Vào buổi chiều cuối năm 1997, khi ấy tôi đang làm việc ở Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam thì có khách tới thăm. Đó là hai người đàn ông tuổi đã cao, tôi chưa hề gặp bao giờ, đề nghị tiếp xúc với đại diện Ban Chấp hành Hội. Tôi đứng lên chào và thưa rõ, Tổng thư ký Nguyễn Khoa Điềm đang làm việc bên Bộ Văn hóa, Phó Tổng thư ký Hữu Thỉnh đang bận bên báo Văn Nghệ, tôi được ủy quyền thường trực.
Một người với vóc dáng hơi đậm, vẻ mặt thân mật và trầm tĩnh, nói nhỏ nhẹ:
- Xin tự giới thiệu, tôi là Lê Đức Thịnh, cán bộ hưu trí, còn đây là...
Như chợt nhớ ra điều gì, tôi hỏi nhanh:
- Thưa bác Thịnh, có phải bác nguyên là Bộ trưởng Bộ Nội thương...
Khách thong thả và nhã nhặn:
- Quả là như vậy, nhưng chúng tôi tới Hội Nhà văn hôm nay về việc khác. Chúng tôi được ủy quyền của Ban biên soạn Bộ sách "Đường năm anh dũng quật khởi" tới thăm Hội Nhà văn Việt Nam. Chắc chắn các anh đã nghe nhiều tới chuyện quân và dân đường số năm những tháng ngày oanh liệt trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Nếu quê anh ở vùng Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng hay Thái Bình, càng có nhiều ký ức sâu đậm về con đường đó... Sách đã ra được mươi tập, đều do những người trong cuộc tham gia viết bài và biên soạn. Chúng tôi muốn được coi đây là món quà nhỏ tặng Hội Nhà văn Việt Nam. Mong nó sẽ là tư liệu hữu ích cho các nhà văn…
Ông nói và hơi nghiêng người mở cái túi để ở bên đùi lấy bộ sách ấy ra. Đó là những quyển chừng hai trăm trang, khổ 13cm x 19cm, bìa màu sắc khác nhau, nhưng tất cả đều chung một tên và mở ngoặc ở dòng dưới (hồi ký của các nhân chứng lịch sử) do Hội Khoa học lịch sử TP Hải Phòng và Ban liên lạc Đồng đội Hải Dương - Hưng Yên cùng Nhà Xuất bản Hải Phòng đứng ra in ấn và phát hành. Tôi lật trang bìa và nhìn nhanh, quyển nào cũng có lời ghi tặng trang trọng của ông Lê Đức Thịnh.
Trước khi chia tay hai vị khách còn nói:
- Anh em chúng tôi không phải dân văn chương, cứ có sao ghi vậy, câu cú đôi khi ngây ngô… chỉ mong sao có lợi về nguồn tư liệu cũng như góp phần vào cảm hứng sáng tác cho các nhà văn…
Tôi vội nói nhanh:
- Không, thưa hai bác, tôi thấy như thế này là quý hóa quá. Tôi sẽ báo cáo với anh Điềm và anh Thỉnh ngay…
Nói vậy nhưng tôi có lỗi với hai ông, bởi đã không báo cáo ngay vào ngày hôm sau mà mang về đọc hết quyển này tới quyển khác. Trời ơi! Sao lại có nguồn tư liệu quý giá đến thế này? Biết bao câu chuyện từ năm nảo năm nào tôi đã nghe, đã biết và quan tâm nhưng chỉ loáng thoáng bây giờ mới rõ nguồn cơn. Ví dụ như trận phụ nữ dùng đòn gánh, bồ cào, gậy gộc đánh đám lính tay sai Pháp ở quận lỵ Thọ Chương; những trận bộ đội địa phương và dân quân du kích phục kích đánh đám lính bốt Đò Neo đi tuần ở Quán Khoang, Thanh Miện… Rồi những trận đánh lẫy lừng diệt bốt Cờ, bốt Bỉnh Di ở Tứ Kỳ, bốt Phương Điếm ở Gia Lộc; những trận lật nhào các đoàn tầu chở lính và phương tiện chiến tranh của quân địch trên đường sắt từ Hải Phòng qua Hải Dương, Hưng Yên lên Hà Nội; những trận chống càn thắng lợi, bẻ gẫy các cuộc hành quân đầy tội ác mang tên Trái chanh, Trái quýt, Cái thùng, Con trâu, Con cắt… Cho đến những gương hy sinh lẫm liệt mà muôn đời con cháu không bao giờ quên của nữ liệt sĩ anh hùng du kích Mạc Thị Bưởi ở Hải Dương, nữ liệt sĩ anh hùng Bùi Thị Cúc ở Hưng Yên…
Là người con của Hải Dương, sinh ra và lớn lên trong vùng địch hậu Liên khu ba, tôi không bao giờ quên được những cuộc vây làng của đám lính bốt Đò Neo phối hợp với đám lính quận lỵ Thọ Chương, không bao giờ quên được sự tàn ác của đám lính pa-ti-dăng ở bốt Bượi Dăm hay Ba Đông. Còn những năm 1951 - 1952 vào thị xã Hải Dương học Trường Nam tiểu học thì không bao giờ quên được hình ảnh những đoàn tù là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta bị địch bắt, do những tên lính Pháp người Ma-rốc hay An-giê-ri dong giải ra bờ sông lấy nước… Từ thuở ấu thơ tôi đã nghe người ta dạy bài hát về Quán Nghiên với lời ca u hoài và buồn thương: "Quán Nghiên… Đây là mồ chôn chiến sĩ…". Cho tới ngày hòa bình lập lại theo Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, tôi qua lại Quán Nghiên nhiều lần. Người ta đã cắm cái biển với dòng chữ: "Nơi đây, ngày… tháng… 34 chiến sĩ đã hy sinh…". Bước chân tôi bao giờ cũng chậm lại, lòng ngậm ngùi và đôi mắt dáo dác như tìm kiếm. Số 34 chiến sĩ và ngày tháng tôi nhớ không còn chuẩn xác, nhưng hình dạng đống đất ngày ấy, cột và biển chữ sơ sài ngày ấy cùng với lời bài ca đầy hoài niệm nhớ thương thì tới tận hôm nay, dù đã quá nửa thế kỷ trôi đi cứ ngân rền mãi trong tôi và bóng dáng bao anh hùng liệt sĩ cứ vời vợi nghìn trùng trường tồn cùng non sông đất nước.
Tôi đọc liền một mạch hết bộ sách. Cám ơn các bậc đàn anh là các ông: Võ An Đông, Nguyễn Huy Trường, Đào Ngọc Quế, Đàm Minh, Trương Văn Thuận, Lê Đức Thịnh, Phạm Bách là những người biên soạn và bao người là chứng nhân lịch sử đã tham gia viết bài như Lê Nghĩa, Nguyễn Văn Tuất, Nguyễn Tất Đào, Hoàng Bút… Và như ông Lê Đức Thịnh khiêm tốn nói, ở đây không có văn chương… nhưng sự cuốn hút và đáng trân trọng ở đây là chất liệu sống với lối văn mộc mạc, chân thành, không tô vẽ, không đỏm dáng…
Gấp toàn bộ sách lại, tôi cứ ngẩn ngơ một nỗi niềm xa vắng và nhận ra rằng, dù mình có viết bao nhiêu trang sách , gắng sức đến thế nào đều quá nhỏ bé so với những hy sinh lẫm liệt của quân và dân ta ở đường số 5, tả ngạn sông Hồng.
TÔ ĐỨC CHIÊU