Báo cáo này được đưa ra tại buổi khởi động chiến dịch dự phòng bệnh không lây nhiễm, tổ chức hôm 25.12.
Theo bà Lê Bạch Mai, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2017 Việt Nam có trên 540.000 ca tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường… lên tới 76% (tương đương đến 410.000 người).
Nếu ai đã trải qua một trận ốm thì sẽ hiểu điều khao khát nhất lúc ấy không phải cần tiền hay cần tình, mà là cần khỏi ốm".
Bà Lê Bạch Mai
Cũng theo bà Mai, số mắc mới ung thư ở VN có gia tăng theo thời gian, riêng ung thư cổ tử cung ở nữ giới có giảm do sàng lọc, phát hiện bệnh sớm hơn và có vắcxin ngừa một số type virus gây bệnh.
Về giai đoạn chẩn đoán, khảo sát cho thấy đa số bệnh nhân ung thư ở VN được phát hiện bệnh ở giai đoạn 2-4, nhiều loại ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn 3-4 nên hiệu quả điều trị không cao.
Bà Mai cho biết VN đang đặt ra nhiều mục tiêu cần đạt đến vào năm 2025 nhằm giảm 20% số ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm.
Cụ thể là giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, giảm 30% tiêu thụ muối, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, phát hiện và quản lý 50% bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính…
Tuy nhiên đây là mục tiêu khá khó khăn do những căn cứ thế giới cho thấy như nước Nhật cần đến 10 năm mới giảm được 30% lượng muối tiêu thụ, trong khi người Nhật có tính kỷ luật cao hơn người Việt và VN chỉ còn 8 năm để thực hiện các mục tiêu này.
"Nhưng nếu không dự phòng và sớm thay đổi lối sống, chỉ 5-10 năm nữa chúng ta lại sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền để chữa bệnh nhưng chất lượng cuộc sống vẫn giảm nếu bị bệnh", bà Mai đưa ra cảnh báo.