Cú đá phạt cho Công Vinh đánh đầu tung lưới Thái Lan ở AFF Cup 2008 chỉ là một trong nhiều mốc son chói lọi mà Minh Phương có được trong sự nghiệp.
Nguyễn Minh Phương không đi bóng dị như Nguyễn Hồng Sơn, không có tốc độ ấn tượng và sự tinh quái của Nguyễn Quang Hải hay chất máu lửa của Nguyễn Minh Châu.
Dù vậy, cựu tiền vệ Đồng Tâm Long An vẫn khắc tên vào bảng vàng những tiền vệ hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam nhờ nhiều phẩm chất đặc biệt. Đó là tư duy hiện đại cùng bộ não chiến thuật cấp tiến.
Minh Phương được xem là cầu thủ mẫu mực bậc nhất tuyển Việt Nam ngày còn thi đấu |
Người châm ngòi giây phút lịch sử
Ngày 28.122008 đánh dấu thời khắc thay đổi bóng đá Việt Nam với chức vô địch AFF Cup đầu tiên. Khác với danh hiệu năm 2018, để lần đầu đứng trên đỉnh cao khu vực, tuyển Việt Nam đã trải qua 92 phút tra tấn trước sức ép nghẹt thở của Thái Lan.
Phút 93, đội bóng của HLV Henrique Calisto được hưởng quả phạt. Bóng cuộn từ chân Minh Phương, chạm vào đầu Công Vinh rồi đi vào lưới trước sự bàng hoàng của người Thái.
“Đó là phút cuối, mình chỉ muốn đá để bóng chạm vào cầu thủ mình, hoặc chạm vào đối phương vào gôn thôi”, Minh Phương chia sẻ với Zing. “Nếu bước vào hiệp phụ, đường vô địch khó hơn bởi cầu thủ đã dồn hết sức vào hai trận mà không có kết quả như mong muốn. Trận lượt về, chúng ta thua sớm quá, một số cầu thủ gặp áp lực, nên chỉ biết cố gắng”.
Pha kiến tạo đó đã không xuất hiện nếu HLV Calisto bảo thủ trong cách dùng người. Thi đấu trọn vẹn 3 trận đầu giải, song Minh Phương bất ngờ nằm ngoài kế hoạch của ông Calisto từ vòng bán kết. “Trước trận bán kết gặp Singapore, ông ‘Tô’ gọi tôi và Thành Lương lại, giải thích là đối thủ ưa dùng sức mạnh, có nhiều cầu thủ nhập tịch nên cất cả hai người trên ghế dự bị để gia tăng chất thép cho hàng tiền vệ. Ở cả hai trận gặp Singapore, đội hình đều đá trơn tru nên ông dùng luôn cho trận chung kết”, Minh Phương nhớ lại.
Toàn đội đã vượt qua 180 phút khó khăn trước Singapore và bắn hạ người Thái ở Rajamangala nhờ sự bền gan, nhưng trước thời khắc sinh tử ở Mỹ Đình, HLV Calisto cần cái đầu của Minh Phương. Cái đầu không chỉ để chạm bóng, mà còn để phân tích, tư duy.
“Pha kiến tạo đó rất bình thường với Minh Phương, vì anh Phương là chuyên gia đá phạt. Ở đội tuyển, chúng tôi tập thường xuyên những tình huống này. Thường thì Minh Phương sẽ đá cuốn về phía cột sau và anh em lao vào đánh đầu thì dễ có bàn thắng hơn. Cuối cùng, anh Phương đá cột gần để Công Vinh ghi bàn”, Huỳnh Quang Thanh khẳng định.
Các đồng đội ăn mừng với Minh Phương trong chức vô địch AFF Cup 2008. Ảnh: Hoàng Khánh |
Thủ quân tài đức vẹn toàn
Xuất phát điểm của Minh Phương ở Cảng Sài Gòn không phải là tiền vệ trung tâm. “Năm 18 tuổi, vị trí tiền vệ giữa ở Cảng Sài Gòn toàn các cầu thủ nổi tiếng như Hồ Văn Lợi, Võ Hoàng Bửu, Trần Quan Huy. Tôi còn trẻ nên khó cáng đáng, cạnh tranh. Các thầy Tam Lang và Đặng Trần Chỉnh thấy tôi có kỹ thuật, lại trẻ khỏe nên để đá hậu vệ biên. Vị trí đó theo tôi đến khi lên tuyển quốc gia”, Minh Phương khẳng định.
Ngày ấy, Cảng Sài Gòn là đội bóng kỹ thuật và sáng tạo bậc nhất V.League. Được rèn giũa trong môi trường cởi mở và giàu tính chiến thuật ấy, Minh Phương đã tiến bộ trông thấy. Theo ông Dương Vũ Lâm, cựu trưởng đoàn tuyển Việt Nam, chính lối chơi ban ngắn nhuần nhuyễn của Cảng Sài Gòn khi ấy đã tôi luyện phẩm chất chiến thuật cùng sự tinh quái, thông minh cho Minh Phương.
Tiger Cup 2002 đánh dấu bước chuyển mình của cầu thủ gốc Bình Phước với bàn thắng vào lưới Malaysia sau đường chuyền của Lê Huỳnh Đức. Không lâu sau, ông bầu Võ Quốc Thắng đưa Minh Phương về Đồng Tâm Long An với mức phí 400 triệu đồng. Kể từ đây, Minh Phương được HLV Calisto xếp đá tiền vệ trung tâm bên cạnh Phan Văn Tài Em. Họ tỏa sáng rực rỡ, giúp Long An đoạt 4 danh hiệu.
Minh Phương không thuộc mẫu quái kiệt ở phương diện rê dắt, tốc độ, thể lực cũng vừa phải. Yếu tố giúp cầu thủ sinh năm 1980 thành danh ở vị trí kén người chơi bậc nhất khi ấy, chính là nhãn quan siêu hạng cùng lối chơi thông minh.
“Cậu ấy là dạng cầu thủ mà các HLV rất thích. Cậu ấy năng nổ, tích cực, toàn diện. Có thể tốc độ không cao, song Minh Phương có giác quan, khả năng thực hiện những quả chuyền ấn tượng”, HLV Mai Đức Chung khẳng định. Minh Phương không cần tranh chấp, vì khi đối thủ ập đến, quả bóng đã rời chân anh để đến chân một đồng đội khác.
“Minh Phương rất thông minh, lối đá giàu kỹ thuật và giỏi ở những quả phạt trực tiếp, nhất là những pha cứa vào từ cánh trái. Pha kiến tạo cho Công Vinh ghi bàn năm 2008 là tổng hòa những gì tinh túy nhất mà Phương có”, ông Dương Vũ Lâm thích thú khi nói về Minh Phương. Còn với Huỳnh Quang Thanh thì “Minh Phương dễ dàng điều khiển trái bóng theo ý mình nhờ giác quan, kỹ thuật cực kỳ tốt”.
Giữa nhiều tiền vệ ưa chuộng lối đá “chém đinh chặt sắt” ở V.League, phong thái ung dung cùng cái vẩy chân mềm mại của Minh Phương là sự khác biệt. Tính nghệ thuật và đôi chút bất cần trong lối chơi đôi khi tạo cảm giác Minh Phương không thi đấu quyết liệt. Song với cựu cầu thủ của Cảng Sài Gòn, quan trọng là phải nắm được bước đi của đối thủ.
“Bóng đá luôn có sự tính toán trong đó. Trước khi thi đấu, tôi luôn nhìn nhận, đánh giá đối phương, suy nghĩ và đọc trước tình huống. Phải hiểu đối phương mới có cách khắc chế họ bằng điểm mạnh, qua đó có cơ hội giành chiến thắng”, Minh Phương phân tích.
Không chỉ là tiền vệ kiểu mới, Minh Phương còn là thủ quân hiếm hoi không thuộc mẫu “rắn mặt” như Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức hay Vũ Như Thành trước đó. Ngược lại, Minh Phương rất hiền, nhưng lối sống chuẩn mực và sự chuyên nghiệp đã giúp anh được lòng đồng đội.
“Minh Phương chăm tập, tự giác, không phải nhắc nhở. Cậu ấy làm đội trưởng nhờ tư cách đạo đức tốt, chuyên nghiệp và rất ‘gắt’, luôn đôn đốc, nhắc nhở anh em tập luyện và thi đấu, là tấm gương cho cầu thủ sau này học tập”, HLV Mai Đức Chung khẳng định về học trò trong giai đoạn làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl.
Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh của Hòa Phát Hà Nội cũng miêu tả Minh Phương “xuất phát điểm tốt, tính cách tuyệt vời, chín chắn, hiền lành, chất phác, thân thiện và trách nhiệm”. Những phẩm chất có lẽ bình thường với nhiều tuyển thủ hôm nay, nhưng nhìn lại bóng đá Việt Nam giai đoạn mới chuyển đổi lên chuyên nghiệp đầy nhạy cảm, để giữ được cái đức là chuyện không đơn giản.
“Lứa của Minh Phương kẹp giữa hai lứa đáng chú ý, trước có Huỳnh Đức, Hồng Sơn chập chững lên chuyên, sau có lứa Văn Quyến dính vào bán độ. Đó là thời điểm bóng đá Việt Nam chuyển đổi, có nhiều vấn đề xảy ra nhưng Minh Phương thì tuyệt đối không dính dáng. Cậu ấy đi lên từ khó khăn nên nghị lực, quý trọng đồng tiền mình làm ra và cực kỳ chuyên nghiệp”, ông Dương Vũ Lâm chia sẻ với Zing.
Minh Phương đầy nỗ lực nhưng chưa đạt được thành công trong nghiệp cầm quân. Ảnh: Bình An |
Nghiệp huấn luyện và vạn sự khởi đầu nan
18 năm chơi bóng của Minh Phương khép lại vào năm 2015 trong màu áo SHB Đà Nẵng. Đến giai đoạn cuối sự nghiệp, anh
vẫn bén duyên với danh hiệu, đỉnh cao là chức vô địch V.League 2012 mà anh cùng Phan Thanh Hưng và Nguyễn Rogerio tạo thành hàng tiền vệ ấn tượng bậc nhất giải.
Dù vậy, Minh Phương khởi đầu không suôn sẻ khi bước vào nghiệp huấn luyện. Năm 2017, anh tiếp quản Long An khi đội bóng này vừa mất HLV trưởng và cầu thủ do sự cố đáng xấu hổ. Rất nỗ lực, nhưng Minh Phương không cứu nổi “tàu đắm”. Long An xuống hạng với 2 chiến thắng sau 26 vòng, đứng cuối bảng từ vòng 6 đến hết giải.
Minh Phương có mùa cầm quân trọn vẹn đầu tiên vào năm 2018 khi thay Huỳnh Đức nắm đội bóng cũ Đà Nẵng. Uy tín sau 6 năm khoác áo đội bóng sông Hàn không giúp anh có được thành công. Sau 26 vòng, SHB Đà Nẵng có 31 điểm, xếp thứ 10 và chỉ chính thức trụ hạng trong vài vòng cuối. Minh Phương phải nhường ghế lại cho Huỳnh Đức.
Từ cầu thủ giỏi trở thành HLV giỏi là chặng đường gian nan. Không phải ngẫu nhiên mà chưa danh thủ nào trong lứa 2008 thành công trên băng ghế huấn luyện. Là siêu sao ngày còn chơi bóng, họ giờ chỉ là người “học việc” ở nghiệp cầm quân. Tài năng, sự nhiệt huyết và quyết tâm chưa giúp họ làm nên chuyện ở một vị trí cao hơn, áp lực và đòi hỏi nhiều điều phức tạp hơn ngày còn thi đấu. Trụ vững giữa áp lực thành tích từ ban lãnh đạo và tập thể với tính chuyên nghiệp chưa cao ở các CLB Việt Nam là chuyện không đơn giản.
“Một số tiền vệ nổi tiếng thành công trong nghiệp huấn luyện, nhưng phải tùy xem con người họ có thế nào, cách chơi ra sao. Tôi có tiếp thu, học được nhiều ở các HLV nước ngoài và cả các đàn anh trong nước về phương pháp huấn luyện. Họ cho mình nhiều kinh nghiệm. Kinh qua 3 CLB, tôi cũng tích lũy được nhiều, từ vấn đề thành tích trong huấn luyện bóng đá đến những tính toán. Đó cũng là bước đường cho mình cố gắng hơn nữa, chứ mình không nghĩ phải trở thành HLV giỏi hay thế nào”, Minh Phương chia sẻ.
Gác lại nỗi buồn V.League, Minh Phương đang chuyên tâm công việc GĐKT ở CLB Bình Phước. Đội bóng này thi đấu khá tốt ở hạng Nhất mùa trước với vị trí thứ ba, cạnh tranh thăng hạng với Phố Hiến dẫu tiềm lực hạn chế và có giai đoạn cầu thủ phải tự bỏ tiền túi ra trả phí điện, nước. Giấc mơ của tiền vệ tài hoa ngày nào là xây dựng bóng đá Bình Phước để hướng tới những mục tiêu xa hơn.
Học xong bằng HLV AFC Pro và là một trong năm HLV hiếm hoi ở Việt Nam có chứng chỉ này, Minh Phương cũng để ngỏ khả năng dẫn dắt CLB lớn hơn trong tương lai. “HLV chuyên nghiệp nào cũng muốn được dẫn dắt CLB lớn và mạnh để thử thách bản thân mình”, anh khẳng định.
Hãy tin rằng, Minh Phương sẽ không từ bỏ, hệt như ngày đầu chập chững đá bóng phong trào đến khi trở thành một trong những tiền vệ hay nhất bóng đá Việt.
Minh Phương nên làm bóng đá trẻ trước Theo ông Dương Vũ Lâm, cựu trưởng đoàn tuyển Việt Nam, Minh Phương nên làm bóng đá trẻ trước để rèn kỹ năng sư phạm, trước khi có ý định huấn luyện đỉnh cao. “Minh Phương khi là cầu thủ thì ổn, nhưng huấn luyện thì vất vả hơn. Kiến thức và điều kiện chưa cho phép cậu ấy làm tốt ở lĩnh vực khác hẳn. Ở các nước phát triển, các cựu cầu thủ đều làm bóng đá trẻ trước. Làm bóng đá trẻ hay ở chỗ phải nhẫn nại ở công tác sư phạm, còn nhào ra làm bóng đá chuyên nghiệp ngay, có vài trường hợp thành công, còn lại thường là thất bại. Họ cần trải qua quá trình này. Công tác sư phạm, tâm lý rất quan trọng. Cầu thủ trẻ cũng như tờ giấy trắng vậy. Anh phải làm sao để truyền đạt bằng cái tâm và sự nhẫn nại thì mới đào tạo trẻ được. Mình sẽ rèn được cách thị phạm và sự kiên nhẫn. Đó là thứ Minh Phương phải học hỏi nhiều”, ông Lâm chia sẻ. |
Theo Zing