Song hành cùng sự phát triển của công nghệ, là hành vi lừa đảo có sử dụng AI ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Đã lâu không gặp, nên khi nhận được tin nhắn qua messenger của người bạn cũ, hỏi mượn tiền để chữa bệnh, cô H.B (Hà Nội) hơi đắn đo. Trước khi cô kịp từ chối, thì người bạn ở đầu dây kia đã bấm gọi video call. Hình ảnh chập chờn, âm thanh cũng tiếng được tiếng mất do sóng điện thoại yếu, nhưng cô B do ‘tận mục sở thị’ bạn năn nỉ mượn tiền chữa bệnh, nên yên tâm chuyển khoản gần trăm triệu đồng cho bạn vay. Chỉ đến khi nhận được cảnh báo của mọi người, cô B mới té ngửa: Bạn cô bị hack tài khoản face book, còn “người bạn” trong cú video call cho cô chỉ là một “người ảo”, sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI).
Cùng với sự tiến bộ như vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo cũng phát triển rất nhanh, trở nên thông minh hơn, hoàn thiện hơn mỗi ngày. Các lợi ích thấy rõ của AI là không thể phủ nhận, như: Tăng cường tính dự báo, tiết kiệm sức lao động, kích thích khả năng sáng tạo vô biên, xoá nhoà ranh giới ngôn ngữ, cá nhân hoá dữ liệu… Tuy nhiên, mặt trái mà AI mang lại cũng có rất nhiều, và một trong số đó là việc AI trở thành công cụ để các đối tượng tội phạm áp dụng các hình thức lừa đảo. Các đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng deepfake AI (phần mềm ghép mặt và giọng nói), khai thác hình ảnh, các chuyển động biểu cảm trên mặt thông qua các hình ảnh tư liệu của nạn nhân, từ đó sáng tạo ảnh và cả hình động dạng video giống hệt người quen của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trên thế giới, các công ty an ninh mạng đã ghi nhận: Năm 2023, số vụ lừa đảo deepfake trên toàn cầu tăng 10 lần so với trước; trong đó Bắc Mỹ tăng tới 1.740%. Thậm chí, có những vụ deepfake mà nạn nhân chuyển tới 25 triệu đô la cho tội phạm, vì hình ảnh do AI tạo chân thực đến mức không thể phân biệt.
Còn tại Việt Nam, từ nửa cuối năm 2023 đến nay, Tập đoàn Bkav liên tục nhận được các báo cáo cũng như yêu cầu trợ giúp của nạn nhân trên toàn quốc về các vụ việc lừa đảo sử dụng phương thức deepfake. Nhiều trường hợp kẻ xấu đã kiểm soát được tài khoản Facebook nhưng không lập tức chiếm đoạt hoàn toàn mà âm thầm theo dõi, thu thập thông tin người dùng, chờ cơ hội giả làm nạn nhân để hỏi vay tiền bạn bè, người thân của họ. Chúng sử dụng AI để tạo sẵn một đoạn video giả mạo gương mặt và giọng nói của chủ tài khoản Facebook Khi được yêu cầu gọi điện video call để chứng thực, chúng đồng ý nhận cuộc gọi nhưng sau đó nhanh chóng ngắt kết nối. Rất nhiều người, như cô H.B trong bài báo này, đã mắc bẫy các đối tượng lừa đảo. Chưa thể thống kê tổng số người và số tiền bị lừa đảo bởi các chiêu thức dùng AI, nhưng chắc chắn là con số không nhỏ. Các vụ lừa đảo để lại những thiệt lại vô cùng lớn đối với mỗi cá nhân và gia đình, xã hội, và càng đáng thương hơn khi nhạn nhân thường là những người cao tuổi hoặc các đối tượng ít có cơ hội tiếp cận với mạng xã hội, thậm chí là những người có hoàn cảnh rất khó khăn.
Thời gian qua, các chuyên gia công nghệ thông tin và an ninh mạng đã liên tục đưa ra các khuyến cáo với người dân, về việc thận trọng khi giao dịch tài chính qua mạng, và hướng dẫn các cách thức phân biệt thật – giả khi nhận các cuộc điện thoại, video call, click các link lạ hay gia nhập các nhóm, hội…trên mạng xã hội. Người dân nói chung và người dùng mạng xã hội nói riêng cũng được khuyến cáo cần hết sức cân nhắc, khi chia sẻ các hình ảnh, thông tin cá nhân, tránh để các đối tượng tội phạm khai thác, lợi dụng. Hơn khi nào hết, tinh thần cảnh giác và cụm từ “người dùng thông minh” lại trở nên cần thiết như vậy đối với mỗi người dân tham gia giao dịch tài chính qua mạng.
Tuy nhiên, việc kêu gọi người dùng thận trọng, cảnh giác là chưa đủ. Đây chính là thời điểm mà các cơ quan chức năng cần phải thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò bảo vệ quyền lợi của người dân, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm lừa đảo.
Bước đầu tiên, là xây dựng các hàng rào về quy định giao dịch điện tử để hạn chế những giao dịch đáng ngờ (gần đây, những quy định về hạn mức chuyển khoản hay thông tin về áp dụng sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng là một ví dụ).
Tiếp theo, cần có sự mạnh tay xử lý với các đối tượng trao đổi, mua bán, khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người dùng. Thực tế cho thấy ngoài một số cá nhân người dùng vô tình để lộ, lọt thông tin khi sử dụng mạng xã hội hoặc trong đời sống, thì có những biểu hiện cho thấy các đối tượng tội phạm đã có cơ hội khai thác dữ liệu cá nhân mà không hề được phép của chính chủ. Việc cung cấp thông tin người dùng cho các đối tượng phạm tội cần phải được truy cứu và xử lý nghiêm minh hơn nữa.
Tiếp đó, là việc truy bắt đến cùng và đưa các đối tượng lừa đảo ra pháp luật, yêu cầu bồi thường cho người bị hại đồng thời chịu những án phạt nghiêm khắc.
Có như vậy, mới phần nào răn đe, ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội lừa đảo cũng như hành vi cung cấp dữ liệu cá nhân người dùng; đồng thời củng cố niềm tin trong dân chúng về việc tham gia môi trường số lành mạnh, an toàn và hiệu quả.