Mẹ chồng tôi làm bác sĩ, bao năm vất vả vì mẹ không chỉ làm ban ngày mà còn phải đi trực ca đêm.
Tưởng đến khi nghỉ hưu mẹ sẽ được nhàn hạ, có thời gian trông cháu nhưng tôi thấy mẹ chưa một ngày thảnh thơi. Mẹ mở hiệu thuốc tây nho nhỏ tại nhà, hễ ai trong làng ốm đau lặt vặt đến nhờ mẹ khám, bốc thuốc hay truyền nước là mẹ vẫn nhiệt tình. Mẹ bảo: “Tự dưng nghỉ hưu cứ thấy hụt hẫng thế nào ấy. Các cháu đi nhà trẻ, đi học cả, mẹ buồn chân buồn tay lắm. Nếu không làm gì thì mẹ thấy mình thật vô dụng”.
Đợt này dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại, số ca nhiễm mỗi ngày vẫn tăng. Làng tôi cũng xuất hiện một số người trong diện F0, F1. Bình thường, sáng sớm và buổi tối mọi người hay rủ nhau đi bộ tập thể dục ngoài đường nhưng từ hôm loa truyền thanh của huyện, của xã tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chết tập trung đông người ở nơi công cộng thì đường sá vắng vẻ hơn. Vậy mà mẹ chồng tôi cũng không chịu ở yên trong nhà. Mẹ xung phong tham gia tổ "Covid cộng đồng", cùng các y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Tôi lo lắng nên khuyên mẹ nghỉ ngơi, để việc đó cho giới trẻ khỏe mạnh, tinh mắt làm thay nhưng mẹ không nghe. Mẹ bảo: “Ơ hay! Mẹ còn khỏe, mắt kém thì đeo kính, lo gì. Con sợ mẹ mang bệnh về nhà này chứ gì. Yên tâm, mẹ sẽ cẩn thận”. Tôi vẫn cố thuyết phục mẹ: “Nhưng mẹ có tuổi rồi. Mẹ còn bị huyết áp cao nữa nên càng phải cẩn thận”. Mẹ tôi xua tay: “Con không phải lo, mẹ làm bác sĩ bao nhiêu năm, mẹ biết cách giữ gìn sức khỏe của mình chứ”. Đến nước ấy thì tôi cũng chịu thua mẹ, để mẹ được làm việc mà mẹ yêu thích cho thoải mái.
Hôm nay, tôi đang xem ti vi trong phòng riêng thì nghe có tiếng gọi cửa. Thấy một người chị họ đằng chồng tôi lấp ló bên ngoài, tôi đoán là chị ta sang nhờ mẹ tôi khám bệnh. Tôi đeo khẩu trang ra mở cửa, định xua tay từ chối nhưng mẹ tôi đã kịp ló ra: “Có việc gì thế cháu? Bị cảm à? Để bác cắt cho mấy liều thuốc là khỏi thôi”. Tôi đưa ánh mắt nhìn mẹ ra chiều không hài lòng và nói nhỏ đủ để mình mẹ nghe thấy: “Dịch bệnh phức tạp, mẹ đừng chữa bệnh cho ai ở nhà nữa. Mẹ khuyên chị ấy đến trung tâm y tế đi, phải xét nghiệm Covid nữa. Chị ấy làm công nhân ở công ty lớn, nhỡ mầm bệnh lây lan thì nguy hiểm lắm mẹ ạ”. “Ừ! Mẹ biết rồi”. Mẹ nói thế nhưng vẫn hỏi bệnh tình của chị kia rồi cắt ba ngày thuốc, gói lại và dặn dò cẩn thận. Tôi lùi vào trong phòng khách nhưng vẫn bập bõm nghe được chị ấy nhờ mẹ tôi sang nhà truyền nước cho. Đợi chị ấy về khỏi, tôi nhất quyết không cho mẹ đi truyền nước khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường: “Mẹ nghe con đi, mắt mẹ kém rồi, lấy ven không chuẩn đâu. Đồ bảo hộ thì mẹ không có. Mẹ cứ cố làm là người ta nghĩ mẹ tham đấy”. Tôi nói vậy thì mẹ im lặng nhưng tôi biết chưa chắc mẹ đã nghe tôi. Quả nhiên, một lúc sau quay ra đã không thấy bóng dáng mẹ đâu. Tôi sốt ruột gọi điện cho chồng, cho cả em gái chồng để nhờ cô ấy khuyên mẹ chứ mẹ cứ ra ngoài thế này, mang Covid về nhà thì nguy hiểm lắm.
Chiều muộn, mẹ trở về và giải thích với tôi rằng: “Chị ấy bị cảm thôi, suy nhược cơ thể ấy mà. Mẹ test nhanh thấy kết quả âm tính rồi nên mẹ truyền hộ chai hoa quả cho chị ấy khỏe lại. Con không phải lo”. Dù mẹ nói vậy, tôi vẫn không hài lòng: “Con lo cho mẹ, cho cả gia đình mình nên từ nay mẹ hạn chế ra ngoài mẹ nhé. Việc chữa bệnh cho bệnh nhân mẹ đã làm mấy chục năm rồi. Mẹ không nên chủ quan vì mình có nhìn thấy con virus đâu”. Nghe tôi nói thế, mẹ có vẻ giận dỗi nên lẳng lặng đi sát khuẩn, tắm gội, còn tôi vội vã lau nhà cửa cho sạch sẽ.
Trong bữa ăn tối, nghe bản tin thời sự về tình hình dịch bệnh, số ca nhiễm trong tỉnh vẫn cao, mẹ quả quyết: “Mẹ sẽ tham gia chống dịch đến khi nào dịch im thì thôi. Đến khi nào mẹ còn sức khỏe thì mẹ vẫn làm”. Con tôi níu cánh tay bà, tỏ vẻ thán phục: “Bà đúng là chiến binh áo trắng”. Mẹ cười đôn hậu khiến tôi nhận ra rằng, được làm việc, được cống hiến thì cuộc sống thật có ích.
NAM HỒNG