Tháng mười là tháng có ngày của mẹ. Tháng mười thương mến, ngày thì quá nhanh, đêm thì rộng quá “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Đêm tháng mười của mẹ dài mà chưa hết lo toan, sàng sảy.
Tháng mười là tháng có ngày của mẹ. Tháng mười thương mến, ngày thì quá nhanh, đêm thì rộng quá “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Đêm tháng mười của mẹ dài mà chưa hết lo toan, sàng sảy.
Vườn mẹ tháng mười quả trĩu cong trên cành vít võng. Trĩu bởi ân tình quả nặng, quả sây. Vít võng bởi bao niềm vui vỗ về con cháu. Mẹ rất thích vun trồng để cuối mùa có thảo thơm buồng chuối chín đầu hồi nhà đến cây bưởi lúc lỉu quả phía sau vườn. Bao giờ mẹ cũng dành riêng một góc vườn để trồng các loại lá cây thuốc nam như rau tía tô, chùm ngải cứu, khóm sả… Để khi trái gió trở trời có bát cháo hành, có nồi lá xông sực khói xua đi cảm cúm. Mẹ lo cho các con, các cháu tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi bắt đầu từ những sự chu đáo sâu xa như thế. Rồi hàng rào mẹ cũng trồng cây nan hảo. Những sợi dây tơ hồng quấn quýt cài chặt vào nhau như bao ước vọng âm thầm trong lòng mẹ.
Vườn mẹ mùa này chim khách ít về hơn, nhường lại cho những cánh cò phân vân chao nghiêng trên đồng ruộng. Cánh đồng của mẹ tháng mười sương ẩm ướt thấm dần, ngấm dần vào mái tóc đã pha sương của mẹ. Mẹ cấy hái một đời. Vui nhất khi cắm những cây mạ non run rẩy xuống đồng bùn in ngấn phù sa. Nhánh mạ thì non tơ, đon mạ thì thắt lưng như thắt lòng của mẹ với bao hồi hộp sinh thành, nâng niu ấp ủ. Rồi cây mạ dậy thì lớn lên thành cây lúa, trước khi uốn câu lại qua thì “lúa con gái”. Cái hạt lúa căng sữa trổ đòng hút sương, hút gió, trải nắng dầm mưa để se sắt thành hạt gạo trắng ngần thơm tho. Cả đời mẹ luôn tay sàng sảy, sàng lại cái đầy cái chắc, sảy đi cái thiếu, cái lép. Mẹ sàng lại bao cái thiện, cái nhân, để sảy đi những cái ác lọc lừa. Cánh đồng tháng mười của mẹ hứa hẹn mùa gặt trĩu nặng bao nhiêu thì lại sàng sảy tuổi mẹ bấy nhiêu. Rồi bão lũ bất ngờ. Nghe gió trở trời, xương cứ đau nhức, lưng đã mỏi hơn mà liếp giường tre cứ đan vào nhau tháng ngày lóng hai, lóng một. Một đời mẹ chưa mấy khi đi xa, chỉ quẩn quanh từ vườn ra đồng và ra chợ…
Chợ quê tháng mười của mẹ họp ở cuối làng nơi dựng tạm mấy phiên tre, mái rạ mà ấm áp lạ lùng. Quà quê có gì đâu, những sản phẩm chiết ra, chắt ra từ hạt gạo thật thơm lành. Tôi nhiều khi tự hỏi: Sao mẹ lại thích bánh đa đến thế? Cái bánh đa tròn quạt than nướng lên bao nỗi phập phồng, nghe tiếng vỡ rôm rốp đã thấy ấm lòng. Cũng từ hạt gạo xay thành bột trắng rồi tráng thành bánh mỏng, rắc vào đó lấm tấm những hạt vừng như gieo bao hạt tình hạt nghĩa, lại phơi qua nắng qua sương cho ngấm cái hồn quê, vị quê thơm thảo. Chợ quê tháng mười của mẹ tất cả đều tươi rói và sốt sắng. Mớ tôm, mớ tép mới vớt lên đêm qua còn búng thon thót. Lũ cua đồng béo núc ních bò rào rạo trong cái giỏ oi vừa mới bắt về.
Mẹ chưa một lần vào siêu thị. Mẹ bảo: “Mua bán gì mà không nghe mặc cả lên xuống thì mất vui”. Mẹ thèm tiếng người, tiếng chợ. Nghe đã quen tai, mắt đã quen nhìn, người đã quen thuộc. Tháng mười của mẹ cứ vỗ về, quấn quýt yêu thương, cứ sẻ chia nồng nàn như thế. Đời chợ thì dài mà đời người quá ngắn. Và mẹ tôi đến một ngày nào đó không bước nổi chân ra chợ thì lúc ấy mẹ buồn biết bao. Chợ quê tháng mười hình như họp cũng nhanh hơn. Cứ loáng thoáng chen vai, chen bao niềm vui mà vẫn thấy những nỗi niềm hẫng hụt.
Tháng mười của mẹ ơi! Mong sao cho trời chóng sáng. Và bóng mẹ tôi lại in trên vách tường nhà bếp chập chờn. Lửa rơm cứ vun lên mà lửa trấu cứ mãi âm thầm bền bỉ sưởi ấm không gian riêng của mẹ, nơi vẫn hằng chờ đợi con về...
Tản văn của NGUYỄN NGỌC PHÚ