Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân vừa xuất bản cuốn Làng Đan Giáp, một làng thuộc xã Thanh Giang (Thanh Miện). Ông Vũ Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã nhận xét: "Cuốn sách là một bức tranh toàn cảnh khắc họa lại diện mạo về mảnh đất, con người làng Đan Giáp". Với 200 trang sách, qua gần 40 bài và mục, cuốn sách đã giúp bạn đọc hiểu được sự biến đổi của một làng nhỏ trong suốt chiều dài đấu tranh cách mạng của dân tộc. Trong đó, nổi bật lên công lao to lớn của cha ông và sự phấn đấu vươn lên của các thế hệ cháu con, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Bài Đan Giáp xưa và nay là một bài khảo cứu công phu, từ thời phong kiến và thực dân cho đến sau Cách mạng Tháng Tám, chiến đấu chống ngoại xâm, bước vào thời kỳ đổi mới, dẫn đến bước trưởng thành hôm nay: "Đời sống nhân dân được nâng cao, trên 50% số hộ đạt mức sống khá giả trở lên (hộ giàu chiếm 20%). Thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 10%. Đó là sức phấn đấu không ngừng vươn cao của toàn dân trong thôn, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân tố bảo đảm thắng lợi trên nhiều mặt của làng ta". Đan Giáp có sự nối tiếp truyền thống lâu đời, kể từ thời ba anh em họ Nguyễn Công có công phò vua Trần Thánh Tông đánh thắng giặc Nguyên, được phong làm Thành hoàng. Rồi Chiêu Viễn tướng công Vũ Văn Dũng, vị đại thần có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh, được vua Quang Trung giao giữ chức Đại tư đồ Vũ quốc công. Những địa danh quán Giữa, quán Đa, cánh Làn, xóm Vượt, xóm Đình, xóm Chùa và đài Chiến thắng ở đầu làng đều ghi lại các sự tích anh hùng của Đan Giáp cũng như cả xã Thanh Giang. Các mẩu chuyện chống càn trong trận Lạc Đà của giặc Pháp, làng cách bốt Trại có 1 km, địch 5 lần tấn công nhưng đều thất bại trước sự kháng cự của trên 100 dân quân du kích; đánh Tây đoan (về bắt rượu), đặt thư ly gián ở chân tượng trong chùa Sùng Phúc để diệt những tên phản động theo địch; tương kế tựu kế, cho người của ta "đầu hàng" giặc, sau đó làm nội ứng, đưa lính cả bốt ra hàng Việt Minh, quân ta không tốn một viên đạn mà san bằng một cứ điểm của Pháp...
Đọc Làng Đan Giáp, càng thêm quý trọng những người con của làng, trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, đã tô đẹp cho truyền thống quê hương như ông Vũ Đình Liễu, ông Nguyễn Trác Kiền, nhà giáo Vũ Đình Khanh, ông Phạm Minh Đức, bà Phạm Thị Sửu, gia đình họ Hồ, thiếu tướng Vũ Dương Nghi...
Nhiều nét đặc sắc của phong tục tập quán và nghề nghiệp cũng được ghi lại như lệ "nộp cheo" khi trai gái làng đi xây dựng gia đình góp phần tạo nên các con đường lát gạch nghiêng, nghề đan thúng, rổ, bánh đúc “bà Xuất Cọc”. Người Đan Giáp ở quê thì vậy, nhưng lập nghiệp nơi xa cũng thành đạt như các ông bà Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Thành Khoản, Nguyễn Thị My ở vùng kinh tế mới Long An.
Thật đúng như bài diễn ca Đất và người Đan Giáp của tác giả Phạm Văn Bằng ở cuối sách, đã kết lại bằng bốn câu "Nơi đất mẹ đong đầy nỗi nhớ/Chốn cha ông bao thuở còn rung/ Tổ tiên dặm bước cửu trùng/Quê ta Đan Giáp vô cùng yêu thương".
VƯƠNG BẠCH