Làm mẹ đơn thân, chị Nguyễn Bích Hằng xem con trai là niềm an ủi, động viên lớn nhất, nhưng chỉ sau một đêm gửi bảo mẫu, chị đã vĩnh viễn mất con.
"Mẹ mệt. Mẹ mang con đi gửi cô bảo mẫu. Em bé chơi ngoan, mai mẹ đón về", chị Nguyễn Bích Hằng (30 tuổi, quê Hải Phòng), vẻ mặt tiều tụy, nước mắt giàn giụa, kể lại những lời cuối cùng nói với con trai 7 tháng tuổi trước khi gửi bảo mẫu và từ đó đã mất con mãi mãi.
Sinh ra ở thành phố Hải Phòng, năm 20 tuổi Hằng rời gia đình vào TP.HCM tự lập kiếm sống. Đến năm 2019, chị trở ra Hà Nội, thuê căn chung cư trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), làm nghề trang điểm, bán hàng online.
Vài năm sau đó, chị quen một chàng trai, "lỡ" mang thai nhưng bạn trai từ chối chịu trách nhiệm. Thời gian này, chị chưa sẵn sàng tâm lý, điều kiện để sinh con nên nhiều lần đắn đo tính chuyện có giữ con lại hay không.
Những tuần thai đầu tiên, chị từng bị vấp ngã, động thai nhưng thai nhi vẫn "ở lại". "Con đến với mình là duyên số". Bất chấp tất cả, bằng tình mẫu tử, Hằng vượt qua mọi điều tiếng, quyết định sẽ sinh con, làm mẹ đơn thân.
Một mình mưu sinh giữa thủ đô, chăm sóc thai nhi khiến người mẹ trẻ có lúc mệt mỏi, kiệt sức. Nhưng bản năng của người mẹ đã giúp chị vượt qua khó khăn, gắng gượng chờ đón con chào đời.
Đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-2022, chị hạ sinh một bé trai 3,8kg. "Khuôn mặt bé nhăn nheo, trông "già dặn" nên tôi gọi con là Táo Tàu", chị Hằng nhớ như in ngày con chào đời, chị bật khóc trong hạnh phúc.
"Biết mẹ vất vả nên Táo Tàu rất hiểu chuyện, ngoan, không quấy khóc, ốm đau". Động lực để chị cố gắng là mong con mạnh khỏe, khôn lớn để "hai mẹ con cùng đồng hành, nương tựa vào nhau".
"Có con, cuộc sống trở nên vui vẻ, ý nghĩa hơn" chị Hằng nói và ví con trai ra đời như một sự cứu cánh, giúp chị không còn cô độc.
Cho đến ngày 9/1/2023, sau hơn một tuần bị ốm, không thể điều trị tại nhà được nữa, Hằng buộc phải nhập viện.
Thông qua một nhóm trên mạng xã hội của cư dân khu đô thị, Hằng tìm hiểu, biết Chu Uyển Vân (27 tuổi, trú ở Hoàng Mai, Hà Nội) nhận trông trẻ thuê qua đêm với giá 250.000 đồng/đêm.
Tin tưởng, tối cùng ngày, chị chuẩn bị quần áo, bình sữa pha sẵn, mang con sang tòa nhà bên cạnh gửi Vân. Đây cũng là lần đầu chị gửi con cho người khác trông hộ.
Đến khoảng 8h15 ngày 10-1, chị nhận được điện thoại của Vân trong tình trạng hoảng loạn, thông báo con bị sặc sữa.
Vội vàng bắt xe từ bệnh viện về chung cư, Hằng sững sờ thấy con nằm trên xe cấp cứu, "toàn thân tái nhợt, lạnh toát, không nhắm mắt". Chị bế con lên tay, ngã khụyu, gào khóc.
Người mẹ đơn thân được lực lượng chức năng yêu cầu giám định pháp y cho con. Tuy nhiên, với thiên chức làm mẹ, chị không muốn con mình mất đi lại thêm đau đớn. Chị đưa thi thể con về quê an táng.
Thời điểm làm khai tử, chị gặp một số khó khăn do trước đó sai sót về giấy tờ, chưa thể làm giấy khai sinh cho con. Nhưng để làm khai tử buộc phải có giấy khai sinh.
Chính quyền địa phương sau đó đã tạo điều kiện làm đầy đủ giấy tờ, thủ tục trên hồ sơ để gia đình chị khai tử cho cháu bé. "Tôi nhận giấy khai tử của con trước, một tuần sau mới nhận giấy khai sinh", chị Hằng đưa tay gạt nước mắt, nói.
Dù con trai đã mất, nhưng trong căn chung cư nhỏ, mọi kỷ vật của bé vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.
Người mẹ chọn cách lưu giữ lại những kỷ niệm, dù "mỗi khi nhìn đồ đạc của con lòng đau thắt lại" nhưng chị "chấp niệm với điều đó", Hằng nghẹn giọng.
Hằng cho biết từ khi con trai qua đời, nữ bảo mẫu không đến thắp hương, chỉ gửi một câu xin lỗi qua tin nhắn. Người phụ nữ này còn đăng bài lên mạng xã hội phủ nhận trách nhiệm, thách thức, trách móc chị.
Uất ức dồn nén, chị sau đó quyết định yêu cầu khai quật tử thi, giám định pháp y, tìm công lý cho con. "Chôn con rồi lại phải đào lên, làm đau con thêm lần nữa, tôi như đứt từng khúc ruột", chị Hằng khóc nghẹn, chia sẻ.
Thế nhưng, đến giữa tháng 5-2023, công an thông báo tạm đình chỉ vụ án do hết thời hạn xác minh. Mất con, dằn vặt, Hằng rơi vào trầm cảm, mất ngủ thường xuyên, phải uống thuốc để ổn định tinh thần.
Lúc đó, chị nghĩ "không còn hy vọng gì nữa, muốn đi theo con", nhưng may mắn được một người quen phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời.
Hai tháng sau, bảo mẫu Chu Uyển Vân bị Công an huyện Gia Lâm khởi tố để điều tra về tội vô ý làm chết người. Sau bao ngày đấu tranh, bước đầu chị đã tìm được công lý cho con.
Ngày 28/11 vừa qua, chị Hằng mang theo di ảnh con trai, đến tòa dự phiên xét xử bảo mẫu Chu Uyển Vân. Suốt phiên xử, nữ bị cáo không một lần ngoảnh mặt nhìn mẹ nạn nhân.
Trước tòa, Vân bình tĩnh, khai nhận rõ ràng hành vi phạm tội. Vân cho hay thời điểm cháu bé bị sặc sữa, do quá hoảng loạn nên bị cáo không biết cách sơ cứu. Bị cáo thừa nhận không có chứng chỉ hành nghề, không được cấp phép nhận trông trẻ.
Nói lời sau cùng, bảo mẫu cho biết để xảy ra sự việc khiến bị cáo rất ăn năn, day dứt, "mong gia đình thông cảm, hội đồng xét xử cho cơ hội sửa chữa sai lầm".
Tòa đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng của người khác, gây ra nỗi mất mát lớn đối với mẹ cháu bé, nên tuyên phạt 15 tháng tù.
Nghe tòa tuyên án, mẹ của nạn nhân bật khóc, cho rằng mức án dành cho bị cáo là quá nhẹ, gia đình sẽ tiếp tục kháng cáo.
Phiên tòa kết thúc, trời nhá nhem tối. Chị Hằng bước đi liêu xiêu, gào khóc: "Con ơi, mẹ xin lỗi vì giao con cho nhầm người".
Theo Tuổi trẻ