Đã có hơn 1.000 đặt hàng, máy bay 'Made in China' vừa có thêm đơn 100 chiếc từ hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China.
Đơn hàng này sẽ tiêu tốn của Air China khoảng 10,8 tỷ USD, sau khi đàm phán với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) để được "giảm giá lớn". Dự kiến hãng sẽ nhận được máy bay trong giai đoạn 2024 - 2031, giúp tăng công suất vận chuyển lên 7,5%.
Air China có trụ sở tại Bắc Kinh, sở hữu mạng bay gồm 196 điểm đến với hơn 60 điểm đến quốc tế. Theo Harry Murphy Cruise, chuyên gia của Moody's Analytics, đặt hàng từ Air China sẽ củng cố hoạt động kinh doanh tổng thể của Comac.
Comac ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng nội địa cho C919. Cuối tháng 4/2023, Tập đoàn Hàng không HNA đã ký thỏa thuận khung, trong đó Urumqi Air và Suparna Airlines - hai công ty con của HNA, sẽ lần lượt mua 30 máy bay C919.
Suparna Airlines sẽ nhận chiếc máy bay C919 đầu tiên vào quý IV năm nay, trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên trên thế giới bay C919. Những chiếc còn lại sẽ được giao cho Suparna vào cuối năm 2027.
Trước đó, khách hàng đầu tiên là China Eastern Airlines, đặt mua 5 chiếc từ 2021 và đã nhận đủ vào tháng 3 năm nay. Hồi tháng 9/2023, hãng này đặt thêm 100 chiếc C919. Đơn hàng "khủng" này góp phần giúp sản lượng đã ký của Comac vượt mốc 1.000 chiếc từ năm ngoái.
Máy bay "Made in China" đắt hàng ở nội địa trong bối cảnh các hãng sản xuất phương Tây tồn đọng nhiều đơn hàng. Boeing đã cảnh báo về khả năng chậm trễ giao máy bay khi phải tăng cường kiểm tra an toàn. Airbus cũng hoãn một số đơn hàng đến cuối năm 2025 vì các vấn đề về chuỗi cung ứng.
C919 là dòng máy bay thân hẹp, cùng phân khúc với 737 Max. Mẫu máy bay này của Boeing đã đối diện loạt sự cố an toàn trong những tháng gần đây, khiến cơ quan quản lý hàng không của Mỹ yêu cầu dừng mở rộng sản xuất.
Hugh Ritchie, CEO Aviation Analysts International (Australia) cho rằng C919 là một bước tiến lớn, không chỉ với Trung Quốc mà còn cho thị trường quốc tế. "Có một sự chuyển dịch khỏi 737 và Boeing", ông nói.
Việc Air China mua C919 dự kiến thu hút sự chú ý dành cho loại máy bay này trên toàn thế giới, mặc dù nó chưa được cấp phép bay bên ngoài Trung Quốc. Theo Mayur Patel, Phụ trách thị trường châu Á của nền tảng dữ liệu ngành OAG, các hãng hàng không ở những nước khác vẫn đang xem xét độ tin cậy và tất cả chi tiết nhỏ khác của loại máy bay này.
Theo Patel, châu Phi hoặc Đông Nam Á có thể là một trong những quốc gia đầu tiên mua C919 và giao dịch có thể được "đính kèm" vào các hiệp định thương mại của Trung Quốc với các đối tác đó.
Nhưng thách thức của quá trình này là các hãng hàng không vẫn ngần ngại kết hợp việc sử dụng các loại máy bay của nhiều nhà sản xuất khác nhau vì sẽ làm tăng thêm chi phí bảo trì và đào tạo. Cùng với đó, khi C919 vẫn chưa được Mỹ và châu Âu cấp phép bay thì sẽ "làm chậm tiến độ phá vỡ thế độc quyền hiện tại" của Boeing và Airbus.
H.A (Tổng hợp)