Dao Ánh – mối tình day dứt, sâu đậm thuở thanh xuân của Trịnh Công Sơn, cũng là người mà cố nhạc sĩ gửi 300 bức thư tình.
Chuyện tình nảy nở qua những lá thư
Mối tình khắc cốt ghi tâm từng đi qua đời Trịnh Công Sơn là với Dao Ánh – em gái của Bích Diễm, người để lại trong lòng cố nhạc sĩ niềm vương vấn nhưng không thành.
Sau mối lương duyên đứt gánh với cô chị, Dao Ánh đã viết thư chia sẻ, an ủi cùng nhạc sĩ. Tình cảm của hai người cũng dần nảy nở từ đó. Sau nhiều bức thư tay bí mật viết cho nhau, lời yêu vẫn chưa thành. Cho đến năm 1966, Dao Ánh mới chấp nhận tình cảm này. Khi đó, Dao Ánh là cô nữ sinh Huế 16 tuổi, còn nhạc sĩ 25 tuổi, đang dạy tại thành phố B'lao (nay là Bảo Lộc - Lâm Đồng).
Suốt 37 năm, Trịnh Công Sơn đã viết 300 lá thư cho Dao Ánh, nhất từ năm 1964 đến 1967, khi ông ở Bảo Lộc. Ông còn sáng tác nhạc tặng người tình như: Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Lời buồn thán.
Trong bức thư viết năm 1964, Trịnh Công Sơn dỗ dành người yêu giận dỗi.
“...Anh hát lại bản Mưa hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi đá buồn. Ánh nghĩ sao?
Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm.
***
Ánh ơi. Anh đang nhớ và mong tin Ánh. Có lẽ giờ này Bạch Yến cũng đang hát Lời buồn thánh cho đêm chủ nhật. Anh nhác quá nên không ra phố giờ này. Có lẽ phố cũng vui vì đã trưng bày đồ Noel rồi.
Anh xin đi ngủ. Giấc ngủ sẽ xóa bớt những buồn phiền đi. Anh mong thế. Ánh ơi Ánh ơi”.
Bức thư viết năm 1965, nhạc sĩ gửi tình cảm da diết cho người con gái mộng mơ xứ Huế
“Anh đang viết ở bưu điện, quanh anh sương không còn nhìn thấy nhau. Buổi sáng hoa hồng nở rất tuyệt diệu. Anh không còn lời nào để nói bởi vì tất cả đã âm thầm biến mất khỏi anh.
Anh chỉ còn một ngôn ngữ này để gửi về: Ánh có còn đó không. Nhớ nhung ngút ngàn.
Dao Ánh. Bao nhiêu sương mù mang tên đó, trên vùng cao anh mãi ngước nhìn. Hãy kể cho anh nghe. Hãy nói chuyện với anh. Đã có gì qua ở đó. Anh nhớ mãi một loài nga mang tên Dao Ánh và mang tên hoa mặt trời. Hoa hồng và sương mù xin chất đầy trên hai tay Ánh đây”.
Dù tình cảm thắm thiết nhưng trong nhiều bức thư, Trịnh Công Sơn vẫn hoài nghi về cái kết hạnh phúc. Khi niềm tin mong manh vỡ vụn, ông chủ động nói lời chia tay. “Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được”.
Cuộc hội ngộ day dứt
Chuyện tình của họ tan vỡ vào năm 1967, Dao Ánh sang Mỹ học tập, lập gia đình và vẫn giữ liên lạc với gia đình nhạc sĩ. 20 năm xa cách, Dao Ánh về Việt Nam gặp lại người xưa. Cuộc hội ngộ ấy là cảm hứng cho Trịnh Công Sơn sáng tác bài Xin trả nợ người với ca từ sâu lắng: “Hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi”.