Là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nhưng nhiều người dân ở Hải Dương vẫn lơ là, chủ quan và chưa quan tâm phòng ngừa, điều trị viêm gan virus.
Chủ quan
Ước mơ đi xuất khẩu lao động Nhật Bản của anh P.V.Q. sinh năm 2002 ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) trở nên dang dở khi anh mắc viêm gan B. Sau khi tốt nghiệp THPT, cảm thấy sức học có hạn, anh Q. không thi đại học mà lựa chọn con đường sang nước ngoài lập nghiệp. Tuy nhiên, khi đi khám sức khoẻ để bắt đầu chuẩn bị cho hành trình mới thì anh phát hiện bị viêm gan B. Hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động của anh Q. bị trả lại do anh mắc bệnh truyền nhiễm, không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước tiếp nhận lao động.
Hiện anh Q. làm công nhân cho doanh nghiệp may ở huyện Nam Sách song anh vẫn tiếc nuối khi không thể thực hiện được mơ ước. Anh cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ mình lại rơi vào hoàn cảnh éo le như vậy. Tôi vẫn khoẻ mạnh, không có dấu hiệu của bệnh tật mà lại mắc viêm gan B. Tôi cũng không biết bản thân bị bệnh khi nào. Tôi vẫn đang uống thuốc và khám định kỳ theo tư vấn của bác sĩ, song cánh cửa đi lao động nước ngoài đã khép lại”.
Bà B.T.H. sinh năm 1968 ở đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) đang phải điều trị bệnh xơ gan ở giai đoạn 3. Bà H. được bác sĩ kết luận mắc viêm gan B rồi chuyển sang xơ gan do chủ quan không phát hiện, điều trị viêm gan kịp thời. Cuối năm 2023, bà H. đi khám vì luôn thấy mệt mỏi, sức khoẻ giảm sút, ăn không ngon miệng. Bác sĩ yêu cầu bà H. nhập viện khẩn cấp để điều trị xơ gan. Hiện sức khoẻ bà H. đã ổn định hơn nhưng vẫn phải theo dõi sát sao và thường xuyên tái khám.
Làm công việc kinh doanh, buôn bán tự do nên bà H. thường ít chú ý tới sức khoẻ. Khi có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, bà H. chỉ nghĩ rằng do áp lực công việc, ăn uống không điều độ. Vì thế, mỗi khi mệt, bà chỉ tự mua thuốc bổ uống. Đến khi cơ thể yếu dần, cảm thấy không còn sức lực bà H. mới đi khám tổng quát. “Lúc bác sĩ thông báo bị xơ gan, tôi sốc lắm nhưng nghĩ lại chỉ trách bản thân chủ quan, xem nhẹ sức khoẻ. Giờ tôi không buôn bán nhiều như trước mà chỉ làm túc tắc để dành thời gian chữa bệnh”, bà H. buồn rầu nói.
Cần sàng lọc để quản lý
Virus viêm gan có 5 loại gây bệnh chính gồm A, B, C, D và E. Các loại virus này gây bệnh cho mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, khả năng lây không giới hạn. Trong đó, virus viêm gan B và C có ảnh hưởng tới sức khoẻ nhiều nhất. 60% số bệnh nhân ung thư gan bị nhiễm virus viêm gan B.
Hải Dương là địa phương có tỷ lệ người nhiễm viêm gan virus cao. Ước tính toàn tỉnh có khoảng 150.000 người nhiễm viêm gan B, từ 12.000-14.000 mắc viêm gan C. Viêm gan virus tiến triển âm thầm nên người bệnh thường chủ quan, bỏ qua triệu chứng. Người nhiễm virus viêm gan chỉ đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh khi đã có triệu chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ như mệt mỏi, ăn kém, mất ngủ hoặc khi thấy đau vùng gan, vàng da, vàng mắt, tiểu sẫm mầu, bụng chướng to... Khi xuất hiện các triệu chứng này thì bệnh đã ở giai đoạn nguy hiểm, chuyển sang giai đoạn xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Hằng năm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương tiếp nhân và điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân viêm gan virus. Nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng là xơ gan cổ trướng, ung thư gan khiến việc điều trị khó khăn, phức tạp và kéo dài. Theo thạc sĩ, bác sĩ Tăng Văn Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, hầu hết các trường hợp tới bệnh viện khám, điều trị viêm gan khi biểu hiện bệnh đã rõ ràng. Lúc này, bệnh đã ở giai đoạn nguy hiểm, bỏ lỡ thời điểm vàng để chữa trị hiệu quả viêm gan virus. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, viêm gan C có thể chữa khỏi, viêm gan B sẽ được kiểm soát hiệu quả.
Xuất phát từ diễn biến thực tế bệnh viêm gan virus trên địa bàn tỉnh, giữa tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nâng cao hiệu quả điều trị căn bệnh nguy hiểm này thông qua hoạt động khám chữa bệnh và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Viêm gan virus sẽ là gánh nặng với xã hội nếu không được kiểm soát tốt. Vì thế, sau khi đánh giá cơ sở hạ tầng, nhân lực y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhất trí hợp tác, phối hợp để thực hiện kế hoạch phòng chống viêm gan virus tốt nhất, hiệu quả nhất”.
Trong lần đầu tiên phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào giữa tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương đã tiếp nhận 352 trường hợp đến khám chữa bệnh. Trong đó, có 182 người đã được chẩn đoán nhiễm vius viêm gan trước đó. Ngày 22/12 tới, hai bệnh viện tiếp tục phối hợp để khám chữa bệnh về gan cho người dân Hải Dương. Việc phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám chữa bệnh, không phải thực hiện chuyển tuyến, di chuyển xa, chờ đợi… Đồng thời hỗ trợ, góp phần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ tuyến tỉnh. Hai bệnh viện đã ký hợp đồng hỗ trợ, phối hợp đến hết năm 2025.