Mẹ tôi

07/03/2021 12:25

Năm nay mẹ tôi tròn 40 tuổi. Bao năm tháng vất vả ngược xuôi mưu sinh kiếm sống khiến mẹ trông già hơn so với tuổi của mình.



Năm nay mẹ tôi tròn 40 tuổi. Bao năm tháng vất vả ngược xuôi mưu sinh kiếm sống khiến mẹ trông già hơn so với tuổi của mình. Bố tôi đi làm xa cả chục năm nay nhưng kinh tế trong gia đình vẫn không khá giả. Mẹ phải xoay xở, lo toan, gánh vác để chị em tôi được học hành đến nơi đến chốn. Với mẹ, cuộc sống và niềm vui thu lại bằng những đứa con và công việc. Mẹ chẳng nề hà công việc gì, khi thì buôn bán lặt vặt, lúc mẹ làm thuê làm mướn, mẹ còn làm cả lao công thời vụ ở một trường tiểu học. Nắng mưa đã làm mái tóc của mẹ không còn dày đen óng ả mà có phần xơ đi và rụng nhiều. Đôi mắt của mẹ đã hằn nhiều vết chân chim và bàn tay mẹ trở nên chai sạn vì lam lũ. 

Nhớ ngày còn bé, mỗi lần đi học tôi lại gặp mẹ quét rác trong sân trường. Tôi ngại và xấu hổ lắm. Tôi sợ bị bạn bè cười chê khi chúng phát hiện mẹ tôi là “bà quét rác” nên nhìn mẹ cặm cụi đưa cây chổi mà tôi lảng vội đi chỗ khác hoặc chạy tót vào trong lớp, ngồi thu lu một chỗ, không dám gần mẹ để chào to một tiếng. Xấu hổ, lắm lúc tôi giận mẹ. Tôi trách mẹ sao không chọn nghề khác để làm, tại sao mẹ lại chọn nghề lao công. Mẹ đã nổi giận với tôi: “Nghề lao công thì làm sao? Mẹ có ăn cắp ăn trộm của ai đâu mà con phải xấu hổ?”... Mẹ òa khóc nức nở. Tôi thấy ân hận về thái độ của mình nên cũng ôm mẹ nức nở: “Con xin lỗi mẹ!”.

Lúc đó tôi chưa hiểu được nỗi vất vả của mẹ. Đến những ngày tháng cấp3 đầy khó khăn, tôi mới dần hiểu rằng kiếm được đồng tiền khó nhọc như thế nào. Nghỉ hè, tôi xin mẹ ra chợ phụ bán hàng để có thêm đồng ra đồng vào đỡ đần cho mẹ. Nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại lại bị bà chủ hàng mắng mỏ, quát nạt vì tôi hậu đậu, chậm chạp, lúc ấy tôi mới hiểu được giá trị của đồng tiền mà chị em tôi vẫn ngửa tay xin mẹ đóng tiền học hằng tháng.

Nhiều lúc tôi thầm trách mẹ không quan tâm, không yêu thương tôi như những người mẹ khác. Nhìn những đứa bạn cùng lớp có quần nọ áo kia, có cha mẹ tâm lý hiện đại còn mẹ tôi thì lạc hậu, vất vả quanh năm, túng trước nợ sau làm tôi cũng tủi thân. Nhưng nhiều lúc tôi thương mẹ lắm, thương mẹ mỗi buổi sáng phải dậy sớm lo cơm nước cho các con no bụng đi học rồi mẹ mới đến trường dọn rác, dọn xong mẹ lại gấp gáp đạp xe đi cấy thuê, cắt hành thuê... Có lần mẹ cắt vào tay, vết thương sâu hoắm làm mẹ mất ngủ. Tôi vừa thay băng, rửa vết thương cho mẹ mà nước mắt cứ trào ra. Chính những vất vả, tảo tần của mẹ đã trở thành động lực cho tôi rất nhiều, thúc giục tôi phải cố gắng, không bao giờ bỏ cuộc dù bất kỳ hoàn cảnh nào xảy ra.

Tôi biết rằng đỗ đại học không phải là tất cả, nhưng đó cũng là món quà ý nghĩa nhất của tôi dành tặng mẹ sau những ngày tháng gian lao. Tôi không còn là đứa con hồn nhiên, tháng tháng ngửa tay xin tiền mẹ nữa. Tôi đã biết giúp mẹ làm việc nhà, biết an ủi mỗi khi mẹ buồn và biết chăm sóc mỗi khi mẹ ốm đau.

Mỗi lần nhìn gương mặt mẹ, tôi lại thấy nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn, nhìn tóc mẹ thấy có nhiều sợi bạc, nhìn bàn tay mẹ ngày càng thô ráp… Cứ thế, thời gian dần dần lấy đi tuổi thanh xuân của mẹ. Mùng 8.3 là ngày mà mẹ đáng được hạnh phúc, được yêu thương nhưng tôi chưa bao giờ tặng mẹ một món quà. Tôi tự trách mình thật là vô tâm.

Tôi cảm thấy mình có lỗi với mẹ biết bao. Tôi muốn chạy về với mẹ ngay bây giờ để được ôm mẹ, để được tặng mẹ một bó hoa tươi thắm, để nói những lời yêu thương tự đáy lòng dành cho mẹ. Nhất định tôi sẽ làm bởi thời gian chẳng chờ đợi ai kẻo mai này hối tiếc thì đã muộn. Khi tôi giấu bó hoa sau lưng và hỏi: “Mẹ ơi! Mẹ thích món quà gì” thì mẹ không hề bận tâm. Mẹ bảo: “Mẹ nhìn thấy bó hoa sau lưng con rồi nhưng các con chính là món quà quý giá nhất của mẹ”. Nghe mẹ nói, ánh mắt mẹ trìu mến, yêu thương, tôi muốn mình bé lại để được sà vào lòng mẹ. Hạnh phúc với tôi chỉ cần giản dị như thế...

VŨ THỊ THANH ANH
(Lớp 11F, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹ tôi