“Miền sương tan”- Tràn đầy cảm xúc

08/10/2013 10:43


Tôi biết Thái Bá Lý gần 20 năm nay, từ ngày anh còn làm Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại tỉnh Hải Dương, giờ anh đã nghỉ hưu về sống với gia đình ở Hà Nội. Thế nhưng dù ở Hải Dương hay Hà Nội, thì hầu như có tập thơ in riêng nào, anh cũng gửi tặng tôi. Tập thơ mới nhất, “ra lò” quý III - 2013, với cái tên gợi nhớ miền quê mượt mà và bình yên “Miền sương tan” (Nhà xuất bản Văn học ấn hành), anh cũng từ Hà Nội gửi xuống cho tôi, để “đọc cho vui”, như lời anh nói qua điện thoại. Trân trọng tấm lòng anh với bạn đồng nghiệp báo chí, văn chương, tôi ngấu nghiến đọc đi đọc lại. Càng đọc tôi càng thấy cái điều mà cố nhà thơ Trinh Đường viết về anh từ tháng 5 - 2001 (dịp ấy anh mới ra tập thơ thứ ba “Trái cây rụng vào đêm”) thật chuẩn xác: “Thơ Thái Bá Lý từ nay trở đi đã hình thành riêng cho mình một phong cách: ngắn, cô đọng, sắc bén, không trùng với phong cách thơ người khác”.

“Miền sương tan” là một “xê-ri” toàn thơ tứ tuyệt, gồm trọn 100 bài. Cảm nhận đầu tiên sau khi đọc những bài thơ tứ tuyệt trong tập là độ rung động cảm xúc khá mạnh của tác giả trước những gì anh nhìn thấy, nhận biết và cảm nghĩ. Thơ anh viết phần nhiều bằng sự rung động, tràn đầy cảm xúc. Chẳng hạn qua sông lại nhớ một lần cùng “đằng ấy” qua đò: “Nhớ lần đầu ấy qua sông/Nhường anh sang trước, em không lội cùng/Trộm xem bóng nước gót hồng/Ước gì chiều ấy sông không có bờ”. Hay cảm xúc bất chợt khi một chiều trên đồi cọ: “Chiều tàn trên lá cọ/Bóng tối xòe bàn tay/Đồi trung du dậy gió/Gọi màu đêm lên đầy”. Còn đây cũng là cảm xúc một lần lên Côn Sơn gặp mưa, nhưng lại đậm suy tư và được viết khá niêm luật: “Ai đã gặp mưa ở Côn Sơn/Hạt gieo như lệ, gió như hồn/Bóng thông hay bóng người về vậy/Chầm chậm sườn non, rợp lối mòn”. Và đây cũng là bài thơ viết khá niêm luật và gợi nhiều liên tưởng: “Mưa lũ về, làng trĩu lo toan/Đê vững chãi xanh màu cỏ phủ/Nếu vắng cỏ, có còn là đê nữa?/Đã ngàn xưa, sừng sững cỏ trước làng!”. Tôi muốn dẫn ra 4 bài trong số 100 bài thơ tứ tuyệt của Thái Bá Lý ở “Miền sương tan” để muốn nói rằng thơ tứ tuyệt của Thái Bá Lý khá đa dạng, khi thì viết theo thể lục bát, khi viết theo thể ngũ ngôn, rồi song thất và thất ngôn bát cú. Đấy mới chỉ kể những bài được viết theo mấy thể thơ chiếm số lượng nhiều nhất trong tập. Ví dụ: thơ viết thể lục bát là 29 bài, ngũ ngôn là 10 bài, thất ngôn 7 bài và thất ngôn bát cú 8 bài, còn lại thơ bốn chữ 8 bài và các bài thơ tự do.

Ngay ở những bài thơ tự do cũng có bài anh viết khá lạ, chẳng hạn bài “Nắng đồi”: “Đường đồi/Nắng khấp khểnh/Ngã xuống bờ khe/Gượng dậy: Đã hoàng hôn”. Hay bài “Khoảnh khắc đồng”: “Con trâu lầm lụi trên đồng/Ngày tàn, nắng khuất/Với tiếng máy lồng và bạc tiền lạnh sắc/Đâu sẽ là những con trâu cuối cùng gội gió bấc run run”. Thơ Thái Bá Lý không quá câu lệ vào vần điệu, niêm luật đến nỗi phải gò vần, ép luật, dẫu vần, luật rất cần trong thơ; nhưng cái anh chú trọng lại là ý tứ mà thơ cần truyền cảm, nhắn gửi tới người đọc, mời gọi sự đồng cảm, đồng tình ở người đọc. Thế nên, đọc thơ Thái Bá Lý thấy cảm giác nhẹ nhàng, không có gì to tát và gò bó đến mức phải “vắt óc” nghĩ suy, bởi những cái anh nói tới trong thơ phần nhiều là cái thường gặp ngoài đời, giản dị và thuần chất con người lao động, địa danh quen thuộc, đồ dùng gần gũi, đôi khi là những thứ sát sườn đến cuộc sống hằng ngày, như ở bài “Rau sạch”: “Bỗng đâu lại sợ dưa rau/Từ trong gần gụi hại nhau độc đài/Chợ quê, chợ tỉnh, chợ trời/Sạch lành khó dễ cho người bán mua”. Hay nhận biết một thứ có sẵn mà vẫn rất bất ngờ, như ở bài “Cây gạo”: “Anh như cây gạo ấy/Mưa xuân giấu lửa vào trong/Hè sang nở bừng hoa đỏ/Cháy lên nỗi nhớ xao lòng”. Thơ viết về cái đời thường không chỉ cần một sự rung cảm chân thực, mà còn cần sự suy ngẫm, liên tưởng, tạo cảm xúc đôi khi đến bất ngờ cho người đọc thì mới có chỗ đứng trong lòng người đọc. Đấy là điều mà ở một số bài trong tập tứ tuyệt này của Thái Bá Lý còn cần cố gắng nhiều mới đạt tới. Mặt khác, có lẽ câu nệ vào con số 100 bài nên tác giả đã đưa vào tập mấy bài tứ tuyệt có phần dễ dãi, như các bài: "Ai nghĩ", "Giả tiếng họa mi", "Một hai ba"…

Dẫu vậy, với tập thơ tứ tuyệt “Miền sương tan”, Thái Bá Lý đã đánh dấu một cái mốc khá ấn tượng trên chặng đường thơ anh.

CAO NĂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Miền sương tan”- Tràn đầy cảm xúc