Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân xã Minh Hoà (Kinh Môn) đã chuyển hướng sang đầu tư nuôi ba ba gai cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Vũ Văn Yên (người ngồi) kiểm tra đàn ba ba gai tại ao nuôi của gia đình
Xã Minh Hoà có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất thị xã Kinh Môn với hơn 63,5 ha được quy vùng tập trung tại khu vực Bãi Giá và Bãi Thoi. Khoảng 13 năm trước, nghề nuôi ba ba đã được người dân trong xã phát triển, nhưng lúc đó là giống ba ba trơn và diện tích nuôi không nhiều. Qua thời gian nuôi, nhận thấy giống ba ba trơn có nhược điểm là lâu lớn, ít thịt hiệu quả không cao, người dân đã chuyển hướng sang nuôi ba ba gai.
Anh Vũ Văn Yên ở thôn Ngoại là người đầu tiên đưa giống ba ba gai vào nuôi ở xã Minh Hoà. Anh Yên cho biết việc đầu tư xây dựng ao, kỹ thuật, thời gian và chi phí nuôi ba ba gai tương đương với ba ba trơn nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều nên gia đình anh đã chuyển hướng, đầu tư hơn 30 triệu đồng nhập con giống, cải tạo 2 ao. "Sau nhiều năm vừa học tập kiến thức từ nhiều nơi vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn, tôi thấy nuôi ba ba gai cần lượng bùn phù hợp dưới đáy ao để ba ba cư trú, thức ăn là các loại cá, ốc, giun, tôm tép phải tươi để tránh gây ô nhiễm nguồn nước sẽ gây bệnh cho ba ba”, anh Yên nói.
Hiện nay, trang trại của gia đình anh Yên có 8 ao nuôi ba ba gai diện tích trên 1.000 m2, với khoảng 5.000 con. Anh nhập ba ba giống từ Yên Bái, đưa vào nuôi khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch, trọng lượng từ 6-8 kg/con, con to đến 10 kg. Trung bình mỗi lứa, gia đình anh Yên xuất khoảng 2,3 tấn ba ba gai với giá 370.000 đồng/kg, thu lãi gần 700 triệu đồng.
Trước đây, gia đình ông Vũ Văn Lạng chỉ nuôi các loại cá truyền thống. Nhận thấy thị trường tiêu thụ ba ba gai thuận lợi hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn nên ông đã quy hoạch và cải tạo 3 ao rộng hơn 400 m2 để nuôi ba ba gai. Theo ông Lạng, ba ba gai có nhiều thịt, dai và giòn hơn nên rất được thị trường ưa chuộng, được các nhà hàng lớn ở Hà Nội, Hải Phòng đặt mua. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, lượng khách từ tỉnh ngoài ít hơn, các hộ nuôi ba ba ở xã Minh Hoà liên kết mở dịch vụ bán đi kèm với chế biến sẵn để cung cấp cho người dân địa phương và các huyện, thị xã, thành phố lân cận.
Hiện nay, xã Minh Hoà có khoảng 5 ha nuôi ba ba gai, tổng sản lượng đạt 75 tấn/năm, giá trị kinh tế gần 25 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với phát triển các vật nuôi khác. Đây được xác định là vật nuôi mũi nhọn của địa phương để mở rộng trong thời gian tới và lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP tiêu biểu.
THU XUÂN