Mở vòi nước nóng xả vào thớt để làm sạch một số vết bẩn bám trên bề mặt. Ngoài ra do nhiệt độ cao, nước có khả năng hòa tan một số vết bẩn cứng đầu trên bề mặt.
Tiếp theo lấy một ít bột mì rắc lên mặt thớt, bột mì có tác dụng hút ẩm tốt. Thớt gỗ sử dụng lâu ngày thường xuất hiện nhiều vết cắt trên bề mặt, bên trong những vết cắt thường có bụi bẩn nhưng khó rửa sạch bằng cách xả nước. Bột mì lúc này dùng để thấm một số vết bẩn nằm sâu trong kẽ hở trên mặt thớt.
Sau đó, rắc một ít muối biển lên thớt. Muối ăn dạng hạt thô ráp, khi phủ lên bề mặt thớt sẽ làm tăng độ ma sát. Những vết bẩn trong kẽ hở trên mặt thớt vì thế được làm sạch. Tiếp đó đổ một ít giấm trắng lên và chờ 5 phút. Khả năng tẩy của giấm có thể làm mềm một số vết bẩn cứng đầu trên bề mặt. Sau năm phút, lấy búi cọ nồi hoặc miếng rửa bát để cọ rửa bề mặt thớt bị ố đen. Sau bước này, mặt thớt đã được làm sạch hơn rất nhiều.
Sau khi việc cọ rửa hoàn thành, đặt thớt dưới vòi nước nóng rồi xả mạnh. Chất bẩn cứng đầu trôi đi, bạn sẽ có một chiếc thớt sạch.
Ngoài vệ sinh thớt, người nội trợ cũng nên học cách bảo quản vật dụng này để có thể sử dụng lâu dài, an toàn cho sức khỏe. Theo đó, thớt sau khi được rửa sạch nên đặt thẳng đứng hoặc treo lên những nơi khô ráo thoáng gió, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào dễ gây nứt gãy.
Sau mỗi lần vệ sinh, nên lau khô thớt để lọc bỏ nước hay hơi ẩm còn lưu lại trên bề mặt- tác nhân gây ẩm mốc. Nếu được bảo quản đúng cách, trong môi trường phù hợp, thớt sẽ không bị mốc, nứt, sử dụng lâu dài.
Theo VnExpress