Thực hiện tốt việc KM sẽ mang lại lợi ích cho DN và người tiêu dùng nhưng cũng còn nhiều chương trình KM mập mờ gây nhầm lẫn, thiệt hại cho khách hàng...
|
Mặc dù các chương trình khuyến mại liên tục được tung ra nhưng nhiều siêu thị, cửa hàng vẫn vắng khách. Ảnh: Lan Anh
|
Khuyến mại (KM) là hình thức xúc tiến thương mại vừa quảng bá hình ảnh của các nhà sản xuất, phân phối, các cửa hàng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, vừa mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Do đó, KM được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, đằng sau những chiêu thức KM còn nhiều điều đáng nói.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù các điều kiện về thời gian, giá trị KM... được quy định chặt chẽ hơn nhưng hoạt động KM trên thị trường tỉnh ta vẫn sôi động với các hình thức chủ yếu như tặng quà, giảm giá bán, bốc thăm trúng thưởng... Nhiều chương trình KM mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điển hình như các chương trình gửi tiền trúng thưởng của các ngân hàng thương mại đã thu hút được lượng lớn tiền gửi, góp phần tạo vốn ổn định cho vay phát triển kinh tế địa phương. Hoặc các chương trình KM của các doanh nghiệp viễn thông khiến số lượng thuê bao tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ viễn thông hiện đại. Chị Phương, nhân viên giám sát bán hàng ở Siêu thị Intimex (TP Hải Dương) cho biết, trong thời gian KM, số hàng hoá tiêu thụ tăng từ 15 đến 30% so với trước thời gian KM. Trong những ngày chuyển mùa này, tại các cửa hàng quần áo thời trang có những biển hiệu “siêu giảm giá”, “đại hạ giá”, “giảm giá từ 10 đến 15%”..., khách hàng thường tập trung nhiều hơn vì đây là cơ hội tốt để người tiêu dùng chọn được hàng hoá với giá rẻ.
Tuy nhiên, qua khảo sát ở nhiều điểm kinh doanh trên địa bàn TP Hải Dương, chúng tôi dễ nhận thấy tình trạng nhiều chương trình KM mập mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng khá phổ biến. Các đơn vị, cửa hàng treo băng-rôn, biển thông báo giảm giá nhưng không thông báo thời điểm trước và sau khi áp dụng KM khiến người tiêu dùng bị “hớ”. Ngoài ra, còn có hiện tượng các doanh nghiệp sử dụng hàng kém chất lượng làm quà tặng đính kèm như khi khách hàng mua áo sơ mi được tặng cà-vạt nhưng màu xấu, chất lượng vải nhàu, mua son được tặng bút chì kẻ môi nhưng chất lượng chì kém, quần áo thời trang giảm giá thường không đủ các cỡ mà chỉ còn 1 đến 2 cỡ hoặc chỉ có 1 đến 2 màu. Một số cửa hàng kinh doanh đặt hàng giá rẻ, chất lượng thấp để làm hàng KM. Chị Tú ở khu 5, phường Thanh Bình cho biết, chị vừa mua quần Jeane, áo thun giảm giá trong một shop quần áo trên đường Trần Phú, về giặt bị phai màu, mới mặc 2 lần đã dãn. Trong khi đó, cũng nhãn hiệu này nhưng chị mua ở một cửa hàng khác, giá cao hơn 30 nghìn đồng/cái, đẹp và bền hơn. Còn anh Thanh ở thị trấn Nam Sách phản ánh, anh vào một cửa hàng treo biển giảm giá 30%. Khi chọn một chiếc áo có ghi giá 140 nghìn đồng, tưởng khi thanh toán sẽ giảm được 30% theo như quảng cáo nhưng nhân viên thanh toán cho biết, giá sản phẩm đã giảm 50%. Tương tự như vậy, chị Lơ, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Bình cho biết, trước đây, chị từng nhận được tờ rơi quảng cáo của một cửa hàng kinh doanh kính mắt, đồng hồ trên đường Phạm Ngũ Lão với nội dung “tặng phiếu mua hàng đặc biệt trị giá 150 nghìn đồng khi khách hàng mua bất kỳ một sản phẩm nào của cửa hàng". Khi chị đến mua hàng thì nhận thấy không có một sản phẩm nào trị giá 150 nghìn đồng, mà rẻ nhất cũng phải 300 nghìn đồng. Như vậy, khách hàng lại phải bỏ thêm ít nhất 150 nghìn đồng bù vào phiếu mua hàng được tặng để mua một sản phẩm.
Theo Sở Công thương, chỉ những chương trình KM có tính may rủi thì đơn vị thực hiện KM mới phải đăng ký với cơ quan quản lý, còn các chương trình KM khác, đơn vị chỉ phải gửi thông báo tới cơ quan quản lý. Vì vậy, để kiểm soát tất cả các chương trình KM là vấn đề khó khăn với Sở. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình KM đang được áp dụng nhưng Sở không nắm rõ vì thời gian KM ngắn, đơn vị KM nhỏ lẻ, hình thức KM ít. Khi cơ quan chức năng biết thì chương trình KM đó đã kết thúc. Đây là một trong những vấn đề khó kiểm soát được chất lượng các chương trình KM hiện nay. Nhiều đơn vị mặc dù đã hết thời hạn KM nhưng vẫn treo biển KM để hút khách khiến không ít người tiêu dùng bực mình. Có trường hợp doanh nghiệp thực hiện KM nhưng lại thất tín với khách hàng như cửa hàng kinh doanh xe máy C.H (TP Hải Dương) đưa ra 4 hình thức tặng quà KM cho khách hàng mua xe máy, nhưng chỉ cung cấp... một loại quà, muốn đổi hàng KM khác thì đơn vị lấy lý do “hết hàng”. Nhiều trường hợp giá trị KM nhỏ nhưng nơi lĩnh quà KM thì ở xa, chẳng khác nào “đánh đố” người tiêu dùng. Có đơn vị KM kéo dài “tháng này qua tháng khác” với giá trị lớn nhưng điều kiện trúng thưởng lại khó khăn. Có đơn vị đăng ký với Sở hàng KM là sản phẩm này nhưng khi giao cho người tiêu dùng lại là sản phẩm khác. Nếu các đơn vị KM tặng hàng hoá quá thời hạn sử dụng hoặc chất lượng không bảo đảm thì người tiêu dùng cũng khó nhận biết được.
Để quản lý chặt chẽ các hoạt động KM, bảo đảm hiệu quả, công bằng cho thương nhân, người tiêu dùng, thời gian tới cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng thông qua các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, giám sát chặt chẽ về thời gian, giá trị, chất lượng hàng KM... theo đúng quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các đơn vị kinh doanh cũng cần tôn trọng hơn quyền lợi của khách hàng, bởi đây chính là uy tín của mình, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong việc tìm hiểu và tham gia các chương trình KM.
BẢO LINHTheo các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thương mại, các chương trình KM phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các tổ chức hoặc cá nhân khác. Các cơ sở thực hiện KM phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho khách hàng nhận giải thưởng, bảo đảm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ được KM. Hoạt động KM phải được thông báo cho cơ quan chức năng, trường hợp vi phạm có thể phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các chương trình KM đã được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thể bị phạt từ 20 đến 50 triệu đồng... |