Mộ cổ đất Đường An

28/08/2012 15:08

Là cái nôi của các giá trị di sản văn hóa, đất Đường An xưa hiện còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hệ thống các lăng mộ cổ.



Ngôi mộ của thành hoàng làng Mộ Trạch Vũ Hồn là ngôi mộ cổ nhất ở Bình Giang hiện nay


Theo “Dư địa chí Hải Dương”, huyện Bình Giang ra đời từ thế kỷ thứ IX (841-847), khi đó có tên là Đường An; thời Trần thuộc Hồng Lộ. Năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), kiêng tên húy của vua đổi thành Năng An. Khi bỏ cấp phủ lấy tên là Bình Giang. Như vậy, Bình Giang bây giờ là vùng đất cổ hình thành khá sớm trong lịch sử nước Nam. Cùng với quá trình hình thành và phát triển hàng nghìn năm ấy, Đường An trở thành mảnh đất văn hiến, văn vật đã được lưu danh trong sử sách.

Là cái nôi của các giá trị di sản văn hóa, đất Đường An xưa hiện còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc độc đáo, trong đó có hệ thống các lăng mộ cổ. Mỗi lăng mộ cổ là một chứng tích gắn với cuộc đời các nhân vật lịch sử, khoa bảng, sự hình thành các vùng đất…

Hiện tại, làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) còn lưu giữ được nhiều chứng tích quý về khoa cử thời phong kiến. Trong đó, tiêu biểu nhất là 4 ngôi mộ cổ của Trạng toán Vũ Hữu (1443 - 1530), Trạng vật Vũ Phong (em ruột của Vũ Hữu), tiến sĩ Vũ Duy Đoán (1621-?) - đại thần nhà Lê trung hưng và tiến sĩ Vũ Huy Tấn (1749-1800). Các ngôi mộ đều có niên đại trên 200 năm và được các chi họ Vũ trông nom, thờ cúng. 


Đặc biệt ở đây còn có một ngôi mộ cổ Thuỷ tổ, Thần tổ, Thành hoàng làng Vũ Hồn, người lập ra làng Mộ Trạch. Theo gia phả họ Vũ và ngọc phả đình làng Mộ Trạch, Vũ Hồn, sinh năm Giáp Thân (804), cha là người Trung Quốc, mẹ là người Việt. Thi cử đỗ đạt, năm 825 (Ất Tỵ), Vũ Hồn được cử sang An Nam làm Thứ sử Giao Châu. Năm 843, ông từ quan đưa mẹ về định cư tại Đường An, kêu gọi dân cư về ở, giúp đỡ tiền bạc cho họ xây nhà, lập nên Khả Mộ trang (tức Mộ Trạch). Tại đây ông mở trường dạy học cho dân làng. Năm 853, khi đang ngồi dạy học, ông không bệnh gì mà hóa. Nhân dân rước ông lên một gò đất nhỏ trong cánh đồng phía tây bắc trang để an táng. Bỗng nhiên, trời đất tối sầm, mây mù vây kín. Lúc trời quang mây tạnh thì đã thấy kiến, mối đùn lấp thành một ngôi mộ lớn. Nhân dân và gia thần báo lên vua, được sắc phong là Phúc Thần, Thành hoàng làng, chuẩn cho Khả Mộ phụng thờ, đặt gò đất là Mả Thần. Nay khu gò đất táng di hài ông và cánh đồng vẫn có tên là Mả Thần. Mả Thần được tôn tạo và tu bổ vào năm 1993, nay gọi là Thần Lăng. Tại Mả Thần chỉ có một ngôi mộ của ngài, dân không ai dám táng thân nhân vào đấy để tỏ lòng tôn kính. Sau khi cụ bà mất, con cháu đưa vào táng liền kế bên, gọi là mộ song táng. Xét công lao to lớn của ông cùng con cháu, các triều đại phong kiến Việt Nam đã lần lượt gia phong 12 đạo sắc.

Hiện ngôi mộ song táng của Thuỷ tổ Vũ Hồn nằm sát Trường THCS Tân Hồng. Khuôn viên mộ đã được quy hoạch gọn gàng. Phần mộ là toàn bộ gò đất được quây xung quanh bằng đá. Một số tài liệu còn cho rằng chính Vũ Hồn là người đã đặt tên cho huyện Đường An. Ngôi mộ của Vũ Hồn là ngôi mộ cổ nhất ở Bình Giang còn giữ được đến nay.


Ở Bình Giang còn có một ngôi mộ cổ nổi tiếng của bà Nguyễn Thị Húy Mỹ, thiếp của chúa Trịnh Cương, cầm quyền năm 1709-1729. Bà cũng được coi là bà tổ của nghệ thuật hát trống quân ở làng Tào Khê, xã Thúc Kháng. Ngôi mộ của bà khá đơn sơ, được xây bằng gạch cổ, dài 2 m, rộng 80 cm, cao chừng 60 cm. Qua thời gian, gia đình, dòng họ đã tu bổ thêm phần trên của mộ. Hiện mộ được gia đình ông Nguyễn Danh Ngôn, trưởng họ trông nom, hương khói. Gia phả dòng họ Nguyễn Danh chép: "Vào thời vua Lê - chúa Trịnh giáp Tào có bà Nguyễn Thị Húy Mỹ là con gái Quỳnh thọ hầu Nguyễn Danh Quán. Người không đẹp nhưng có duyên, giọng hát mê hồn. Chúa Trịnh Cương mê tiếng hát của bà, cưới làm thiếp, phong làm Thiên từ tôn linh, quản thị nội hầu, chuyên dạy cung nữ múa hát. Một số học trò của bà quê ở giáp Tào đã truyền nghề về quê hương. Bà mất năm gần 40 tuổi, thi hài được đưa về an táng tại làng Tào Khê quê nhà. Con cháu họ Nguyễn Danh lập miếu thờ và trông nom phần mộ cho đến tận bây giờ". Bởi là đất tổ nghề nên các gánh hát phủ Thượng Hồng trước khi đi lưu diễn đều mang lễ vật đến nhà thờ tộc Nguyễn Danh khấn cầu, mong bà phù hộ rồi mới đi diễn.


Một ngôi mộ cổ khác cũng đã được ghi danh vào di sản của huyện đó là ngôi mộ ở cánh đồng thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền. Theo nhân dân địa phương, đây là mộ của một vị quan thái giám người địa phương vào khoảng thời Nguyễn. Trong các ngôi mộ cổ ở Bình Giang thì đây là ngôi mộ không xây và giữ được nguyên dáng vẻ đến thời điểm hiện tại.


Bà Phạm Thị Vinh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Giang cho biết: "Tổng hợp số liệu kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Bình Giang năm 2009, toàn huyện có 353 di tích. Trong đó, có 30 di sản là lăng mộ cổ, nhiều nhất tỉnh. Trong đó đa phần là mộ của các bậc danh nho, quan lại. Làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng có 4 mộ tiến sĩ; làng Đan Loan, xã Nhân Quyền có 2 ngôi; làng Tào Khê và Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, mỗi làng có 2 ngôi. Đó là chưa kể một số mộ cổ khi huyện tiến hành kiểm kê, do cơ sở hoặc dòng họ không cung cấp thông tin nên chưa đưa được vào danh sách như 3 ngôi mộ tiến sĩ của dòng họ Nhữ, xã Thái Học niên đại khoảng 300 năm hay một số tháp mộ có niên đại hàng trăm năm tại các chùa Châu Khê (Thúc Kháng), chùa Cao Xá (Thái Hòa), chùa Lai (Vĩnh Tuy)…

Hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, đa phần các mộ cổ đều thuộc các di tích lịch sử hoặc được các dòng họ, gia đình trông nom hương khói. Hầu hết các ngôi mộ đã được tu sửa nên những kiến trúc nguyên sơ không còn hoặc còn rất ít. Đây cũng là một mất mát đối với loại hình di sản này. Với số lượng di sản phong phú, đặc biệt là di sản mộ cổ, để bảo tồn là một thách thức không nhỏ. Với những di sản cần tôn tạo, nên nghiên cứu để phục dựng lại hình dáng nguyên gốc. Ngoài ra cần tiếp tục rà soát để bổ sung những di sản mộ cổ chưa được thống kê vào danh sách bảo vệ, tránh việc bị xâm phạm hay hư hỏng một cách đáng tiếc.


Trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, từ năm 1075-1919, tuyển chọn được 2.898 tiến sĩ thì trấn Hải Dương có 637 vị. Trong đó riêng huyện Bình Giang có 104 tiến sĩ. Nổi tiếng là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, còn được gọi là “Lò tiến sĩ xứ Đông" có 36 vị  đỗ tiến sĩ (có tài liệu cho là 39 vị). Không chỉ nổi tiếng là cái nôi tiến sĩ xứ Đông, Đường An còn là nơi đặt Văn miếu trấn Hải Dương.

Theo lịch sử, Văn  miếu Mao Điền nguyên là Văn miếu trấn Hải Dương xưa được khởi dựng vào thời Lê sơ (khoảng thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang). Cùng với Văn miếu Đường An, khi đó tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng được xây dựng Trường thi Hương của trấn Hải Dương. Đầu thế kỷ XVI, do Thăng Long bất ổn, nhà Mạc đã tổ chức 4 khoa thi tại Trường thi Mao Điền, trong đó có khoa thi Ất Mùi (1535), Nguyễn Bỉnh Khiêm người trấn Hải Dương đứng đầu cả ba kỳ, được phong Trạng nguyên. Đến thời Tây Sơn (1788-1802), để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn miếu trấn Hải Dương được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với Trường thi Hương. Hiện ở thôn Vạc, xã Thái Học còn nhà bia, lưu giữ tấm văn bia nói về Văn miếu trấn Hải Dương.


NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mộ cổ đất Đường An