Máu xương của đồng bào, chiến sĩ đã hoà tan vào đất Quảng Trị

27/07/2023 06:15

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Trung ruột thịt là một trong những chiến trường khốc liệt nhất, được báo chí thế giới thời đó đánh giá là "có những cuộc chiến khốc liệt bậc nhất địa cầu".


Cột cờ ở bờ bắc sông Bến Hải thuộc cụm di tích lịch sử cầu Hiền Lương - nơi vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước suốt 21 năm trời đằng đẵng

Mà trong số ấy, không thể không nhắc đến Quảng Trị - điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu giang sơn hình chữ S - mảnh đất thành đồng nằm giữa khúc ruột miền Trung.


Tượng đài Khát vọng thống nhất bên bờ sông Bến Hải

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam kết thúc toàn thắng đã gần một phần hai thế kỷ, song những chứng tích chiến tranh vẫn còn mãi trên mảnh đất này. Không chỉ khắc ghi tội ác của kẻ thù, những chứng tích ấy còn là nơi thăm viếng, tri ân và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.


Hình ảnh uy nghiêm trước Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Nói về Quảng Trị, là nói về những địa danh đã đi vào lịch sử với các trận giao tranh quyết liệt để giành giật từng tấc đất với kẻ thù. Đó là Thành Cổ, Hiền Lương, Thạch Hãn, Tà Cơn, Đường 9 nam Lào...


Bức ảnh "Cha con ông lão ngư dân Triệu Phong ngày đêm chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành Cổ" trong Bảo tàng Thành Cổ

Thành Cổ Quảng Trị đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến thắng Thành Cổ Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Dòng Thạch Hãn linh thiêng và huyền thoại ấp ôm Thành Cổ từ góc nhìn trên cao

Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, hàng nghìn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Xương máu của đồng bào, chiến sĩ đã hòa vào lòng đất, cho non sông đất nước cập bến bờ độc lập.

Thành Cổ nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, soi bóng xuống dòng sông Thạch Hãn linh thiêng. Trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa (từ ngày 28.6 - 16.9.1972), Thành Cổ hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ chịu đựng 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Ngày nay, Thành Cổ chỉ có một nấm mồ chung, vì xương máu của đồng bào, chiến sĩ đã hòa tan vào mảnh đất Quảng Trị thành đồng.


Thành Cổ chỉ có một nấm mồ chung, do máu xương của đồng bào, chiến sĩ đã hoàn tan vào mảnh đất Quảng Trị Thành Đồng

Dòng Thạch Hãn linh thiêng và huyền thoại ấp ôm Thành Cổ. Dòng nước mát lành của dòng Thạch Hãn cũng là những chuyến đò đưa những linh hồn bất tử các chiến sĩ giải phóng quân đi vào huyền thoại. Trong 81 ngày đêm đỏ lửa, có đêm một đại đội tiếp viện vượt dòng Thạch Hãn tiến vào Thành Cổ, thì ngày mai chỉ còn lại vài người.

Ngày nay, bên bến phà hoa bờ nam dòng Thạch Hãn, còn khắc ghi những câu thơ mà cựu chiến binh Thành Cổ Lê Bá Dương viết lên trong một lần đi đò trên dòng Thạch Hãn:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...


Một bức tường Thành Cổ còn sót lại trong 81 ngày đêm đỏ lửa

Còn trong khuôn viên Thành Cổ, những câu thơ tự đáy lòng của nhà thơ Phạm Đình Lân còn đó:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng.

Tháng 7, về Quảng Trị thành đồng, những bước chân hành hương lại tìm về 2 Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9.


Bức tượng "Nụ cười" của tác giải Vương Duy Biên trong khuôn viên Thành Cổ khắc họa phút thảnh thơi và nụ cười chiến thắng của một chiến sĩ giải phóng quân Thành Cổ

Nằm thoai thoải trên khu đồi Bến Tắt, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của 10.333 chiến sĩ. Còn Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 nằm tại phường 4 (TP Đông Hà) có trên 10.600 chiến sĩ đang yên nghỉ. 65% số liệt sĩ trong đó chưa được biết tên, gần 1.000 liệt sĩ có tên nhưng chưa tìm được quê hương bản quán.

Nói về các anh hùng liệt sĩ, Bác Hồ kính yêu từng nhắn nhủ: "Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do".

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Máu xương của đồng bào, chiến sĩ đã hoà tan vào đất Quảng Trị