Nhà thơ Hoài Vũ (*) với bài Vàm Cỏ Đông được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc trở thành tác phẩm nổi tiếng thì ai cũng biết. Nhưng chuyện Hoài Vũ có mối tình lãng mạn ở Long An thì chỉ những người đã có mặt ở đây vào những năm đánh Mỹ ác liệt mới biết rõ.
Năm 1968, Hoài Vũ được Hội Văn nghệ giải phóng cử xuống Long An, vừa đi thực tế sáng tác, vừa mở lớp đào tạo những cây bút trẻ. Trong lớp ấy có Bẩy Nhàn, một nữ sinh viên hoạt động hăng hái trong phong trào đấu tranh ở thành thị, mới được đưa ra hậu cứ. Khác với các bạn cùng trang lứa, Bẩy Nhàn nổi trội hơn ở dáng người thon thả, giọng nói trong trẻo và có vốn kiến thức văn học. Bẩy Nhàn tiếp thu rất nhanh những bài giảng của thầy Hoài Vũ. Chưa hết khóa học, Bẩy Nhàn đã có tác phẩm đầu tay. Đó là truyện “Làng ven sông” đã được đăng trên tạp chí Văn nghệ giải phóng. Hoài Vũ rất nhiệt tình chỉ bảo về nghiệp vụ báo chí, thơ văn cho Bẩy Nhàn. Ngược lại Bẩy Nhàn cũng tận tâm săn sóc giúp đỡ những lần Hoài Vũ bị sốt rét như một người em gái. Bẩy Nhàn rất quý trọng Hoài Vũ, một người thầy, một người anh kính mến. Còn tình cảm của Hoài Vũ đã vượt qua ranh giới đó.
Thế rồi, chiến trường Long An ngày càng ác liệt. Hoài Vũ nhận được lệnh phải về R. Hai người sống trong xa cách. Ít lâu sau, Hoài Vũ sáng tác bài “Anh ở đầu sông, em cuối sông” (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc) thể hiện tình cảm rất tha thiết: ...Anh ở đầu sông, em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông. Yêu người, Hoài Vũ yêu luôn cả cảnh vật miền quê của Bẩy Nhàn: Ôi bát ngát chân trời miền Hạ/ Tím tình yêu, tím cả ước mong...
Sự nuối tiếc, xót xa còn được thể hiện trong bài “Đi trong hương tràm”: Dù trái tim em không trao anh nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau.
Năm 1972, tôi về công tác ở Văn phòng Ban Tuyên huấn Long An. Để đối phó với dịch càn quét, tôi được lệnh sắp xếp lại giấy tờ, tài liệu, thứ gì không cần thiết nữa thì hủy, thứ gì thiết yếu phải mang theo. Bất ngờ tôi thấy một bức thư của Hoài Vũ gửi cho anh Chín Cần, Bí thư Tỉnh ủy. Thời gian đi thực tế ở Long An, Hoài Vũ được anh Chín rất quý mến. Hoài Vũ rất mong muốn anh Chín vun đắp cho mối tình của hai người. Vì thế Hoài Vũ vẫn không quên anh Chín. Lá thư gửi cho anh Chín, nhưng anh đi công tác vắng. Được phép của Ban Thường trực, tôi bóc thư. Trong thư, ngoài lá thư thăm hỏi là bài thơ “Nàng thơm” rất đặc sắc. Nội dung kể lại mối tình rất cảm động của đôi trai gái quê mùa. Cô gái thương chàng trai nghèo khổ, hằng ngày vất vả lam lũ cấy cày mà vẫn đói rách. Đêm đêm cô gái lặng lẽ ra ruộng dùng nước mắt của mình nhỏ xuống, mỗi cây lúa một giọt khiến ruộng lúa của chàng xanh tốt trở lại. Lạ kỳ thay, từ lúc trổ bông đến khi thành gạo nấu thành cơm đều rất thơm. Người ta không quên đặt luôn tên của cô gái cho loại lúa đó. Nó cũng cắt nghĩa nguồn gốc của giống lúa Nàng Thơm đang cấy trồng ở Long An và hạt gạo Chợ Đào - một đặc sản được xuất khẩu rất có giá trị trên thị trường.
Bài thơ Nàng Thơm, mở đầu bằng hai câu: Nàng Thơm tên lúa hay tên em/ Nghe dịu tâm hồn ngọt gió đêm... Tôi thấy bài thơ hay quá nên đã dụng công chuyển thành bài ca vọng cổ. Tiếc rằng chưa kịp đưa sang bên Tiểu ban văn nghệ dàn dựng thì tôi đã trở ra Bắc.
Đọc bài thơ Nàng Thơm của Hoài Vũ ai cũng biết anh muốn giãi bày tình cảm yêu thương của mình với miền quê Long An và người con gái miền hạ. Bài thơ này phải được đến tay Bẩy Nhàn. Nhưng rất tiếc Bẩy Nhàn không còn ở hậu cứ nữa, đã xuống đường nhận nhiệm vụ quan trọng, phát động quần chúng ở một địa bàn đang tranh chấp quyết liệt giữa ta với địch. Chỉ ít ngày sau đó, Bẩy Nhàn không may sa vào ổ phục kích của địch và bị chúng bắt đầy ra đảo Phú Quốc. Cái tin đau buồn này đã đến tai Hoài Vũ. Anh viết ngay bài thơ: “Gửi người bạn gái trong tù”. Bài thơ này đã được phát sóng trên Đài Phát thanh Hà Nội.
...Tuy mối tình dang dở, nhưng Hoài Vũ đã để lại cho văn đàn nhiều bài thơ tình rất hay và miền quê Long An với sông Vàm Cỏ, gạo Nàng Thơm, cá bống Kèo đã trở thành nổi tiếng với đồng bào cả nước.
(*) Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng (sinh năm 1935, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi). Ông viết cả truyện ngắn, dịch thuật, nhưng nổi tiếng vẫn là thơ.