Mẹ tôi là cô giáo dạy văn. Các bạn thường ghen tị và cho rằng tôi thật hạnh phúc khi được mẹ mình trực tiếp giảng dạy, nhưng có những lúc, tôi lại không cảm thấy như vậy. N
Mẹ tôi là cô giáo dạy văn. Các bạn thường ghen tị và cho rằng tôi thật hạnh phúc khi được mẹ mình trực tiếp giảng dạy, nhưng có những lúc, tôi lại không cảm thấy như vậy. Những ngày trọng đại nhất trong đời tôi hầu như đều thiếu vắng hình bóng của mẹ. Tôi đã khóc vì mẹ không dắt tay tôi bước chân vào lớp 1, không dự ngày khai giảng cùng tôi. Tôi cũng nếm trải cảm giác tủi thân khi không có mẹ cổ vũ trong những lần tôi biểu diễn văn nghệ như các bạn khác, không được nghe những lời khen khi vừa xuống sân khấu. Vì mẹ bận với những buổi dạy trên trường, bận với những trang giáo án đến khuya nên mẹ không ôm tôi ngủ. Mẹ bận lo toan những kỳ thi của học sinh lớp mẹ chủ nhiệm nên mẹ hiếm khi có thời gian dành cho tôi... Có lẽ cũng vì thế mà lâu dần tôi cũng học cách thích nghi và không còn buồn khi phải tự lập trong nhiều việc. Thật sự có nhiều lúc tôi đã "ghét" các anh chị học sinh của mẹ vì họ có được nhiều thời gian bên mẹ tôi hơn cả tôi nữa.
Lên cấp 2, tôi được học ở ngôi trường mẹ đang công tác, được mẹ trực tiếp lên lớp. Nhìn bóng dáng mẹ tần tảo trong những tiết học, tôi thấy thương mẹ quá. Lúc đó, tôi mới biết mẹ thực sự rất vất vả và thầm trách bản thân mình hồi trước không quan tâm đến mẹ. Sức khỏe mẹ tôi vốn không tốt do di truyền từ bà ngoại, giờ mẹ làm giáo viên nên cứ ốm đau thất thường. Mùa đông năm nào cũng vậy, mẹ tôi hay bị mất tiếng. Tính mẹ cẩn thận nên mẹ sợ lên lớp giảng bé học sinh không hiểu bài, thành ra mẹ cứ cố nói to khiến cho thanh quản của mẹ có vấn đề. Tôi lo cho sức khỏe của mẹ nhưng không nói ra, có lẽ vì tôi không hay nói những lời tình cảm. Nhưng cũng chính vì cái tính e ngại của tôi mà lâu dần tôi không hay tâm sự với mẹ, không sà vào bên mẹ để tíu tít kể chuyện trên lớp như hồi còn bé. Khoảng cách giữa hai mẹ con tôi xa cách lúc nào không hay.
Được chính mẹ giảng dạy, thực lòng tôi rất vui. Tôi thích mỗi khi mẹ gọi tôi trả bài và được điểm tốt, thích khi thấy mẹ nhìn bảng điểm của tôi và nở nụ cười hài lòng. Nhưng nhiều khi những lời nói bóng gió từ các bạn cùng lớp làm tôi không thoải mái. Nhiều bạn nói với nhau, tôi là con cô giáo dạy văn nên điểm cao hơn các bạn, tôi được thiên vị... Nhiều lần tôi giải thích, thanh minh nhưng chỉ có vài bạn hiểu, còn nhiều bạn khác vẫn giữ những suy nghĩ đó.
Thế là tôi đâm ra giận dỗi mẹ. Về đến nhà, tôi chỉ chào mẹ một tiếng rồi lên phòng, không để ý rằng lúc đó mẹ tôi đang sốt cao. Tối đến, mẹ gọi nhưng tôi không xuống nhà, thế là mẹ mang cơm lên phòng cho tôi, cố gắng thuyết phục tôi không bỏ bữa. Vì mẹ ốm nên chỉ nói nhỏ nhẹ, nhưng tôi vẫn cứng đầu không nghe. Mẹ để cơm cho tôi rồi xuống nhà, lát sau mẹ lên, đem sữa và bánh cho tôi, giục tôi uống mau kẻo nguội. Sẵn sự giận dỗi trong lòng, lại thêm việc tôi không muốn ăn, thế là tôi gào lên nói to với mẹ mà không quan tâm tới việc mẹ đang không khỏe. Mẹ sững người, chắc có lẽ vì lần đầu tiên mẹ nhìn thấy tôi như vậy, mẹ chỉ nhìn tôi, rồi mẹ ngất. Quá sợ hãi, tôi gọi bố nhưng bố không có nhà. Tôi gọi dì sang, hai dì cháu ngồi đợi mãi xe mới đến, lòng tôi như có lửa đốt vì sự hối hận trong lòng.
Vào bệnh viện, mẹ tôi tỉnh lại sau khi được bác sĩ tiêm. Tôi đã khóc, hối hận. Hôm đó, mẹ đã dạy cả ngày ở trường, về nhà còn phải chăm sóc cho tôi. Tôi xin lỗi mẹ. Tôi biết rằng mẹ buồn lắm, mẹ buồn vì sự nông nổi của tôi. Nhưng mẹ không trách tôi, mẹ tha thứ cho tôi ngay lúc đó. Mẹ nói mẹ cũng biết tôi phải chịu đựng những lời nói không đúng từ các bạn. Cứ thế, tôi nói với mẹ hết tất cả tâm sự trong lòng, về những điều mà tôi không thích, về những mong ước của tôi. Rồi bất chợt, trong tim tôi, một cảm giác sung sướng không thể nói thành lời len lỏi đến mọi ngóc ngách của trái tim.
Mấy hôm sau đến trường, mẹ đưa tôi đến trước lớp, giải thích với các bạn để mọi người không hiểu nhầm mẹ con tôi. Và thái độ của các bạn cũng thay đổi từ khi mẹ nói. Tôi thầm cảm ơn mẹ vì nhờ mẹ mà tôi có thể hòa đồng lại với tất cả bạn bè.
Bây giờ tôi và mẹ đã hiểu nhau hơn, tôi thấy thương mẹ nhiều hơn và biết mở lòng với mẹ.
VŨ LÊ BẢO TRÂN
(Lớp 10E, Trường THPT Nam Sách)