Người dân dù khai báo y tế hay khai báo di chuyển trên bất kỳ ứng dụng phòng chống dịch nào cũng cho kết quả mã QR cá nhân như nhau và họ có thể dùng nó để qua chốt kiểm dịch...
Mỗi người dân sẽ có một mã QR, tương tự như chứng minh nhân dân hay căn cước công dân, để sử dụng trong mọi hoạt động phòng chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo sơ kết công tác triển khai công nghệ phòng chống dịch COVID-19 gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 10.9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết đã thống nhất với Bộ Y tế và Bộ Công an về việc sử dụng một mã QR chung cho từng đối tượng liên thông giữa tất cả các nền tảng, hệ thống, phần mềm để thuận tiện cho công dân trong quá trình khai báo và di chuyển.
Một mã QR cá nhân như nhau
Ba bộ này cũng thống nhất sử dụng chung một mẫu tờ khai y tế để thuận tiện cho công dân trong quá trình khai báo, di chuyển. Như vậy, người dân dù khai báo y tế hay khai báo di chuyển trên bất kỳ ứng dụng phòng chống dịch nào cũng cho kết quả mã QR cá nhân như nhau và họ có thể dùng nó để qua chốt kiểm dịch, chốt kiểm tra (trên đường) hay các địa điểm yêu cầu "check-in" khai báo y tế (bệnh viện, siêu thị, công sở, nhà hàng, khách sạn...).
Chẳng hạn, với nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào/ra sử dụng mã QR đang được Bộ TTTT triển khai trên toàn quốc, người dân có thể khai báo y tế tại địa chỉ tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Bluezone và được cấp một mã QR cá nhân.
Trong khi đó, các địa điểm muốn kiểm tra, kiểm soát người đến/đi có thể đăng ký ghi nhận vào ra bằng mã QR tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn/. Nền tảng cho phép các địa điểm này quản lý được danh sách người vào ra địa điểm, đồng thời cho phép các cấp chính quyền cơ sở quản lý được toàn bộ các điểm đã đăng ký sử dụng mã QR trên địa bàn.
Thống nhất một ứng dụng phòng chống dịch
Trước tình trạng có quá nhiều ứng dụng phòng chống dịch hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần thống nhất một ứng dụng duy nhất để thuận tiện, dễ dàng cho người dân sử dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng việc sử dụng một ứng dụng phòng chống dịch duy nhất có ưu điểm là tất cả thông tin được tập trung trong một ứng dụng. Các cơ quan nhà nước, công ty hay cơ sở kinh doanh và người dân chỉ cần tải và sử dụng một ứng dụng duy nhất. Người dân dễ nhận biết, dễ thực hiện mỗi khi ra đường, khi đi làm, đi đến nơi công cộng hay sử dụng phương tiện công cộng.
Ông Nguyễn Trọng Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Chợ Tốt cho rằng: "Để có thể sống chung an toàn với COVID-19 thì thông tin chứng nhận tiêm chủng (thẻ xanh/thẻ vàng vắc xin) cực kỳ quan trọng, nên rất cần một ứng dụng chính thống để người dân có thể dễ dàng nhận biết, khai báo thông tin, yên tâm sử dụng và theo dõi".
Tuy nhiên, ông Tấn cũng cho biết việc phát triển một ứng dụng duy nhất sẽ khiến dữ liệu của nó rất lớn để có thể lưu trữ và cập nhật thông tin của toàn bộ dân số Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia an ninh mạng, rất nhiều thông tin cá nhân và thông tin định danh của người dùng sẽ được lưu trữ trên ứng dụng thống nhất sẽ khiến vấn đề bảo mật trở nên vô cùng quan trọng.
Trên dưới 20 phần mềm
Báo cáo sơ kết công tác triển khai công nghệ phòng chống dịch COVID-19 của Bộ TTTT gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 10.9 cũng cho biết Việt Nam hiện đang có trên dưới 20 phần mềm phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 nên dẫn đến tình trạng "nhiều phần mềm chồng chéo".
Theo Tuổi trẻ