Cả 2 nước Mỹ và Triều Tiên đều nhận thấy, Việt Nam phát triển quan hệ với tất cả các nước, đều là bạn.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình từng là Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 1973-1977, ông là cán bộ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Triều Tiên.
Trước thềm cuộc gặp Mỹ - Triều Tiền tại Hà Nội, ông có cuộc trò chuyện.
Ông Nguyễn Phú Bình |
Về lý do Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, ông Nguyễn Phú Bình nói:
Có 3 lý do. Thứ nhất, đây là mẫu số chung của 2 nước, chắc chắn cả 2 bên đều thoả thuận, lựa chọn này không phải của một bên.
Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai nước.
Với Mỹ là quan hệ đối tác toàn diện. Quan hệ giữa ta với Triều Tiên là quan hệ truyền thống. Một trong những biểu tượng đó là mấy trăm sinh viên Việt Nam được đào tạo ở Triều Tiên và trở thành những người có vị trí trong các lĩnh vực khác nhau như ngoại giao, kinh tế, lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành...
Trong chiến tranh, Triều Tiên giúp ta thực phẩm, thuốc men, phân bón, sắt thép. Sau này bạn khó khăn thì ta hỗ trợ lại.
Thứ hai, lịch sử Việt Nam rất đặc biệt, là nước bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo lạc hậu, giờ chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới hội nhập quốc tế, có nền kinh tế phát triển, xã hội thay đổi rất nhiều.
Vị thế quốc tế ngày một nâng cao. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước, tham gia hầu hết tổ chức cũng như diễn đàn đa phương…
Chúng ta tổ chức nhiều sự kiện quốc tế, đón nhiều nguyên thủ quốc gia. APEC 2017 là điển hình. Cả 2 nước Mỹ và Triều Tiên đều nhận thấy, Việt Nam phát triển quan hệ với tất cả các nước, đều là bạn, chúng ta không thù địch với ai cả.
Tôi cho rằng, Mỹ cũng có hàm ý. Quan hệ Mỹ - Triều từng rất căng thẳng, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Với Việt Nam, Mỹ từng có chiến tranh gây tổn thất cho cả 2 bên rất nhiều. Nhưng đến bây giờ hai bên đã bình thường hoá, trở thành đối tác toàn diện.
Triều Tiên cũng thế. Họ quan tâm mô hình phát triển của Việt Nam. Tôi nghĩ mô hình, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam thu hút được sự quan tâm của cả 2 bên.
Lý do thứ ba là địa điểm. Việt Nam không xa Triều Tiên. Singapore họ đến được thì Việt Nam lại càng thuận lợi. Ở đây có cả Đại sứ quán Mỹ và Triều Tiên. Hai bên đều an tâm về hậu cần, an ninh.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Các bên trông đợi gì vào cuộc gặp thượng đỉnh này, thưa ông ?
Tôi nghĩ hội nghị thượng đỉnh lần 1 rất quan trọng. Hai bên từng đối đầu, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần 1 dẫn đến những nguyên tắc lớn điều phối quan hệ Mỹ - Triều, vẽ ra viễn cảnh giữa 2 nước không còn thù địch, có quan hệ bình thường, từ đó thiết lập cơ chế hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.
Quan hệ Mỹ - Triều mở ra chương mới. Tổng thống Mỹ sẵn sàng bay nửa vòng trái đất để gặp lãnh đạo Triều Tiên.
Từ cuộc gặp lần 1, hai bên đều thể hiện sự kiềm chế. Triều Tiên không thử hạt nhân, Mỹ thôi không tập trận quy mô lớn. Hai bên bớt phê phán nhau.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: The Australian |
Quan hệ liên Triều rất nhộn nhịp. Hai nước khảo sát việc nối lại hệ thống đường sắt hay cơ sở kinh tế liên doanh…
Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc đã thăm Bình Nhưỡng, còn Chủ tịch Triều Tiên thì bước qua ranh giới sang lãnh thổ Hàn Quốc ở khu phi quân sự. Có thể thấy không khí hợp tác, thiện chí, hòa bình từ sau cuộc gặp đến nay vẫn duy trì.
Như vậy, quan hệ Mỹ - Triều đã khác và tình hình bán đảo Triều Tiên không còn căng thẳng, báo hiệu bắt đầu một giai đoạn mới.
Một điểm nóng từ bao nhiêu năm nay mà nguội đi thì tất nhiên tác động đến xung quanh.
Chắc chắn phải tiến triển hơn thì hai nước mới tổ chức cuộc gặp lần thứ 2. Đặc phái viên hai nước gặp nhau nhiều lần. Phía Triều Tiên mong muốn có đột phá, phía Mỹ hy vọng sẽ có cú hích quan trọng.
Điều mà Triều Tiên vẫn mong muốn là bình thường hóa quan hệ bằng một hiệp ước hòa bình. Tôi không nghĩ hiệp ước này hiện thực ngay được vì liên quan đến nhiều bên. Tuy nhiên có khả năng có một tuyên bố thể hiện chiến tranh đã qua, cùng hướng tới hòa bình. Hai bên có thể bước đầu trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức.
Có đột phá lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào lợi ích của mỗi bên. Nhưng tôi tin chắc chắn sẽ có bước tiến triển tốt dù dài hay ngắn.
Theo Vietnamnet