Bên cạnh sân trước nhà, sân thượng thì xu hướng thiết kế sân vườn sau nhà ngày càng được nhiều gia đình chú trọng. Cùng hô biến không gian nhỏ đó trở nên rộng rãi với các mẹo sau đây.
1. Thiết kế lối đi
Lối đi cũng là một yếu tố tạo nên điểm nhấn độc đáo và mang lại nguồn năng lượng tích cực cho khoảng không gian sau nhà. Một không gian sân vườn hoàn hảo sẽ có sự phân chia lối đi rõ ràng và hợp lý, thuận tiện cho việc chăm sóc và ngắm cảnh.
Bạn không nên để lối đi trong sân vườn là các đường thẳng tắp, vuông góc hoặc có các cạnh góc nhọn. Thay vào đó hãy thiết kế lối đi uốn lượn xung quanh để có chiều sâu và cảm giác rộng hơn. Điều này cũng áp dụng với việc lát gạch hay sàn. Hãy lát gạch sàn theo hình đường chéo, zích zắc hoặc so le vừa giữ được độ bền của sân vườn, vừa giúp cho không gian vườn của bạn được mở rộng hơn.
2. Tạo nhiều cấp độ
Để tạo điểm nhấn cho diện tích nhỏ, bạn nên thiết kế hai tầng đất với độ cao khác nhau để trồng cây. Vài bậc cầu thang (hay còn gọi là bậc tam cấp) sẽ không chiếm quá nhiều không gian. Nhưng đổi lại, bậc tam cấp sẽ tạo ra sự khác biệt lớn với chút nhấn nhá bằng việc đặt thêm một vài chậu hoa nhỏ hai bên bậc cầu thang. Điều này tạo cảm giác như tăng thêm diện tích cho sân vườn.
3. Màu sắc
Sử dụng màu sắc tươi sáng gần lối vào sân sẽ tập trung sự chú ý vào đó và khiến phần không gian bên trong như sâu và rộng hơn. Các màu ấm như đỏ, cam và vàng có xu hướng kích thích não bộ và thu hút sự tập trung. Bạn nên đặt những màu này gần hàng rào và đường viền hướng ra các mép ngoài của sân.
Một số gia chủ còn trồng những cây hoa có màu ấm gần nhà để tạo nên những màu rực rỡ cũng thu hút sự chú ý và tạo điểm nhấn cho khu vườn. Gạch đỏ cũng mang lại hiệu quả tương tự.
4. Đặt cây ở các góc cạnh
Các đường góc cạnh sẽ khiến cho sân vườn phần nào hẹp đi. Hãy sử dụng cây trồng để che đi những khuyết điểm và tạo sự kết nối hài hòa với tổng thể cảnh quan xung quanh. Đây là một cách đơn giản và cực kì hiệu quả để mở rộng và làm đẹp cho không gian sân vườn.
Cây có lá nhỏ thường phản chiếu rất nhiều ánh sáng khiến chúng ít nhiều hòa vào nền và có vẻ xa cách. Hãy đặt những cây này gần đường biên hay góc cạnh của sân và sử dụng những cây có lá lớn hướng về phía trước.
5. Sử dụng thảm cỏ
Thảm cỏ giúp kết nối các yếu tố của một khu vườn lại với nhau, đồng thời khiến cho không gian vườn trở nên rộng rãi và thoáng mát hơn. Bên cạnh đó, thảm cỏ còn giúp lấp đầy những khoảng sân trống, che phủ đi những phần đất dư thừa gây mất thẩm mỹ cho khu vườn.
Hãy trải thảm cỏ ở một phần sân thay vì toàn bộ sân vườn để tạo một không gian xanh rộng và đẹp mắt. Bạn cũng có thể bố trí thêm vài chậu cây, chậu hoa, một chiếc xích đu hay một bộ bàn ghế nhỏ để tạo một không gian nghỉ ngơi, thư giãn đầy thơ mộng.
6. Hàng rào cổng mái vòm
Một trong những cách độc đáo để đánh lừa thị giác và tạo cảm giác rộng rãi cho một sân nhỏ là tạo cổng có hình mái vòm. Hãy tạo các vòm cây có cùng kích thước hoặc lớn hơn không gian sân vườn để đem lại sự thông thoáng cho chính sân vườn nhà bạn.
Để tạo được một cổng mái vòm bằng hoa là cả một quá trình khá dài chăm sóc, cắt tỉa để tạo hình, mọi người thường sử dụng hoa hồng leo để trang trí vì đây là loại cây có khả năng cho hoa nhiều quanh năm, hoa nở to và mùi hương rất thơm. Không những đem lại cảm giác rộng rãi, thông thoáng mà một chiếc cổng mái vòm còn tạo thêm sự nổi bật và tính thẩm mỹ cao cho sân vườn.
7. Phân chia không gian
Hãy phân chia sân sau nhà thành các khu vực nhỏ với không gian riêng biệt. Bạn có thể phân chia khu vườn bằng cách dùng các loại cây lớn bao quanh hàng rào, thêm một bộ bàn ghế, đài phun nước nhỏ hoặc đơn giản là xen kẽ các bề mặt bằng sỏi hay cỏ nhân tạo sao cho phù hợp với không gian.
8. Treo gương
Mặc dù không phải là một tính năng điển hình của sân vườn, nhưng chủ nhà vẫn có thể cân nhắc treo gương bên ngoài để phản chiếu ánh sáng và thu hút các khu vực trang trí khác của sân vào một không gian. Gương có khả năng làm cho căn phòng trông thanh thoát và cao hơn. Bạn hãy thêm một chiếc gương lớn ở bức tường phía sau khu vườn để nhân đôi không gian hoặc sử dụng một chiếc gương mang thiết kế cổ điển để tạo nét tinh tế.
Hãy tìm khung gương bằng thép không gỉ, đá, gỗ đã qua xử lý hoặc đồng để tránh gương bị gỉ do yếu tố thời tiết. Bạn cũng có thể tùy chọn kích thước cũng như hình dáng gương khác nhau để mang lại tính thẩm mỹ cao hơn.
Theo VOV