Miếu Cả, nơi thờ 5 vị thành hoàng

09/03/2012 14:17

Miếu Cả là nơi tôn thờ 5 vị thành hoàng gồm :Sĩ Nhiếp, Đoàn Tướng công, Đào Bạt Tướng công, Đặng Lật Tướng công, Vực Lao Đại thần.



Miếu Cả thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương


Di tích lịch sử văn hoá Miếu Cả là ngôi miếu chung của 3 thôn thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Đầu thế kỷ XIX, xã Thanh Hải thuộc tổng Tiền Liệt. Đây là một trong 10 tổng của huyện Thanh Hà gồm các xã An Liệt, Thừa Liệt, Vĩ Liệt, Tiền Liệt, dân gian còn gọi là: "một tổng tứ liệt". Năm 1939, Tiền Liệt sáp nhập với thôn Vĩ Liệt gọi là Tiền Vĩ, nay là một trong 3 thôn của xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.


Xã Thanh là xã có số dân đông nhất huyện Thanh Hà. Hiện toàn xã có 35 dòng họ lớn nhỏ quần cư sinh sống, đông nhất là dòng họ Nguyễn. Riêng thôn Tiền Vĩ có 17 dòng họ, trong đó các dòng họ Đào, Nguyễn, Lê, Dương, được ghi nhận là "tiên công lập ấp". Trong quá trình phát triển của lịch sử, các dòng họ chung sống đoàn kết, gắn bó góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.

Tiền Liệt xưa cũng như Thanh Hải nay là xã có truyền thống hiếu học. Theo tư liệu "Các nhà khoa bảng Việt Nam" vào thời Lê, xã có 3 tiến sĩ đều ra làm quan trong triều: Nguyễn Thiện Tích, thi hội, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Nhân Tông, làm quan Thượng thư kiêm Đô Ngự sử; Lê Văn Biểu, thi hội, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508), đời Lê Uy Mục, làm quan đến chức Hàn Lâm; Đào Bạt, thi hội, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ, xuất thân Hoàng giáp khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) đời Lê Thánh Tông, làm quan tới chức Thượng Thư. Phát huy truyền thống hiếu học đó, con em nhân dân xã Thanh Hải đã thi đua lao động, học tập. Trong những năm gần đây, Thanh Hải có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng với số lượng cao, là niềm tự hào của nhân dân trong xã.

Không chỉ giáo dục phát triển, Thanh Hải còn là xã có phong trào văn hoá nghệ thuật sôi nổi, từ xưa xã đã có truyền thống hát chèo và múa rối nước. Riêng hát chèo có từ năm 1915, do cụ Nguyễn Quang Giả làm trưởng gánh hát đầu tiên, hiện tại xã đã thành lập được đội chèo riêng. Trong các hội diễn nghệ thuật sân khấu nghiệp dư của tỉnh, đội chèo xã Thanh Hải luôn giành được giải cao. Hiện nay đội chèo vẫn được duy trì và đi biểu diễn ở các tỉnh bạn và các địa phương trong huyện. Đặc biệt trong các ngày lễ hội của địa phương, các vở chèo truyền thống đã được biểu diễn, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Du khách về thăm di tích Miếu Cả có thể xuất phát từ trung tâm thành  phố Hải Dương theo quốc lộ 5 (hướng đi Hải Phòng), đến ngã ba cầu Phú Lương rẽ phải vào đường 190 đi huyện Thanh Hà, đến ngã tư Sét tiếp tục rẽ phải vào thôn Tiền Vĩ khoảng 800m là tới di tích. 

    Miếu Cả được xây dựng tại đầu thôn Tiền Vĩ, ở vào phía Tây Bắc của xã Thanh Hải, trên một doi đất khá đẹp hình rồng. Ngôi miếu toạ lạc trên phần trán rồng, trước cửa có ao hình bán nguyệt, theo thuyết phong thuỷ đó là nơi tụ thuỷ, kết phúc của làng và cũng chính là vị trí của hàm rồng. Theo tín ngưỡng của người dân nơi đây tuy thế đất không có mình rồng nhưng các dấu vết như mắt rồng, móng rồng,.. hiện vẫn còn nằm tại khu di tích và các gia đình trong thôn. Vì thế mà cho rằng mảnh đất này có nhiều người  học giỏi, tài cao, kiên cường oanh liệt, nhưng chỉ phát đến Thượng thư, Tể tướng, chứ không phát đế vương.

Căn cứ vào tài liệu: "Thần tích, thần sắc" năm 1938 lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội - Hà Nội và các sử sách được biết miếu Cả là nơi tôn thờ 5 vị Thành hoàng là :Sĩ Nhiếp, Đoàn Tướng công, Đào Bạt Tướng công, Đặng Lật Tướng công, Vực Lao Đại thần.

Thân thế, sự nghiệp của các vị thành hoàng có thể tóm tắt như sau:

- Sĩ Nhiếp:

Ông là người Trung Quốc, làm Thái thú quận Giao Châu. Sau Bắc thuộc lần hai, Tô Định bị đánh đổ, vua nhà Hán (Hán Hiến Đế) cử Sĩ Nhiếp sang làm quan đô hộ, khi sang ông mang theo hai em là  Sĩ Vi và Sĩ Vũ, đều làm quan tại Việt Nam. Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương, khi Sĩ Nhiếp đến vùng đất này, ông đã truyền nghề chăn tằm dệt vải cho nhân dân địa phương.

-  Đoàn Tướng công:

Theo một số ý kiến của các cụ cao niên ở địa phương cho rằng Đoàn tướng công chính là nhân vật Đoàn Thượng thời Lý - Trần. Đầu thế kỷ XIII, khi chính quyền nhà Lý suy yếu, các thế lực phong kiến địa phương trỗi dậy âm mưu cát cứ, trong đó  có họ Trần ở Hải Ấp (Thái Bình), Đoàn Thượng ở Hồng Châu (Hải Dương), Nguyễn Tự ở Quốc Oai (Hà Tây) và Nguyễn Nộn ở Bắc Giang. Khi chính quyền chuyển sang tay nhà Trần, Đoàn Thượng "phù Lý diệt Trần", với lực lượng đồn trú ở hai bên bờ sông thuộc châu Hồng. Nhà Trần đã dùng Nguyễn Nộn để diệt Đoàn Thượng bằng cách phong cho Nguyễn Nộn chức Hoài Đạo vương. Nguyễn Nộn đã cử Ma Lôi một tỳ tướng tài giỏi,  dùng kế sách "Diệt Thượng", chỉ cần một đạo tinh binh, đột kích hẳn vào trung quân diệt cho bằng được cánh quân của Đoàn Thượng. Kế sách đã thành công. Đoàn Thượng bị chết trong đám loạn quân. Con của Đoàn Thượng là Văn phải đem gia thuộc đến hàng Nộn.

-  Đào Bạt:

Quê tại Tiền Liệt, Thanh Hải. Đào Bạt, thi hội, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ, xuất thân Hoàng giáp khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) thời Lê Thánh Tông, làm quan tới chức Thượng Thư. Ông là Tằng tổ của Đào Tông. Ở Thanh Hải hiện nay, họ Đào thôn Tiền Vĩ cũng thờ Đào Bạt - ông tổ họ Đào.

- Vực Lao đại thần:

Theo truyền thuyết, ông là Thuỷ thần tại vụng sông Thái Bình, còn gọi là vụng Đức Thánh tử (vụng này nước xoáy, thuyền bè vào đây hay bị chìm, nhân dân thấy vậy bèn làm lễ xin phép được thờ Thuỷ thần trong miếu, từ đó đến nay, các thuyền bè vào đấy không còn bị nước xoáy làm chìm nữa).

- Đặng Lật tướng công:

Tư liệu về thân thế và sự nghiệp của Đặng Lật tướng công không còn đầy đủ, theo tài liệu lưu tại di tích thì Đặng Lật tướng công làm quan tới chức Thượng Thư, vào thời Duy Tân năm thứ 3 (1909). Hiện di tích còn lưu giữ được 14 sắc phong dưới thời Lê - Nguyễn, xin nêu nội dung một sắc phong cho Đặng Lật tướng công như sau:

"Sắc cho xã Vĩ  Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương theo trước phụng thờ: " Đương cảnh Thành hoàng Đặng Túc chi thần". Linh thiêng hiển ứng, xưa nay chưa được dự phong. Đến nay kế thừa mệnh lớn, nghĩ đến công lao tốt đẹp của Thần, nổi tiếng được phong là: "Dực bảo Trung Hưng linh phù chi Thần". Cho phép xã phụng thờ như trước, Thần sẽ giúp đỡ bảo vệ dân lành của ta”

Ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái Nguyên niên (1889)

Xưa 5 vị Thành hoàng được thờ tại đình làng song từ khi tìm được thế đất đẹp hình rồng. Các bô lão, kỳ dịch trong tổng đều đồng tâm, toàn ý, lấy mô hình, địa điểm này xây dựng ngôi miếu để thờ. Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch nhân dân Tiền Vĩ lại tổ chức mở cửa miếu, làm lễ xin âm dương, xin phép các vị Thành hoàng cho ứng vào ngày nào được mở lễ hội, lễ xin từ ngày mồng 10 đến ngày 20 âm lịch. Sau đó trong làng cử ra 5 cụ cao tuổi, có gia đình con cháu đầy đủ, vuông tròn, để tiến hành làm lễ mộc dục.

 Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội được tổ chức hết sức long trọng, khi lễ rước chính được tiến hành, thì đoàn rước phải được chuẩn bị tập dượt từ trước. Mọi công đoạn từ trang phục đến cách đi lại hay những dụng cụ rước thần đều được kiểm duyệt, xem xét kỹ lưỡng. Khi rước phải mặc trang phục đầy đủ, có kèn, trống đi theo nhưng chỉ rước kiệu mà không rước tượng, tục này gọi là lễ "tập ngơi". Điều đó thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng cũng như lòng ngưỡng mộ đối với các vị Thành hoàng của nhân dân địa phương.

Khi vào lễ hội chính mới bắt đầu tổ chức rước tượng. Lễ rước được xuất phát từ đình vì trước đây 5 vị Thành hoàng được thờ ở ngoài đình, đình cách miếu 100m về phía Đông Nam (hiện nay không còn), đến Yến Sở (nay là Quán Sản), tại đây xây 5 bệ thờ và có 5 cây cổ thụ đã nhiều năm tuổi. Yến Sở là nơi dừng chân của đoàn rước, khi dừng lại thì tế một tuần, do đội tế nam chủ trì, gọi là tế "Quan ngoại tán". Sau đó tiếp tục rước đến quán giếng Cả (hiện giếng vẫn còn, cách miếu khoảng 800m về phía Tây Bắc), khi đến đây thì dừng lại lấy nước ở đống giữa giếng dội lên 5 kiệu gọi là "ngũ dội", cùng lúc tất cả mọi người tham gia đoàn rước đều xuống mé giếng rửa tay với ý niệm cầu phúc, cầu an lành. Đoàn rước tiếp tục rước theo đường "Rồng" về miếu, rồi sau đó tế ở miếu, gọi là tế "Hội đồng kỳ mục" (gọi là đường Rồng vì miếu nằm trên thế đất đầu rồng).

Lễ tế bắt đầu tế 1 tuần tế và 5 tuần rượu. Người của thôn có miếu đứng chiếu giữa dù chức vị không lớn, có người cầm lọng che cho, còn lại 2 ông đứng đầu ở hai thôn đứng bồi tế. Đông xướng do người của thôn có miếu chủ trì, tây xướng do người ở thôn Thừa Liệt thực hiện. Lễ hội miếu Cả là một trong những lễ hội lớn của xã, thu hút đông đảo mọi người tham gia, vì đó là dịp mọi người được bày tỏ lòng biết ơn thành kính của mình đối với các vị Thành hoàng cũng như cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhân dân vẫn duy trì tổ chức lễ hội nhưng không còn tục rước nữa.

Nhân dân địa phương còn có tục lệ kiêng "tên huý", đây là phong tục có từ lâu đời, thể hiện sự tôn trọng Thành hoàng làng. Hiện tại di tích miếu Cả vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân trong xã và các khu vực lân cận.

Cùng với sự phát triển của làng xã, miếu Cả thôn Tiền Vĩ được xây dựng từ khá sớm. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì  miếu xưa được xây dựng vào thời Tây Sơn, niên hiệu Quang Trung năm Nhâm Thân (1792). Ngôi miếu có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp tiền tế đã bị giải hạ vào năm 1949 để lấy vật liệu làm hầm phục vụ cuộc cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược.

Qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo miếu Cả hiện nay có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế dài 8,3m, rộng 4,6m và 1 gian hậu cung, dài 3,3m, rộng 2,9m. Toà tiền tế được lợp ngói mũi, hệ thống bờ nóc, bờ chảy được trang trí hai con kìm chầu về trung tâm, ở giữa đắp vẽ đao hoả, kết hợp với những đường gờ chỉ kép, tạo cho di tích vẻ thanh thoát, mềm mại. Bên trong gồm hai bộ vì, kết cấu kiểu "kẻ chuyền kết hợp kèo cầu", lòng mái được mở theo thức "thượng tam hạ tứ". Phần trang trí điêu khắc nhìn chung không có gì đặc biệt, phần mộc chủ yếu là bào trơn khá chắc chắn. Hậu cung có một gian, với một bộ vì  trốn cột, gác tường đơn giản. Đây là công trình mới được xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng biến động của tự nhiên và xã hội, song di tích miếu Cả thôn Tiền Vĩ vẫn bảo lưu được nhiều cổ vật có giá trị như: 4 pho tượng thành hoàng và một số đồ thờ như: Long đình, khám thờ, hòm sắc,... được chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng có niên đại thế kỷ XIX; 3 bia đá có giá trị, trong đó có 2 bia niên đại thế kỷ XVIII: Bia “Hậu phật bi” niện hiệu Quang Trung năm thứ 4 - Tân Hợi quý đông (1791), Bia “Nghiêm sư bi” cao 80cm, rộng 37cm, niên đại thế kỷ XVIII và 1 bia “Vạn đại lưu quang” niên hiệu Đồng Khánh (1888). Đặc biệt tại đây còn lưu giữ được 14 đạo sắc được phong vào các năm: Quang Trung năm thứ 5 (1792), Gia Long thứ 9 (1810), Minh Mệnh 2 (1821), Thiệu Trị 2 (1842), Tự Đức thứ 3 (1850),  Tự Đức thứ 11 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Thành Thái nguyên niên (1889), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924). Đây là nguồn sử liệu vô cùng quan trọng, có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

 Với những giá trị nêu trên ngày 01 tháng 11 năm 2005 Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ra quyết định số 4981/ QĐ-UBND xếp hạng di tích Miếu cả thôn Tiền Vĩ là di tích Lịch sử văn hoá.

(Nguồn: Hải Dương di tích và danh thắng)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miếu Cả, nơi thờ 5 vị thành hoàng