Hai giống lúa Japonica (J02), Bắc Hương 9 (BH9) được canh tác hữu cơ tại các vùng rươi ở Tứ Kỳ, Thanh Hà cho năng suất 33 - 40 tạ/ha.
Lúa hữu cơ tại vùng nuôi rươi xã An Thanh (Tứ Kỳ)
Sáng 5.6, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp thế hệ mới tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện dự án "Xây dựng và mở rộng vùng sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ trên một số vùng rươi của tỉnh Hải Dương" trong vụ chiêm xuân 2019-2020.
Trong vụ này, dự án tiếp tục được triển khai tại 3 xã An Thanh, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) và Vĩnh Lập (Thanh Hà). Tổng diện tích gieo cấy là 120 ha, với 118 hộ tham gia, gieo cấy giống lúa Japonica (J02) trên diện tích 85 ha và lúa Bắc Hương 9 (BH9) diện tích 35 ha.
Hai giống lúa trên được canh tác hữu cơ tại vùng rươi bị nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, khô vằn; sâu cuốn lá, rầy nâu với tỷ lệ không đáng kể; chống đổ tốt, chịu rét khá. Năng suất giống J02 đạt 38 - 40 tạ/ha, giống BH 9 đạt 33 - 35 tạ/ha.
Mô hình sản xuất 2 giống lúa trên có chi phí cao hơn do thuê lao động thủ công chăm sóc lúa, tiền giống, phân bón, chế phẩm ủ phân hữu cơ.
Nông dân lãi từ 2,3 – 3,6 triệu đồng/ha.
Công ty CP Nông nghiệp thế hệ mới đã liên kết tiêu thụ qua kênh phân phối của chuỗi cửa hàng sản phẩm hữu cơ tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng và các kênh thương mại điện tử…
Dự án được triển khai từ tháng 6.2018. Đây là vụ thứ ba sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ trên một số vùng rươi.
Doanh nghiệp này đã mang gạo hữu cơ tham gia các hội chợ trong và ngoài nước giới thiệu sản phẩm, xây dựng bảng mã, cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc.
PV