Mẹo hữu ích giúp giữ an toàn khi bơi cho bé

24/07/2019 09:55

Người lớn phải giữ trẻ bơi trong vòng tay của mình khi xuống nước, chọn những bãi biển có nhân viên cứu hộ và bơi gần khu vực đó...

polyad

Chọn đúng kem chống nắng dành cho người lớn và trẻ nhỏ. Ảnh: lifealth

Khi cái nóng mùa hè bắt đầu hiện hữu, việc ngâm mình trong hồ bơi hay đi biển với gia đình sẽ là những trải nghiệm thú vị. Song, trẻ nhỏ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm xung quanh khi xuống nước. Dưới đây là những mẹo để bảo vệ và giảm thiểu rủi ro tối đa giúp bé có thể thỏa thích vui đùa cùng bố mẹ.

Cho trẻ học bơi từ sớm

Viện hàn lâm Nhi khoa của Mỹ (AAP) đã xét duyệt lại hướng dẫn an toàn khi bơi của họ. Mặc dù các chính sách của tổ chức này từng khẳng định rằng trẻ nhỏ dưới 4 tuổi không thể học bơi và những bài học bơi dành cho trẻ em khiến nhiều phụ huynh trở nên tự tin thái quá vào khả năng bơi của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, AAP hiện cho biết có rất nhiều lợi ích nếu trẻ bắt đầu học bơi từ lúc 1 tuổi. "Những luận chứng mới cho thấy trẻ em trong 1-4 tuổi có thể giảm thiểu tình trạng đuối nước nếu được học bơi bài bản", AAP nêu rõ.

"Các bé tiếp xúc với nước càng sớm sẽ càng dễ quen thuộc và thoải mái hơn khi xuống nước", phát biểu bởi Emily Leaman, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của Fitness Alive Philly, nơi đang triển khai các lớp học bơi dành cho trẻ từ 5 tháng tuổi. Giả sử con của bạn mới đến bể bơi lần đầu, vậy thì cách khởi đầu tốt nhất là để bé xuống nước cùng với bố và mẹ, vì điều này sẽ giúp các bé cảm thấy an toàn và tự tin hơn.

Theo báo cáo của AAP, tỷ lệ đuối nước đã giảm dần từ năm 1985. Và nếu các bậc phụ huynh có con nhỏ học và làm theo hướng dẫn an toàn khi bơi của AAP, khả năng bị đuối nước sẽ thấp hơn nữa. Hướng dẫn này bao gồm những mẹo như:

- Luôn có người lớn bên cạnh trông chừng trẻ nhỏ. Điều này cần thiết với hoàn cảnh xung quanh bể bơi, ở trong nước, phòng tắm, và thậm chí là cả những nơi như phòng vệ sinh, xô nước, vì trẻ nhỏ cũng có thể bị đuối nước do ngạt thở nếu bị kẹt ở nơi này.

- Người lớn phải giữ trẻ bơi trong vòng tay của mình khi xuống nước.

- Sẽ rất hữu ích nếu phụ huynh và những người bảo hộ học CPR. Bạn có thể tìm những lớp học CPR tại Hội Chữ thập đỏ địa phương.

- Giữ trẻ tránh xa nước khi không có người lớn bên cạnh. Nhiều tai nạn đuối nước xảy ra khi phụ huynh không bên cạnh trẻ, chẳng hạn như một đứa bé đi loanh quanh bên ngoài và ngã xuống hồ.

"Ngoài việc học bơi, điều quan trọng nhất mà phụ huynh hoặc người bảo hộ có thể làm để giữ trẻ nhỏ an toàn khi xuống nước, là nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn và ngăn chặn hành vi tiếp cận nước khi không có ai giám sát", theo Lindsay Mondick, quản lý cấp cao của YMCA (Young Men’s Christian Association) tại Mỹ. Những nơi này bao gồm bể bơi di động, spa, bồn tắm, xô và những thành phần tự nhiên như sông, hồ, ao, suối, kênh rạch.

Bất kỳ hồ bơi cố định nào cũng nên được bao quanh bởi một hàng rào tứ phía có khóa, cao ít nhất 120cm. Bạn cũng có thể cân nhắc đầu tư thiết bị cảnh báo ở bể bơi. AAP cũng nói rằng hãy cẩn thận với những bể bơi bơm hơi, vì thành bể trơn mềm có thể khiến trẻ nhỏ muốn dựa vào và ngã vào bể nếu không cẩn thận.

- Nếu bơi bên ngoài, hãy chọn những bãi biển có nhân viên cứu hộ và bơi gần khu vực đấy.

Dùng đúng thiết bị

Một vài thiết bị an toàn được bán trên thị trường chưa chắc thực sự có ích. AAP khuyến cáo không nên sử dụng những thiết bị bơm hơi như dụng cụ cứu trợ khi bơi vì chúng có thể bị xì hơi. Phao, ống nhựa... sẽ không giúp chống đuối nước vì những thứ này được tạo ra như đồ chơi dưới nước, không phải thiết bị cứu sinh.

Trong những lớp học bơi dành cho trẻ nhỏ, bố và mẹ được học cách giữ trẻ trong nước sao cho cơ thể của các bé có thể di chuyển tự nhiên và làm chủ được các chuyển động cơ bản trong khi vẫn giữ được sự ổn định.

Tuy nhiên thiết bị an toàn dùng dưới nước thực sự là áo phao. "Trẻ em nên mặc áo phao khi đi thuyền. Trẻ nhỏ và người không biết bơi cũng nên mặc áo khi đứng gần khu vực có nước, ví dụ như bờ sông hoặc bến tàu", AAP lưu ý.

Tham khảo áo phao dành cho trẻ tại đây.

Một loại áo phao dành cho trẻ em

Tìm hiểu các dấu hiệu đuối nước

Không giống những gì mọi người thường thấy trên phim ảnh, đuối nước không đi kèm với ho, phun nước hoặc khóc để được giúp đỡ. Thay vào đó, thường có thể một thành viên trong gia đình sẽ ngã xuống nước và không trở về nữa. Đuối nước là loại chấn thương xảy ra một cách lặng lẽ và nhanh đến đáng ngạc nhiên. Vì vậy, điều quan trọng là phụ huynh cần nhận thức được mức độ nguy hiểm, các rủi ro cùng những dấu hiệu của đuối nước.

Đập tan cơn nóng

Đối với các gia đình, sử dụng kem chống nắng và dành thời gian dưới nước đi đôi với nhau. Mặc dù bảo vệ da không thực sự là mối nguy hiểm liên quan đến nước, nhưng việc áp dụng đúng cách rất quan trọng đối với sự an toàn chung trong lúc bơi của con trẻ.

Loại kem chống nắng có chứa khoáng chất rất thích hợp dùng cho trẻ, nhưng bạn cần kiểm tra thật kỹ để bảo đảm rằng chúng không chứa bất kỳ thành phần nào mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) hoặc Nhóm Công tác Môi trường cảnh báo.

Bạn cũng nên thoa kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài; sử dụng một lượng vừa đủ cho toàn bộ cơ thể; bôi lại lần nữa sau khi bơi hoặc bị đồ mồ hôi quá nhiều.

Bạn hãy chú ý đến những triệu chứng nguy hiểm như mất nước, cháy nắng, cảm nắng, chóng mặt, mất sức hoặc buồn nôn. Bạn cần uống thật nhiều nước, nếu được hãy tránh bơi vào buổi trưa vì đây là lúc ánh nắng mặt trời gay gắt nhất.

THƯ KỲ (VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹo hữu ích giúp giữ an toàn khi bơi cho bé