Vừa đi chợ về tới cổng, bà Thoa đã thấy cô con gái đi lấy chồng cách nhà gần chục cây chở con nhỏ ba tuổi về đến nhà.
Đón cháu ngoại xuống, bà Thoa xởi lởi:
- Vừa may hôm nay có giỗ cụ, bố mẹ làm mâm cơm thắp hương. Hai mẹ con về ăn giỗ.
Nhung, cô con gái nói:
- Thì con biết hôm nay giỗ cụ nên con xin phép về nhà hai hôm để chạy ốm.
- Chạy ốm? Ai ốm? Sao lại chạy? - bà Thoa ngạc nhiên.
- Còn ai nữa, mẹ chồng con ốm, bị cúm từ hai hôm nay rồi. Hai ngày nghỉ con xin phép đưa cháu về nhà ăn giỗ, mẹ chồng và chồng con đồng ý luôn. Bà nội còn sai chồng con ra mua gói bánh gửi về thắp hương các cụ. Con phải cho cháu đi chứ không ở nhà kiểu gì hai mẹ con cũng lây cúm từ bà nội thì mệt lắm.
Bà Thoa chau mày khi nghe cô con gái nói vậy. Bà đợi con vào ngồi uống nước, rồi thư thả giảng giải:
- Mẹ chồng con ốm mà vẫn nhớ bảo chồng con mua đồ gửi sang nhà mình thắp hương cho cụ thật là quý. Con nhớ cho mẹ gửi lời cảm ơn bà ấy.
- Mẹ con khoản hương khói chu đáo mà.
- Con cũng phải học tính chu đáo như mẹ chồng con mới phải. Mấy năm nay, vợ chồng con đi làm cả tuần, bà ấy trông con, đưa đón con bé đi mẫu giáo, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho cả nhà... Vậy mà có hai ngày nghỉ cuối tuần, mẹ chồng ốm, con lại tránh mặt thế này là không nên. Con phải ở nhà, dù chỉ vào bếp nấu cơm, nấu cho mẹ chồng bát cháo thì bà ấy cũng ấm lòng, có khi nhanh khỏi bệnh. Vợ chồng con có phòng riêng, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng của người ốm, cẩn thận thì sao lây được.
- Nhưng mẹ con cũng đồng ý cho con về cơ mà.
- Vì bà ấy vốn chu đáo, cẩn thận, lo cho con cho cháu thì nói vậy, nhưng con cũng phải hành xử cho phải đạo, cho nghĩa tình chứ. Theo mẹ, chiều con về ngay, để cháu lại đây chơi với ông bà ngoại mấy hôm cũng được.
- Con không nghĩ sâu xa được như thế. Vậy chiều tối con về ạ.
NGUYỄN ĐỨC TRẠCH