Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động sẽ giúp các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác chất lượng không khí, từ đó có những biện pháp phù hợp ngăn ngừa nguyên nhân gây ô nhiễm.
Chất lượng môi trường không khí được kiểm soát thường xuyên, liên tục
Việc triển khai lắp đặt các trạm quan trắc môi trường không khí tự động sẽ giúp các cơ quan chuyên môn chủ động kiểm soát chất lượng không khí, kịp thời xử lý khi xảy ra sựcố.
Yêu cầu cấp bách
Những năm qua, Hải Dương đã đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sự tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ... chưa tốt. Nhiều cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất điện, xi măng, sắt thép... nếu không được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nhiều nguồn thải khác cũng tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường như hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vôi, vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải... Những nguồn thải này sẽ ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài tới chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là các khu vực đô thị, khu vực liền kề các khu, cụm công nghiệp, các tuyến đường lớn... Kết quả quan trắc môi trường hằng năm cho thấy mức độ ô nhiễm bụi TSP, PM10 có dấu hiệu gia tăng, nhiều thời điểm vượt quy chuẩn cho phép.
Dự báo trong những năm tới, môi trường không khí, nhất là ở các khu đô thị, các khu, cụm công nghiệp có xu hướng tăng ô nhiễm bởi khí thải độc hại và bụi từ các nguồn thải chính trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hoạt động giao thông vận tải. Vì vậy, việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động liên tục là yêu cầu cấp thiết nhằm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường.
Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động sẽ giúp cơ quan chuyên môn chủ động kiểm soát, đánh giá chính xác chất lượng không khí để có những cảnh báo kịp thời nguyên nhân gây ô nhiễm, từ đó có biện pháp ngăn ngừa phù hợp". Cũng theo ông Long, việc lắp đặt các trạm quan trắc môi trường không khí tự động còn tăng cường năng lực thực hiện quan trắc cho các đơn vị tham gia, nâng cao tính thống nhất, bảo đảm chất lượng hoạt động quan trắc cho toàn mạng lưới trong tỉnh.
Trạm quan trắc môi trường tự động giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động kiểm soát chất lượng không khí
Khẩn trương lắp đặt
Mục tiêu của đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 là đầu tư, vận hành 16 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục tại các khu vực chịu tác động từ khí thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn, mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn đã triển khai lắp đặt hàng chục trạm quan trắc khí thải ống khói theo quy định. Đặc biệt, ngân sách tỉnh đã đầu tư xây dựng, lắp đặt 5 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh đặt ở thị xã Kinh Môn (2 trạm), huyện Kim Thành và các TP Hải Dương, Chí Linh. Hiện các trạm đã hoàn thiện việc xây dựng, lắp đặt thiết bị, đang hiệu chỉnh, kiểm định để có thể hoạt động chính thức trong thời gian sớm nhất.
Sau khi lắp đặt, các trạm sẽ có nhiệm vụ quan trắc các thông số như gió, lượng mưa, nhiệt độ không khí, độ ẩm, áp suất khí quyển, bụi PM2.5, PM10, TSP, NOx (NO, NO2), CO, O3, SO2, BTEX... Đây là những thông số cơ bản nhất để đánh giá, kiểm soát chất lượng không khí. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí giai đoạn1 (2020 - 2023) tại 17 tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương. Điểm quan trắc môi trường tại Hải Dương đặt ở TP Hải Dương để đánh giá những tác động của giao thông đô thị đối với chất lượng không khí.
Từ nay đến năm 2025, hệ thống quan trắc tự động của Hải Dương sẽ gồm 16 trạm do các doanh nghiệp, ngân sách tỉnh xây dựng và 1 trạm quốc gia. Đây sẽ là những "mắt thần" giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
VỊ THỦY