Miếu Hội Yên và câu chuyện về công chúa Thủy Tinh

20/03/2019 09:02

Miếu Hội Yên thờ Thành hoàng là công chúa Thủy Tinh, húy Triền Ngạc - con gái vua Lê Đại Hành.


Mặt trước miếu Hội Yên

Tọa lạc tại đầu thôn trên một khuôn viên cao ráo, thoáng rộng, miếu Hội Yên, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) - di tích lịch sử văn hóa được UBND tỉnh xếp hạng năm 2008 như một bằng chứng về truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của vùng đất và con người Hội Yên xưa. Miếu thờ Thành hoàng là công chúa Thủy Tinh, húy Triền Ngạc - con gái vua Lê Đại Hành.

Theo ngọc phả hiện lưu giữ tại miếu, triều Lê Đại Hành (tên húy là Hoàn), người Ai Châu, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, ở ngôi 24 năm. Bấy giờ, công chúa thứ tư là Thủy Tinh 26 tuổi, phong tư yểu điệu, xinh đẹp tuyệt trần nhưng lương duyên chưa định. Một hôm, công chúa xin phép cha đi nhàn du sơn thủy, vua bằng lòng và ban cho kim ngân 500 cân cùng thị nữ 20 người. Khi đến địa giới trang Hội Triều (thôn Hội Yên ngày nay) thì trời tối, công chúa cho dựng doanh cư trú quán. Lúc này, phụ lão nhân dân trong trang biết là công chúa thì đều lo sợ, hành lễ xin làm gia thần tôi con. Sáng hôm sau, thấy sứ giả phụng mang chiếu đến mời về chầu vương phụ, lập tức công chúa quay thuyền trở về kinh sư, khi đến giữa dòng sông lớn, bỗng trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội, có một dải hào quang sáng lạn từ trên trời giáng thẳng xuống và công chúa lao xuống lòng sông (ngày 20 tháng 11). Nhân dân bản trang và thị nữ hoảng sợ bèn hành biểu tâu lên vương triều. Vua nghe tin cảm động liền sai phụng sắc phong thần hiệu “Triền Ngạc công chúa”, cho phép trang Hội Triều đón mỹ tự về lập miếu thờ, lại ban thêm hoàng kim 5 hốt tu sửa đồ tế tự.

Đến thời Lê Thế Tông (Đế húy Huy Đàm), con thứ 5 của Anh Tông. Lúc này, họ Mạc phục khởi, xâm chiếm biên cương, nhà vua thân chinh đem quân đi đánh dẹp, qua vùng đất Hội Triều, công chúa Thủy Tinh đã âm phù nhà vua đánh thắng trận, được ban phong thêm mỹ tự: “Công chúa từ dụ, khoan hòa, linh ứng, hộ quốc, tế thế, khang dân, bảo ninh, hựu thiện, chính trực, đôn ngưng tôn thần” (Công chúa tôn kính, giàu lòng nhân từ, khoan dung hòa nhã, linh thiêng ứng hợp, bảo vệ nước, che chở cho thế gian, giữ cho dân khỏe mạnh, bảo vệ sự yên bình, giúp điều thiện, ngay thẳng, thật thà, đôn hậu).


Cuốn thư khắc bài thơ ca ngợi công lao, tài đức của Thủy Tinh công chúa 

Để tưởng nhớ công ơn của công chúa Thủy Tinh, miếu Hội Yên được xây dựng và trải qua thời gian đều được trùng tu, tôn tạo. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, kết cấu khung vì bằng chất liệu gỗ tứ thiết. Phần nề ngõa tường xây gạch chỉ, các bờ cánh, bờ nóc mềm mại, chắc chắn với những đường gờ chỉ kép nghệ thuật. Bờ nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Cùng với miếu, các công trình phụ trợ khác và hệ thống cây xanh cũng được xây dựng, quy hoạch tạo cho cảnh quan của khu di tích ngày một khang trang. 

Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của miếu Hội Yên luôn được chính quyền và nhân dân quan tâm. Hằng năm, cứ đến ngày 15.2 âm lịch, nhân dân địa phương lại mở hội để tưởng nhớ công đức của công chúa Thủy Tinh.

Hiện nay, tại di tích lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị, trong đó có 5 đạo sắc phong thời Nguyễn vào các năm: Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924). Ngoài ra, còn nhiều bức đại tự, câu đối, cuốn thư ca ngợi công lao, tài đức của công chúa, tiêu biểu là bức cuốn thư khắc dựng vào năm Bảo Đại thứ 17 (1942) với nội dung:

“Tích hiển tiên triều Lê Đại Hành,

Nữ trung Nghiêu Thuấn, mẫu trung anh,

Hoá thân thuyết pháp, vạn gia Phật,

Hội kiến an dân thố thái bình”

Nghĩa là:

Dấu tích hiện rõ triều trước Lê Đại Hành,

Xứng đáng là người phụ nữ thời Nghiêu - Thuấn, bậc mẫu nghi tốt đẹp trong thiên hạ.

Hoá thân giảng cho vạn nhà về phép của đạo Phật,

Giữ cho dân yên, dựng nền thái bình cho đất nước.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miếu Hội Yên và câu chuyện về công chúa Thủy Tinh