Miếu thiêng

07/06/2015 08:35



Minh họa: VĂN HÀ


Tự tới lối rẽ về xóm thì trời vừa tối sẫm. Xe máy đi chậm lại, đèn pha lia phải một người như có việc đang lúng túng giữa đường. Ai như là Hiên, đúng Hiên thật, đi đâu một mình thế này? Hiên bảo tắt đèn, quay xe lại, đưa em đi rồi chúng mình nói chuyện, thật đấy không đùa đâu. Chắc có điều gì nghiêm trọng sắp xảy ra, đành phải nhất nhất theo lệnh Hiên. Hai người rẽ xuống đường bờ mương vắng giữa đồng, dừng lại. Hiên ôm chặt lấy Tự hôn tới tấp lên mặt lên cổ rồi rúc rúc vào ngực người yêu cũ.

- Cô muốn chết à?

- Em muốn chết đây... Nhớ anh. Em chờ anh mãi.

- Nguy hiểm... Thế có chuyện gì nói đi. Lên ông lên bà mà cứ như là...

- Tay Hội chồng em đang sửa lại miếu Đồng Nổi. Chính quyền không đồng ý, cả làng không mấy ai quan tâm, mình hắn làm, mình hắn chạy đôn chạy đáo. Có lúc hắn lẩm bẩm một mình cả cái làng này may có tay Tự là nhìn thấy cái lẽ hơn đời của hắn... Làm sao mà triệu thằng cha ấy từ thành phố về nhỉ... Đấy, em biết có bao giờ anh Tự thích cái miếu này đâu.

- Được để xem... Có thế thôi mà...

- Với lại...

Hiên ghì chặt lấy Tự mơn xoa hổn hển. Tự gỡ không được rồi bủn rủn đổ theo Hiên. Họ hòa nhịp với gió đồng miên man như bao dung như đùa bỡn. Gió đồng bao giờ cũng thế. Phải trả nợ gió đồng thôi, trả nợ gió đồng...

Hội và ông Hè, bố của hắn là hai kẻ chia rẽ đôi trai gái yêu nhau Tự và Hiên. Bây giờ hắn biết rõ vợ hắn vẫn thậm thụt với người ta. Căm! Nhưng không bắt được tay, chỉ ghen tuông đá thúng đụng nia. Không dám làm già, to chuyện làng xóm cười cho "bụng làm dạ chịu, còn oan nỗi gì". Vả lại hắn còn sợ Hiên lắm, còn mê Hiên lắm. Cái mông vẫn mẩy, cái lưng vẫn tròn, cái áo màu hoa lấm tấm mồ hôi, mà mồ hôi con mẹ này thơm lạ. Hiên đẻ cho hai đứa con không còm cõi như hắn, đẹp như con thần con thánh. Đã có lúc hắn nghi ngờ cái đẹp của con, nhưng nó không giống thằng thánh vật kia, ai cũng bảo Hội đổ khuôn được đấy. Và khi Hiên ôm cháu ngoại, hắn lại muốn đẻ thêm, hắn ước mình chỉ là con trẻ. Nhưng vợ hắn không yêu hắn, không yêu cái miếu Đồng Nổi như hắn. Ôi cái miếu Đồng Nổi bây giờ như một cái cớ để hắn có thứ bậc trong làng, cái cớ để hắn vênh vang. Nhưng có lẽ chỉ có cái thằng Tự làm được cái việc oái oăm là công nhận hắn. Giời ạ, sao không thể là người khác nhỉ? Thằng cha này có phải ông to bà lớn gì đâu, chỉ là kẻ có học, còn bọn khác mù cả... Và hắn nhắn Tự ra chơi ngoài miếu.

Tự thả bộ trên con đường bê tông mới. Con đường do ông chủ tịch huyện người làng kéo kinh phí về cho. Ơn ông chủ tịch lắm, trước đây chỉ là con đường trâu dẫm, kéo cái xe tang ra đồng không khéo một bánh xe xuống ruộng như chơi. Con đường này ra bãi tha ma cũng qua miếu Đồng Nổi, nhưng khi giải trình xin tiền không có chữ nào nhắc tới miếu. Tay Hội tức, rì rầm với một vài người: "Bây giờ các quan mê tín, nhưng chưa được lộc của miếu đời nào ông ấy cho tiền". Tự có nghe như nghe chuyện của nơi nào đó. Giờ Hội định giở trò gì với mình đây, cái miếu ư, xin tiền thì hắn biết mình chẳng có mà cho, còn chuyện đêm qua có con mắt nào rình không? Chỉ có sao trời và bờ mương mới biết.

Miếu Đồng Nổi đây. Miếu thờ một người có tên trong huyền thoại. Dựng giữa cánh đồng nửa mùa ngập nước. Trước ai tếu táo ví nó như nốt ruồi trên bụng. Bao năm gió gội mưa chan. Giờ nó khuất chìm trong bạt ngàn vải chín. Rêu phong, rêu bao giờ cũng tạo ra sự yên tĩnh lắng sâu, bao giờ cũng khiến người ta vì nể kiêng dè. Hai ngôi nhà song song, mái ngói trắng rêu, kề giọt gianh vào nhau như hai vành nón mê của hai cây bù nhìn ruộng đỗ. Ôi, thế mà mấy chục năm trước cha mình từng thoát chết trên mái ngói này, bà nội mình từng bị giặc Pháp giam cầm chính trong ngôi miếu đó. Lại có một mảnh cờ ngũ sắc tung bay trên cây tre cao trước cửa. Cái sân được lát gạch hồng. Bờ giếng nhỏ đã được cơi, vữa vôi còn mới. Cánh cửa bức bàn long lở khép hờ có cũng như không... Tự khẽ đẩy cửa. Một chân qua ngưỡng rồi rụt lại.

- Không phải cảnh giác thế ông anh!... Tiếng người nhừa nhựa bên trong. Cửa rộng mở - Mời ông vào xơi... nước.

Hội đang nhay nhay rồi buông chai rượu trên mảnh chiếu giữa thềm. Từ từ đóng hàng cúc áo che đi bộ ngực gầy còm, xếp hai cái chén, chỉ một góc chiếu mời Tự ngồi. Sau khi cùng nâng chén đặt chén, Hội day đôi mắt đỏ nhìn ông khách vừa lạ vừa quen:

- Tôi muốn thưa với ông tiến sĩ một việc. À, không phải cái chuyện lằng nhằng đâu. Cái miếu! - Hội giơ bàn tay chỉ vào ban thờ có pho tượng gỗ đã bong lớp thếp vàng - Chúng ta có chung duyên nợ với cái miếu này. Tôi muốn sửa chữa nâng cấp. Tôi nhờ đến ông.

- Ông cứ sửa nếu chính quyền đồng ý, tôi thì làm gì được.

- Tôi cần ông nói cho một điều: Đây là nơi bác Vinh nhà mình tập hợp đồng đội chuẩn bị phá tề, là việc đánh giặc cứu dân. Là nơi quân Pháp giam mẹ để bắt con, lịch sử lặp lại, linh thiêng lắm! Không ở đâu giống ở đây. Đận ấy người chiến sĩ cách mạng thoát vây, mẹ con anh thoát nạn... Nào mời anh chén nữa.

Chắc Hội muốn kể công bố hắn báo trước với bà nội và giấu với tây đồn. Sao hắn không thú tội đã làm nhục Hiên của ta ở đây để rồi cướp lấy.

- Việc đó cũng thường tình thời kháng chiến, ai cũng biết cả. Còn đền miếu linh thiêng thế nào tôi không nói được đâu. Thôi tôi về nhé.

- Vội thế. Rượu còn. Ta còn cần đến nhau mà!...

- Khi cần tôi sẽ đến.

Ra ngoài sân, mùi hương sực nức theo ra. Bây giờ Tự mới để ý trong miếu ngoài cửa, gốc cây, bờ giếng chỗ nào cũng cắm hương, mùi hương bớt đi cảm giác lạnh lẽo ngày xưa.

Ngày xưa, miếu Đồng Nổi hoang vắng, đêm đêm chỉ có ma về tụ bạ nấu canh lá lốt xì xụp với nhau. Bọn trẻ con sợ ma không bén mảng. Ban ngày mót lúa thả trâu đến gần cũng thấy lá lốt xanh um quanh miếu. Dây lá lốt còn leo lên khe giọt gianh. Hình như lá lốt đã che cho bố mình thoát vòng lùng sục của bọn Tây... Cây nhãn trước sân là nơi những người làm đồng rủ nhau vào tránh trú khi nắng gắt. Mấy bà chân lấm vắn quần tới bẹn, phanh cả yếm áo, nón lá quạt tung hoăng. Ông từ Hè ra điều nhắc nhở. Vâng, quan ngài thì không biết chứ ông từ càng vén cao ông càng thích. Tiếng cười rộ lên mát mẻ. Ngài thiêng lắm, không được hỗn, ngài biết mọi thứ trên đời. Có người cười to, có người im lặng, làm sao biết được tất cả những gì trong miếu.

Bà kể, mẹ kể, dân làng nhắc, chính quyền cũng ghi nhận: Vào một đêm, mọi người đã sâu giấc bỗng nghe tiếng súng nổ, chỉ một tiếng thôi, nhưng hò reo còn dáo dác chưa chịu tắt ngay. Chắc tây đồn vây bắt ai ngoài miếu. Không ai ngủ được nữa. Tảng sáng thì từ Hè lẻn vào nhà bảo: Bà và mẹ con thằng Tự trốn đi, người nó đuổi đêm qua là anh Vinh đấy. Anh Vinh khôn thật, trèo lên khe giọt gianh, đắp lá lốt, nằm im. Nó tưởng có người chạy hướng xóm bãi, đuổi theo. Anh Vinh thoát rồi nhưng bà và chị sẽ rắc rối to... Lập tức bà bắt mẹ con Tự trốn biệt, trốn thật xa... Đúng là sáng hôm ấy tây đồn đến nhà, chúng hạch hỏi: Thằng Vinh đâu? Tôi không biết. Vợ nó đâu? Đi Hải Phòng rồi. Bà phải biết thằng Vinh về miếu Đồng Nổi chứ? Thưa làm sao tôi biết được. Bọn chúng bắt bà ra ngồi ngoài miếu hai ngày. Chúng bảo: Ngày xưa vì thương mẹ bị bắt sang Tàu, Phạm Thành phải hoãn binh, sang đón mẹ, người con có hiếu đó được thờ ở đây. Nay thằng Vinh có thương mẹ nó không. Đêm đó bà nội ngồi trong miếu khấn ngài Phạm Thành, ông thánh phù hộ cho con bà đừng có mò về miếu. Do nhà giàu, có thế lực trong tổng nên bốt tây và bọn tề lại thả bà ra. Ít lâu sau bốt làng được nhổ, nhưng con bà dính đạn hy sinh. Từ đó gia đình Tự cũng như dân làng cho rằng cái miếu kia chẳng linh thiêng gì. Chẳng ai lai vãng, chỉ ông từ Hè thỉnh thoảng hương khói và rì rầm: Ngài vẫn về, việc gì ngài cũng biết.

Ngày ấy Tự và Hiên yêu nhau. Đêm trước ngày lên đường vào Nam, bên bờ mương, trăng sao yên lặng, chỉ có gió đồng nao nao thổi, hòa nhịp với gió đồng họ ôm ấp vuốt ve nhau. Đến lúc gió đồng cũng nhè nhẹ nhè nhẹ thì nhân cách người lính lại nhắc nhở anh... đừng thế, đừng thế, để dành... Tự đi biền biệt, không một dòng tin, ở nhà mẹ Hiên sốt ruột, bắt cô lấy chồng. Một trong những người không phải nhập ngũ vì sức khỏe, mải mê săn đón cô là Hội. Anh chàng gầy còm nhưng áo quần đỏm dáng. Không biết hắn học ở đâu được ít chữ nho cũng ra tuồng thông kim bác cổ. Hắn bấm bấm đốt tay tí sửu dần mão cho người này người nọ... Rồi bỗng trong làng lan truyền một câu: Chàng Tự mà lấy nàng Hiên, tuổi sung thánh bắt tong liền cho coi. Lời phán ấy đến tai mẹ Hiên, bà cuống lên đi hỏi vài ông thầy nữa họ cũng bảo tuổi ấy quả thật không hợp nhau. Thì đấy, mấy năm có tăm tích gì đâu, nói dại... không khéo!... Hiên vật vã ốm mất mấy tuần. Thôi có tội thì vái tứ phương, bà sắm xôi gà mũ ngựa rượu quý ra miếu Đồng Nổi nhờ ông từ Hè khấn cho. Từ Hè khoa chân múa tay theo nhịp chập cheng làm cho mẹ con Hiên lắc lư chao đảo. Chủ lễ cung kính rót hai chén rượu lộc, vẩy vào chút tàn hương, nghiêm cẩn đưa bà mẹ một chén, Hiên một chén: Thuốc thánh đấy uống đi! Tôi cũng uống đây. Uống cạn lộc thánh bà mẹ toát mồ hôi dựa tường ngồi thở, con thì đầu nặng mặt hoa muốn lăn ra chiếu. May thay có quý nhân nâng đỡ. Quý nhân dìu Hiên ra ngoài cho thoáng. Giữa chập chờn cơn say, Hiên thấy quý nhân cởi giúp cúc áo, cởi xu chiêng cho dễ thở. Theo phản xạ Hiên túm giữ yếu ớt rồi buông. Hiên thấy da thịt mình được mân xoa và... thích thú. Một thoáng gió lạnh làm Hiên tỉnh thức, nhận ra quý nhân đang ôm mình là thằng Hội còm. Hiểu tất cả nỗi đớn đau, giơ tay định tát thằng khốn nạn một cái lại thôi. Ít lâu sau Hội Hiên mời dân làng ăn cỗ.

Miếu Đồng Nổi chứa bi ai như thế, tay Hội lại bảo mình có chung duyên nợ, anh ta muốn gì đây? Chưa được cái bằng di tích, Hội đã tốn khối tiền cho cửa nọ cửa kia. Tự động cơi nới sang sửa, xin các "nhà hảo tâm" chẳng được bao nhiêu. Chập cheng khánh mõ thỉnh thoảng mới rủ được đôi người. Giờ đến mình, duyên thì chẳng duyên mà nợ thì có cái gì là nợ.

Nhưng hôm nay có lời mời mình lại phải ra đây. Người đón Tự không phải là Hội mà là Hiên. Hội bận một chút công việc, hắn dặn Hiên đưa anh vào thăm hậu cung để anh thấy những đổi thay của miếu, có tượng mới, có văn bằng. Anh ngần ngại rồi cũng đi theo.

- Anh ạ, thực ra Hội có cung kính gì đâu.

- Đền miếu là tín ngưỡng, là công sức của người đời phải trân trọng em ạ.

- Anh thì... Và Hiên ôm chặt Tự, ghì vai xoa ngực anh. Tự lắc đầu đẩy ra, Hiên vẫn không buông.

Bỗng cánh cửa mở toang, Hội xuất hiện.

- Đẹp nhỉ... Chốn linh thiêng! Hội nhăn nhăn nhở nhở.

Tự đứng lặng rồi nhìn như trút lửa vào mặt đối phương.

- Không có chuyện gì, không có chuyện gì! Tôi biết tự con vợ tôi cả.

Hiên thoáng thấy chồng giấu đi cái gì như máy ảnh, định xông vào, bị Tự ngăn lại, chạy vội ra ngoài ngồi khóc.

- Anh Tự ạ, không chấp đàn bà. Mời anh ngồi đây ta bàn chuyện.

- Còn chuyện gì nữa đây? Giọng Tự run run cố kìm nén sự khinh bỉ, sự ngại ngùng trước kẻ vừa bẫy mình trơ trẽn.

- Anh Tự đừng coi thường tôi, anh đọc thần tích miếu Đồng Nổi chưa nhỉ? Đọc đi!

Tự lật giở bản chữ nho dài ba trang khổ rộng, đính kèm ba trang bản dịch bằng chữ quốc ngữ nhom nhem.

- Đọc bản dịch tôi thấy nó cũng chẳng khác truyền miệng bao nhiêu.

Tự gấp lại điềm tĩnh đưa trả chủ nhân. Hội phật ý nhưng gật gù chậm rãi:

- Có thể tóm tắt như sau: Cuối thời Trần có chàng nông dân sáng dạ, khỏe mạnh tên là Phạm Thành. Một hôm gánh thóc lên kinh nộp thuế, Thành thấy hai trăm quân lính kéo cây gỗ không nổi, Thành ghé vai vác, chạy một mạch tới sân rồng, thả xuống, tiếng rung làm kinh động cung vua. Sau khi đấu thắng ba con voi một lúc, Thành được vua phong đại tướng. Đại tướng xin vua đưa quân đánh sang Tàu đòi lại vùng đất đã bị chiếm. Vua Tàu thua mãi bèn lập mưu: Đem vàng và mỹ nhân đút lót vua Việt, cho người lẻn sang bắt mẹ Thành đưa về Tàu, ép Thành hoãn binh, sang đón mẹ. Dụ dỗ Thành làm tướng cho Tàu không được, vua Tàu giết Thành, xác buộc bè ngoài cửa sông Cái thả trôi vào đất Việt. Bè trôi sông, khi vướng dừng đâu thì ở đấy dựng miếu thờ... Rành rành ra như thế mà việc xin công nhận di tích lịch sử văn hóa lại không xong, họ bảo có tới bảy mươi hai đền miếu có chung sự tích như vậy trên vùng đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình, chỉ là huyền tích mà thôi. Nhưng ở cái miếu Bè Cội này lạ lắm: Bà nội anh khấn vái là cha anh thoát nạn ngay. Tây đồn nó cũng khôn chán, bắt chước giữ mẹ gọi con như chuyện cũ. Phạm Thành là người con chí hiếu với non nước, là một anh hùng, là một dũng tướng, khí phách nhất nước Nam, xưa nay chưa có...

- Đất nước ta không thiếu anh hùng nhưng phải đúng lịch sử, phải chính xác mới thuyết phục.

- Thiếu gì huyền thoại vẫn được rước lên. Với dân gian, nhà anh là một thí dụ: Cứ dựa theo huyền thoại mà tụng niệm vẫn cứ giàu lên, cứ phất lên, tiến sĩ có cử nhân nhiều, dù hồi cải cách có bị quy nọ quy kia vẫn đàng hoàng, hỏi làng này nhà nào bì kịp... Cứ nhận đi, viết bài ngợi ca sự linh thiêng, thêm vào bớt đi, anh là tiến sĩ ngành văn hóa mà... Tôi không để anh thiệt đâu!

Thấy Hội lộ ý đồ nhờ Tự để buôn thần bán thánh anh vội lảng:

- Thôi tôi xin.

- Ấy không... Anh Tự đừng coi thường tôi, có điều này, anh đọc thần tích miếu anh không căm ghét kẻ thù dân tộc hay sao? Phải làm gì cho dân hiểu chứ.

Tự thấy gai người, đúng là họ cậy nước lớn đang muốn cướp trời cướp biển của ta, hận lắm. Điều này Tự công nhận Hội khôn, phải nể.

- Nhưng đấu tranh với họ ngoài tinh thần dân tộc còn phải có luật pháp, có sức mạnh quân đội ông ạ, ta không thể nói bừa được đâu.

- Anh bảo tôi nói bừa à? Anh nên nhớ tôi yêu vợ tôi lắm, thế mà tôi đã phải nhịn, có nói bừa đâu. Tử tế, hợp tác thì tôi im cho... Anh không làm, họ vẫn cho tôi gõ mõ, tán thẻ, sẽ rất đông người quỳ lạy...
May mà Hội không nói tuột ra: Tiền công đức, tiền khóa lễ, tiền giọt dầu...

Thấy rõ tâm địa đểu cáng của Hội, không nói gì thêm, Tự đi thẳng không chào. Xa xa dưới những tán vải sum suê ửng đỏ, trên những vạt cỏ xanh, anh thấy Hiên đang bước vội về làng.

Truyện ngắn của PHẠM RÀM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miếu thiêng