rồi dùng dao cắt cổ đứt phần gáy. Đến nay ông Hỷ vẫn còn sống với vết sẹo dài phía sau".
Ông Phan Văn Khải, 80 tuổi, người làng Trâm Giữa cũng cho biết: "Trong những người làng Trâm Giữa bị Pháp bắn hôm đó có cả bố tôi. Ông cụ bị nó dùng súng lục bắn một phát từ sau gáy xuyên qua trán. Đưa về nhà 6 ngày sau ông cụ mới mất. Còn sư thầy Đàm Thanh Vân do bị bỏng nặng nên cũng mất sau đó một tháng. Trận càn đó, làng Trâm Giữa có 10 người bị giết. Tuy vậy không một ai hé răng khai ra vị trí hầm bí mật giấu cán bộ. Từ đó, ngày 21-4 được lấy làm ngày giỗ trận của làng".
Sau khi giặc yên, nhân dân Trâm Giữa dựng tạm 3 gian chùa thô sơ làm nơi lễ Phật. Năm 1990, chùa tiếp tục được nhân dân tu bổ tôn tạo, công đức tượng Phật, hoành phi câu đối, xây dựng tam quan, nhà mẫu, quy hoạch khuôn viên. Cuối năm 2007, nhân dân trong thôn lại quyên góp xây dựng 4 gian nhà tổ.
Tuy chưa thật khang trang nhưng với giá trị, ý nghĩa quan trọng, năm 2011, chùa Trâm Khê đã được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Mong mỏi của nhân dân Trâm Giữa là ngôi chùa được tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo như diện mạo ban đầu để ngoài là nơi phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng còn là địa danh giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
NGỌC HÙNG