Các CLB thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền và tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, tình bạn, tình yêu...
Các thành viên CLB tiền hôn nhân lớp 9A, Trường THCS Mạc Thị Bưởi
trao đổi kiến thức về giới tính, tâm sinh lý...
Có mặt tại lớp 9A, Trường THCS Mạc Thị Bưởi, xã Nam Tân (Nam Sách) vào giờ ra chơi, chúng tôi bắt gặp một nhóm học sinh nữ bàn luận về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản khá sôi nổi. Em Trần Thị Huyền, lớp trưởng cho biết: “Từ khi thành lập câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân, các bạn trong lớp đã thẳng thắn đưa các thắc mắc về giới tính, tâm sinh lý, phòng, chống HIV… để trao đổi trong các buổi sinh hoạt. CLB hoạt động đều đặn hằng tháng, ngoài ra các bạn gái thường xuyên trao đổi theo nhóm. Ngoài các tài liệu được cấp, nhiều bạn tìm hiểu qua sách, báo, mạng in-tơ-nét. Ban đầu, nhiều bạn còn e ngại khi đề cập đến những vấn đề này nhưng đến nay các bạn đã cởi mở hơn”. Em Huyền cũng tự tin cho biết, đa số các bạn trong lớp nắm rõ các kiến thức cần thiết về giới tính cũng như những thay đổi về tâm sinh lý trong độ tuổi này.
Nam Sách là một trong những huyện đầu tiên triển khai mô hình khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân từ năm 2008. Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình được nhân rộng ở 5 xã gồm: An Lâm, Nam Tân, Đồng Lạc, Thanh Quang, Thái Tân. Trong đó, xã Nam Tân triển khai mô hình từ năm 2009. Xã đã thành lập được 6 CLB, gồm 2 CLB ở lớp 9A, 9B Trường THCS Mạc Thị Bưởi, 4 CLB ở các thôn, với tổng số 169 thành viên. Chị Trần Thị Thái, cán bộ dân số xã Nam Tân cho biết: “Ban quản lý mô hình của xã đã lựa chọn các thành viên nòng cốt của các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để tham gia Ban chủ nhiệm các CLB thôn. Tại trường học, các cô giáo chủ nhiệm là chủ nhiệm CLB, các lớp trưởng, tổ trưởng là thành viên nòng cốt trong ban chủ nhiệm”. Tại các thôn, hình thức hoạt động của mô hình cũng đa dạng và cuốn hút hơn. Em Mạc Văn Cường, Phó Chủ nhiệm CLB thôn Long Động cho biết: “CLB tập hợp được 30 thành viên gồm học sinh trong thôn và các sinh viên học xa nhà, công nhân… Do đặc thù về công việc và điều kiện học tập nên CLB thường sinh hoạt vào cuối tuần. Nhiều thành viên còn tích cực tìm hiểu tài liệu để viết bài tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã. Những thành viên chuẩn bị kết hôn đều được ban chủ nhiệm tư vấn trực tiếp về các kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, chống HIV/AIDS... giúp các bạn tự tin hơn. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia các CLB còn được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí từ 1 - 2 lần/năm". Theo những người làm công tác dân số tại đây thì từ khi triển khai mô hình, trên địa bàn xã không có nạn nghiện hút, mại dâm hay quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Nam Sách, khi triển khai mô hình, mỗi xã thành lập Ban quản lý mô hình, gồm 15 người có sự tham gia của Chủ tịch UBND xã, cán bộ chuyên trách dân số, trưởng thôn, ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên. Mỗi xã thành lập các CLB tiền hôn nhân trong nhà trường và CLB tại các thôn. Đến nay, các xã đã thành lập được 30 CLB với hơn 800 thành viên. Để hoạt động có hiệu quả, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã tổ chức tập huấn cho các thành viên của Ban chủ nhiệm CLB, các cộng tác viên dân số, y tế thôn, đội. Nội dung tập huấn tập trung vào phương pháp tổ chức và hoạt động của các CLB, sự cần thiết phải tuyên truyền và tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, phòng chống HIV/AIDS, tình bạn, tình yêu, sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên, phòng, chống ma túy học đường.
Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với Đài Phát thanh huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hằng tháng mở chuyên mục dân số, phát các tin, bài về mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Các đài truyền thanh xã tiếp âm các chương trình của Đài Phát thanh huyện. Bên cạnh đó, các xã trang bị bàn, ghế, tủ đựng tài liệu, làm pa- nô vải, xây dựng góc truyền thông tại nhà trường và trạm y tế. Đây là nơi tự tìm hiểu nâng cao kiến thức cho các thành viên CLB. Ngoài ra, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, tạm y tế các xã thành lập đoàn khám sức khỏe và tư vấn cho các thành viên CLB. Mỗi năm, các đoàn tổ chức khám 1- 2 đợt cho tất cả các thành viên. Qua đó, kịp thời phát hiện các bệnh về mắt, nha học đường…
Tuy nhiên, việc triển khai mô hình tại huyện Nam Sách còn gặp một số khó khăn như kinh phí tổ chức các đợt khám còn hạn hẹp; khó thu hút lực lượng thanh niên công nhân tham gia sinh hoạt. Thời gian tới, huyện Nam Sách tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người vị thành niên, thanh niên và các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về hoạt động của mô hình. Các CLB tiếp tục duy trì sinh hoạt dưới nhiều hình thức, có cấp phát tờ rơi để củng cố và nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, phòng, chống HIV/AIDS cho thành viên. Các trạm y tế và góc truyền thông sẽ tiến tới là địa chỉ tin cậy của trẻ vị thành niên, thanh niên đến tìm hiểu kiến thức.
MINH HẠNH